Tin đồn nhà báo Huy Đức bị bắt vẫn chưa sáng tỏ
TVN
Hiện tại, truyền thông chính thức trong nước hoàn toàn không đưa thông tin nào về vụ nhà báo Huy Đức.
Tin đồn về việc nhà báo Huy Đức bị công an bắt giữ xuất phát từ blogger Lê Nguyễn Hương Trà trên mạng Facebook với dòng tin ngắn ”Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức” vào đêm 1.6.
Tin về vụ bắt ông Huy Đức càng thêm xác tín khi Facebooker Canh TranThanh xác nhận trên trang cá nhân rằng nhà báo Huy Đức bởi lý do “bất khả kháng” đã không tới buổi “Cà Phê Thứ Bảy” diễn ra hôm 1 Tháng Sáu tại Hà Nội mà theo chương trình công bố trước đó, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” là diễn giả chính.
Ông Canh TranThanh sau đó đăng một bình luận được cho là liên quan ông Huy Đức nhưng không nhắc tên nhân vật này: “Tôi luôn tin tưởng tuyệt đối: bạn tôi không làm bất cứ điều gì có hại cho dân, cho nước!”
Rất nhiều nhân vật đã đưa tin và bình luận trên trang cá nhân dù Bộ Công An Việt Nam chưa công bố cáo buộc nhắm vào ông Huy Đức
Luật Sư Lê Quốc Quân bình luận trên trangnhà: “Những bài viết gần đây của nhà báo Huy Đức rất mạnh mẽ, đụng chạm trực tiếp đến cả thể chế nhưng chỉ là giọt nước tràn ly. Đích ngắm thực sự trong vụ bắt giữ Huy Đức là số lượng tư liệu, tài liệu rất lớn ở tại gia đình anh. Đây là mục tiêu quan trọng số một của nhóm ‘đảo chính mềm’ hiện đang ghi bàn 1-0.”
Hiện trang Facebook cá nhân của blogger Huy Đức cũng không còn truy cập được tại Việt Nam.
Huy Đức (sinh 1962) là bút danh, ông có tên khai sinh là Trương Huy San. Ông đã nổi tiếng với blog bình luận chính trị – xã hội với cái tên Osin, hiện thời là trang Facebook Osin Huyduc .
Tháng 5 năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên thành đạt và có nhiều triển vọng sang tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard. Đề mục chính ông theo đuổi là chính sách công, văn chương Hoa Kỳ và lịch sử Việt Nam.
Cuốn sách Bên thắng cuộc do ông biên soạn và cho ra mắt cuối năm 2012 đã gây nhiều chú ý ở Việt Nam lẫn ở Mỹ vì soi xét vào những đề tài không được nhắc tới vì cho là “nhạy cảm chính trị”. Ít nhất hai nhà xuất bản tại Việt Nam đã từ chối in tác phẩm này.