Hà Nội và Bắc Kinh cam kết sẽ “xử lý thỏa đáng” các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

TVN

0 194

Hôm qua, 01/11/2022, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã ra một Tuyên bố chung, trong đó Hà Nội và Bắc Kinh cam kết sẽ “xử lý thỏa đáng” các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trong chuyến đi Trung Quốc bắt đầu từ ngày 30/10/2022, ông Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với ông Tập Cận Bình, vừa tái đắc cử tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3, và gặp các lãnh đạo cao cấp khác của chính quyền Bắc Kinh, trong đó có thủ tướng Lý Khắc Cường.

Theo bản Tuyên bố chung mà phía Việt Nam công bố, trong cuộc gặp giữa ông Nguyễn Phú Trọng với các lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã trao đổi ý kiến “chân thành, thẳng thắn” về vấn đề trên biển, đồng thời đã “nhất trí xử lý ổn thỏa” vấn đề trên biển để “duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Hai bên cũng cam kết sẽ “sử dụng hiệu quả” cơ chế đàm phán biên giới cấp Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì, đàm phán về “các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên, tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.”

Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã tỏ ra hung hăng hơn trong việc xác quyết chủ quyền ở Biển Đông, thể hiện qua việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, cũng như tăng cường tuần tra trên vùng biển này và sách nhiễu các tàu cá của những nước khác, đặc biệt là của Việt Nam.

Không công nhận chủ quyền mà Bắc Kinh tự áp đặt lên phần lớn Biển Đông, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác thường xuyên đưa chiến hạm đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này, bất chấp phản đối của Trung Quốc.

Tuy vẫn thường xuyên gặp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông, trong chuyến đi thăm vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã tuyên bố sẽ “ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.

Không những thế, theo bản Tuyên bố chung, Hà Nội và Bắc Kinh cho biết sẽ “tích cực thúc đẩy” kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.

Ông Nguyễn Phú Trọng như vậy là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tập Cận Bình sau khi ông đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ 3 trong kỳ Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, trở thành lãnh đạo có thế lực nhất ở nước này kể từ thời Mao Trạch Đông.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.