Chưa ghi nhận có nạn nhân người Việt trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ
TVN
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/2 cho biết chưa ghi nhận có nạn nhân người Việt nào trong vụ động đất kinh hoàng mới xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo lời Phó phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt, trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã liên lạc với giới hữu trách của hai nước sở tại và những đầu mối cộng đồng người Việt Nam để tìm hiểu thông tin về khả năng có công dân Việt Nam gặp nạn hay không.
“Cho đến nay, công tác cứu nạn vẫn đang được triển khai tích cực và vẫn chưa có thông tin về công dân Việt Nam gặp thương vong do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria”, ông Đoàn Khắc Việt cho biết tại cuộc họp báo vào chiều 9/2.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Syria rất tốt đẹp. Do đó, việc cứu trợ thảm họa chắc chắn sẽ được phía Việt Nam suy nghĩ tích cực”.
Báo Tuổi Trẻ cho biết tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 200 người Việt đang sinh sống, thường xuyên liên lạc với nhau qua cộng đồng hoặc theo dõi trang Facebook của Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Khi động đất xảy ra, đại sứ quán đã đưa thông tin liên hệ và số hotline lên trang Facebook của cộng đồng để bà con tiện liên hệ.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, có ít người Việt sinh sống tại 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng động đất và đến nay chưa ghi nhận trường hợp người Việt nào thiệt mạng, nhưng có một số người bị thiệt hại nhà cửa và hoảng loạn về tinh thần khi phải ôm con nhỏ tháo chạy lúc sáng sớm giữa trời giá rét.
Tính đến ngày 9/2, số người chết vì trận động đất đã vượt qua 19.000 người ở cả hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Các nhà chức trách cho biết khoảng 6.500 tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập và vô số ngôi nhà khác bị hư hại trong vùng động đất, nơi có khoảng 13 triệu người sinh sống.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết số người chết được xác nhận ở nước này đã tăng lên 16.170 vào ngày 9/2.
Còn tại Syria, nơi đã bị tàn phá bởi gần 12 năm nội chiến, hơn 3.000 người đã thiệt mạng, theo chính phủ và lực lượng cứu hộ ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát.
Theo các chuyên gia, hiện đã hơn 72 giờ kể từ khi trận động đất đầu tiên nên “cánh cửa giải cứu” 72 giờ đã khép lại.
Ông Ilan Kelman, giáo sư về thảm họa và sức khỏe tại Đại học UCL (University College London), cho biết hơn 90% những người sống sót sau động đất được giải cứu trong vòng ba ngày đầu tiên.
Số giờ đó có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào thời tiết, dư chấn và tốc độ các đội cứu hộ cũng như thiết bị được triển khai đến hiện trường. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này hiện đang đi ngược lại những nỗ lực cứu hộ ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ông Kelman, người đã xuất bản công trình nghiên cứu về các phản ứng cứu hộ sau động đất, cho biết: “Nói chung, động đất không giết chết người, mà cơ sở hạ tầng sụp đổ mới giết người”.
Nạn nhân sống sót mà không được cứu hộ kịp sẽ chết vì chấn thương, lạnh giá và đói khát.