Năm 2019, series phim tài liệu nổi tiếng trên nền tảng Netflix với tựa đề “Dọn nhà cùng Marie Kondo” thu hút lượt xem và theo dõi khủng. Bên cạnh đó, cuốn sách “ Dọn dẹp cùng Marie Kondo” trước đó cũng từng làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng best seller của Amazon năm 2014 – 2015, cụ thể là đã bán được 11 triệu bản và được dịch sang 42 ngôn ngữ. Vậy điều gì thú vị có trong cuốn sách, bộ phim trên? Đó chính là một thế giới quan mới về lối sống của người Nhật Bản: Danshari – Sống tối giản cho tâm hồn bình an, thanh thản.
Danshari là gì?
Danshari – gốc từ Hán- Đoạn xả li- là một lối sống tối giản của người Nhật. Trong đó, người Nhật ưu tiên lối sống không lãng phí, không mua đồ dư thừa, cắt giảm các vật dụng thừa thãi trong nhà xuống mức thấp nhất. Người sử dụng chỉ lựa chọn những đồ vật bản thân thực sự cần để giữ lại. Và dần từ đó chúng ta sẽ học được cách không chạy theo vật chất, lọc được cái nào là thứ mình cần và cái nào chỉ là do tác động của truyền thông. Nói cách khác, Danshari không chỉ là hành động vứt bỏ mọi thứ và dọn dẹp căn phòng, mà còn là một phương pháp thay đổi cách sống và làm phong phú thêm tâm trí và cuộc sống của chính mình.
Dan ( 断)- Đoạn: tức là cắt đứt, từ chối, từ bỏ
Sha (捨):Xả: tức là buông bỏ, vứt bỏ
Ri (離): Li : tức là rời xa, tách biệt
Thông thường, lối sống này hay được nhắm mục tiêu là “sự vật, đồ dùng”, nhưng trong những năm gần đây điều này cũng được áp dụng cho tất cả các đối tượng khác xung quanh con người, ví dụ: các mối quan hệ, công việc, thời gian, thông tin, quyền lợi, dịch vụ, v.v.
Nguồn gốc của lối sống tối giản Danshari
Ban đầu, cụm từ này có nguồn gốc từ bộ môn Yoga “Phá vỡ, vứt bỏ và bỏ đi”. Bản thân nội dung của cụm từ này đã xuất hiện trong Phật giáo từ lâu, và đặc biệt, hành động dứt khoát và sự từ bỏ là những tư tưởng và triết lý tu hành quan trọng tiếp tục từ thời Đức Phật.
Người phát minh ra là ngài Masahiro Oki, người đã hoạt động với tư cách là người hướng dẫn tiên phong về yoga ở Nhật Bản. Oki đã sử dụng thuật ngữ này trong cuốn sách của riêng mình xuất bản năm 1976, và kể từ đó đã sử dụng thuật ngữ “Danshari” trong ít nhất bốn cuốn sách. Ngoài ra, trong giới yoga Nhật Bản, Danshari cũng được công nhận là “ý tưởng của Masahiro Oki”.
Hideko Yamashita áp dụng thuật ngữ này chủ yếu cho lĩnh vực “dọn dẹp” và phổ biến rộng rãi ra thế giới. Năm 2009, Yamashita đã xuất bản “Kỹ thuật dọn dẹp mới – Danshari “”. Cuốn sách đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất, và “Decluttering” đã được đề cử cho Giải thưởng Các từ mới và Từ phổ biến của U-Can năm 2010.
Có thể thấy Nhật Bản cũng là một đất nước khá là phù hợp với văn hóa tối giản. Bởi lẽ, thiên nhiên khắc nghiệt tại đây luôn khiến con người lo sợ. Những trận động đất, sóng thần dữ dội càng khiến cho người Nhật gắn liền hơn với lối sống tối giản ấy, bởi nếu nhà quá nhiều đồ khi động đất sẽ dễ gây nguy hiểm khi khó thoát hiểm hơn và đồ đạc dễ rơi lung tung gây thương tích.
