Tập Cận Bình: “nền dân chủ đích thực” ở Hồng Kông đã bắt đầu sau khi được Anh trao trả
TVN
Đại dịch Covid-19 buộc Trung Quốc đóng cửa biên giới từ tháng 01/2020 đến nay, chủ tịch Tập Cận Bình không công du ngoại quốc và chỉ tham gia trực tuyến các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế. Việc ông quyết định đến Hồng Kông dự lễ kỷ niệm 25 năm thuộc địa cũ của Anh được trao lại Trung Quốc cho thấy rõ quyết tâm của lãnh đạo chế độ Bắc Kinh khẳng định sự kiểm soát đối với đặc khu hành chính, 3 năm sau các cuộc biểu tình rầm rộ đòi dân chủ mùa hè 2019.
Một năm sau các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển Hồng Kông, Tập Cận Bình đã áp đặt tại đặc khu này một đạo luật an ninh quốc gia, bị chỉ trích là nhằm triệt hạ mọi quyền tự do của người dân Hồng Kông. Từ đó cho đến nay, rất nhiều chính khách, nhà hoạt động, nhà báo ủng hộ dân chủ đã bị bắt và bị truy tố theo đạo luật an ninh này. Đồng thời, lãnh đạo Trung Quốc đã buộc Hồng Kông tiến hành một cải cách chính trị để kể từ nay chỉ có những người “yêu nước”, tức là trung thành với Bắc Kinh, mới được ra ứng cử chức vụ trưởng đặc khu.
Việc ông Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức của trưởng đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) quả là mang tính biểu tượng: Tân lãnh đạo của Hồng Kông đã được một ủy ban thân Bắc Kinh chọn là vì đích thân ông, với tư cách là người đứng đầu cơ quan an ninh, đã chỉ đạo cuộc đàn áp thô bạo phong trào biểu tình đòi dân chủ và tiếp đến đã gia tăng sự kiểm soát chính trị tại đặc khu này.
Khi ông Lý Gia Siêu được chỉ định làm trưởng đặc khu thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng cực lực chỉ trích. Vào lúc đó, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrel đã cho rằng “đây là một bước mới trong việc phá vỡ nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ’”mà Bắc Kinh đã từng cam kết tuân thủ khi Luân Đôn trao lại vùng lãnh thổ này cho Trung Quốc”.
Phát biểu sau khi khai mạc lễ kỷ niệm 25 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã khẳng định: “ Không có lý do gì để thay đổi nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”. Mô hình này cần được duy trì lâu dài”. Chủ tịch Trung Quốc còn cho rằng “nền dân chủ đích thực” ở Hồng Kông đã bắt đầu sau khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung Quốc cách đây 25 năm.
Cũng là một biểu tượng: công chúng Hồng Kông hôm nay đã không được mời dự buổi lễ kỷ niệm 25 năm, cử tọa gồm toàn các nhân vật thân Bắc Kinh. Như thể là kể từ nay mọi chuyện ở Hồng Kông sẽ được quyết định mà người dân đặc khu không được có tiếng nói gì, trong khi ông Tập Cận Bình khẳng định từ 25 năm qua người dân thuộc địa cũ của Anh Quốc đã thật sự “làm chủ vận mệnh thành phố của mình”.
Hôm nay cũng đánh dấu đúng phân nửa thời hạn 50 năm mà Hồng Kông được hưởng quy chế bán tự trị theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Cho đến năm 2019, ngày 01/07 hàng năm vẫn là dịp để thể hiện các quyền tự do mà người dân đặc khu này còn được hưởng. Hàng ngàn người vẫn xuống đường tuần hành để bày tỏ các yêu sách chính trị và xã hội. Nhưng từ hai năm nay, các cuộc tuần hành đó, cũng như các cuộc tập hợp, đều bị cấm, với lý do chính thức là do tình hình dịch tễ và an ninh.
Trong những ngày qua, tân lãnh đạo Hồng Kông đã siết chặt hơn nữa sự kiểm soát an ninh ở đặc khu này. Một nhà báo Hồng Kông, phải sống lưu vong kể từ sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ 2019, nói với nhật báo Pháp Le Figaro hôm qua: “Người thân của tôi cho biết là có những khẩu hiệu tuyên truyền của chính quyền trên đường phố, cả khẩu hiệu “Chào mừng chủ tịch Tập Cận Bình”. Đây là điều chưa từng có, thật đáng phẫn nộ”. Nhà báo này, xin được giấu tên, nói thêm: “Chuyến thăm của Tập Cận Bình là một biểu tượng đối với các quan chức, nhưng dân thường chẳng mấy ai quan tâm. Dầu sao thì họ cũng không có quyền chỉ trích chuyến viếng thăm”.
Đối với nhà báo này, Hồng Kông ngày càng giống như một thành phố lớn của Trung Quốc, chứ không phải là một vùng lãnh thổ trên nguyên tắc phải được hưởng quy chế bán tự trị cho đến năm 2047 theo lời hứa của Đặng Tiểu Bình năm 1997: “Tập Cận Bình cứ nói “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng nguyên tắc này đã biến mất rồi. Về tự do ngôn luận, về độc lập tư pháp, những người dám phát biểu công khai kể từ nay đều phải sống ở nước ngoài”.
Theo RFI