Mỹ- Triều Tiên đấu khẩu, Triều Tiên khôi phục các trạm gác vùng biên giới

TVN

0 164

Đại sứ Mỹ và đại sứ Triều Tiên ngày 27/11 đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an về vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám đầu tiên của họ và lý do khiến căng thẳng gia tăng. Đây là một cuộc khẩu chiến công khai, trực tiếp, hiếm thấy giữa hai đối thủ.

Sau gần 6 năm vắng bóng, Triều Tiên bắt đầu cử đại sứ của mình tại Liên hiệp quốc tới các cuộc họp của Hội đồng Bảo an bàn về chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng vào tháng 7. Cơ quan gồm 15 thành viên đã họp vào ngày 27/11 về vụ phóng vệ tinh do thám ngày 21 tháng 11.

Vào cuối cuộc họp, Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield và Đại sứ Triều Tiên Kim Song đã đưa ra những bình luận bất ngờ, tham gia vào cuộc đấu tay đôi về quyền trả lời, mỗi người đều cho rằng nước của mình đang hành động phòng thủ.

“Một bên hiếu chiến là Mỹ đang đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân”, ông Kim nói trước hội đồng.

Ông nói: “Việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – là một bên đối nghịch – có quyền hợp pháp phát triển, thử nghiệm, sản xuất và sở hữu các hệ thống vũ khí tương đương với những hệ thống mà Hoa Kỳ đã sở hữu và (đang) phát triển ngay bây giờ”.

Triều Tiên chịu các chế tài của Liên hiệp quốc vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân kể từ năm 2006. Điều này bao gồm lệnh cấm phát triển phi đạn đạn đạo.

Công nghệ như vậy đã được sử dụng để phóng vệ tinh vào tuần trước và diễn ra sau vụ thử nghiệm hàng chục phi đạn đạn đạo trong 20 tháng qua. Hoa Kỳ từ lâu đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.

Bà Thomas-Greenfield nói: “Chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố thiếu trung thực của CHDCND Triều Tiên rằng các vụ phóng phi đạn của họ chỉ mang tính chất phòng thủ, nhằm đáp trả các cuộc tập trận song phương và ba bên của chúng tôi”.

Bà nói: “Một lần nữa, tôi muốn bày tỏ một cách chân thành lời đề nghị đối thoại vô điều kiện của chúng tôi và CHDCND Triều Tiên chỉ cần chấp nhận”.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản bị đình trệ vào năm 2009. Các cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 và 2019 cũng thất bại.

Ông Kim khẳng định cho đến khi “mối đe dọa quân sự dai dẳng” được loại bỏ, Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục tăng cường năng lực của mình.

Bà Thomas-Greenfield nói hành động của Triều Tiên dựa trên sự hoang tưởng về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Mỹ.

Bà Thomas-Greenfield nói: “Nếu có bất cứ thứ gì Hoa Kỳ muốn cung cấp cho CHDCND Triều Tiên, thì đó là hỗ trợ nhân đạo cho người dân của bạn chứ không phải vũ khí để tiêu diệt người dân của bạn”.

Trong nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc, các cường quốc có quyền phủ quyết cùng với Mỹ, Anh và Pháp, cho rằng bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng.

Trung Quốc và Nga cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này khỏi bị thêm chế tài.

Theo hãng tin Pháp AFP, một quan chức quân sự Hàn Quốc đã tiết lộ rằng trong thời gian gần đây, Bắc Triều Tiên đã điều lính có vũ trang và thiết bị tới vùng biên giới liên Triều để khôi phục các trạm gác.

Về phần mình, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn một quan chức quân đội cho biết cụ thể hơn là binh lính Bắc Triều Tiên “được nhìn thấy là đang xây dựng lại các trạm gác từ Thứ Sáu 24/11”. Một bức ảnh do quân đội Hàn Quốc công bố cho thấy bốn binh sĩ Bắc Triều Tiên đang dựng lại một đồn gác bằng gỗ ở Khu Phi Quân Sự ngăn cách hai nước. Dường như toàn bộ 11 trạm gác bị dỡ bỏ theo thỏa thuận liên Triều cách nay 5 năm sẽ được khôi phục.

Vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã phóng lên quỹ đạo một vệ tinh do thám. Để đáp trả, Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận nhằm giảm bớt căng thẳng ở biên giới đã ký kết vào năm 2018, một quyết định đã khiến Bình Nhưỡng hủy bỏ hoàn toàn hiệp ước và cảnh báo sẽ “không bao giờ bị ràng buộc” nữa.

Trên hiện trường, Hàn Quốc đã triển khai “các thiết bị giám sát và trinh sát” tới biên giới sau vụ phóng vệ tinh, mà Seoul cho là “biện pháp cần yếu” để tự vệ trước các mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Bắc Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng cho biết sẽ “triển khai một lực lượng vũ trang hùng hậu hơn với trang thiết bị quân sự đời mới xuống khu vực dọc theo Đường Phân Giới Quân Sự” giữa hai miền Triều Tiên.

VOA, RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.