Vụ án AIC: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù, cựu bí thư và chủ tịch Đồng Nai 9-11 năm tù
TVN
Ngày 24-12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC cùng các đơn vị có liên quan.
Theo đó, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 10-11 năm tù và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9-10 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bị truy nã) bị đề nghị 16-17 năm tù về tội Đưa hối lộ, 14-15 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt VKSND đề nghị chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù.
Phó tổng giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) tổng mức án 25-27 năm tù; Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị đề nghị 8-9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với đó, bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, bị đề nghị tổng hình phạt 19-21 năm tù về các tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đồng Nai, bị đề nghị 4-5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, VKSND TP Hà Nội cùng đề nghị TAND TP Hà Nội tuyên 29 bị cáo khác từ 30 tháng tù treo đến 11 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND đề nghị tòa buộc các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga liên đới bồi thường cho UBND tỉnh Đồng Nai tổng số tiền hơn 152 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Nhàn phải bồi thường 2/3 mức tiền này, các bị cáo Hà và Nga khắc phục 1/3 phần còn lại. Ngoài ra, VKSND đề nghị tịch thu tổng số tiền 57 tỉ đồng do nhóm nhận hối lộ và các bị cáo khác hưởng lợi bất hợp pháp.
Điểm đáng chú ý của phiên tòa này là cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy người khác bỏ trốn trước khi bị khởi tố vẫn bị truy tố và đưa ra xét xử. Viện kiểm sát cũng đề nghị mức án đối với bà Nhàn và những người đang trốn truy nã.
Theo viện kiểm sát, trong 36 bị cáo bị đưa ra xét xử có Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác đang bỏ trốn gây khó khăn trong quá trình giải quyết toàn diện của vụ án.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú nhưng không có kết quả. Theo cơ quan công tố, việc tòa án đưa các bị cáo đang bỏ trốn ra xét xử là kịp thời và cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật “trốn cũng không thể thoát được”.
Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14-15 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt bị đề nghị 30 năm tù.
Cùng hai tội danh trên, Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) bị đề nghị lần lượt 13-14 năm tù và 12-13 năm tù, tổng hợp 25-27 năm tù.
Cả hai bị cáo Nhàn và Hà hiện đang bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã.
Có 2 trong số 8 người bị truy nã trong vụ án liên quan đến vụ án AIC vừa gửi đơn giải thích với toà án rằng họ không bỏ trốn mà chưa thể có mặt trong phiên xử vì lý do sức khỏe và phải chăm sóc con ở Mỹ.
Trong phiên xét xử thứ ba vào ngày 23/12, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Đăng Thuyết, luật sư Nguyễn Văn Tú, đưa ra bức thư của thân chủ ông gửi cho Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội từ trước khi diễn phiên xét xử và nói rằng thân chủ ông “không có ý định bỏ trốn”, mà ông Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021, khi vụ án chưa khởi tố. Kể từ đó, ông Thuyết đã ở Mỹ để giám hộ cho hai con nhỏ đang du học.
“Ông Thuyết đã ly hôn nên việc ở Mỹ là bất khả kháng, bởi chỉ ông mới có quyền giám hộ”, Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Tú giải thích.
Ông Thuyết nói ông chỉ biết mình bị xét xử thông qua luật sư và báo chí, và vì tiến độ điều tra vụ án quá nhanh, chỉ 10 ngày đã có quyết định đưa ra xét xử, nên ông không thể về Việt Nam dù “rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày” nên uỷ quyền cho luật sư, vẫn theo bức thư được công bố gửi cho HĐXX.
Ngoài ông Thuyết, một người bị truy nã khác là ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y tế Nha khoa Việt Tiên cũng thông qua luật sư cho biết tại phiên xử ngày 23/12 rằng thân chủ của ông đang “điều trị bệnh và chăm sóc con bị tự kỷ tại Mỹ”. Luật sư của ông Vinh nói “bị cáo sẵn sàng hợp tác với toà”.