Sự khác biệt giữa Danshari và Minimalism
Danshari hay được so sánh với chủ nghĩa Minimalism, cũng có nghĩa là chủ nghĩa tối giản.
Về cơ bản thì đó đều là lối sống tối giản, tuy nhiên sự khác nhau lại nằm ở cách suy nghĩ khởi nguyên của người áp dụng.
Minimalist nhấn mạnh vào cuộc sống với càng ít đồ vật xung quanh càng tốt, có thể làm đơn giản hơn sự lựa chọn của mình. Còn với Danshari, đó là bài học đầu tiên cho việc chúng ta phải tự đưa ra quyết định là đồ vật này có THỰC SỰ CẦN THIẾT với mình không, và học cách buông bỏ với những thứ đồ mình chỉ thích chứ không bao giờ sử dụng.
Hiệu quả của lối sống tối giản – Danshari
Cơ hội để nhìn nhận lại môi trường xung quanh bản thân
Suy nghĩ về những gì bạn cần và những gì bạn không cần trong việc dọn dẹp sẽ cho bạn cơ hội để kiểm tra lại môi trường xung quanh mình. Ngay cả khi bạn chỉ định suy nghĩ về một đồ vật, dần dần suy nghĩ của bạn sẽ mở rộng ra chẳng hạn như những mối quan hệ hay cuộc sống lý tưởng của bạn. Đây sẽ là một cơ hội tốt để bạn tự xem xét lại các giá trị quan của cá nhân, chẳng hạn như bạn coi trọng điều gì?
Mang lại thêm nhiều không gian cho bản thân và giúp giảm căng thẳng
Khi căn phòng được sắp xếp gọn gàng bằng cách tái sắp xếp, không gian sẽ được mở rộng ra. Từ đó giúp bạn dễ dàng nhìn thấy nơi bạn đặt mọi thứ, và bạn sẽ mất ít thời gian hơn để tìm kiếm xung quanh để xem “đồ vật đó ở đâu?”. Điều này cũng giúp bạn có thêm nhiều thời gian và không gian sống hơn.
Ngoài việc giảm bớt căng thẳng chẳng hạn như đánh mất những thứ quan trọng và quên để chúng ở đâu, người ta cho rằng việc tối giản có thể được mong đợi sẽ có tác dụng làm dịu tinh thần.
Tiết kiệm
Việc dọn dẹp giúp bạn nắm được rõ ràng hơn về số lượng và đồ vật bạn sở hữu, từ đó giúp ngăn chặn việc bạn mua đi mua lại cùng một loại thực phẩm hoặc quần áo, điều này được cho là có ảnh hưởng đến tài chính.
Trước khi mua bất cứ thứ gì, bạn hãy tập có thói quen nghĩ “Đây có thực sự là thứ bạn cần bây giờ?”, Điều này sẽ làm giảm số lần mua hàng theo cảm tính bốc đồng và giúp bạn tiết kiệm tiền.
Tăng vận khí
Trong Phong thủy, người ta cho rằng những đồ dùng lâu không dùng đến, đồ cũ, đồ có kỷ niệm khó chịu sẽ làm giảm vận may của bạn. Nếu bạn giảm bớt số lượng bằng phương pháp Danshari và tạo ra không gian cho những điều may mắn mới, đó có thể là cơ hội để thu hút tiền bạc cũng như vận may khác cho bản thân.
Một số suy nghĩ sai lầm về lối sống tối giản của người Nhật
Dù Danshari đã dần thịnh hành tại Việt Nam, thế nhưng có những người hiểu sai về lối sống này dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.
Vứt bỏ mọi đồ đạc
Có một số gia đình sau khi đọc sách hay xem phim tài liệu của Marie Kondo xong đã vội vàng lục tung nhà lên và bán đi rất nhiều đồ đạc cồng kềnh như sofa, tủ, kệ, ti vi,…
Quả nhiên ban đầu nó đã đi đúng hướng là mở rộng không gian sống. Tuy nhiên sau một thời gian, sự bất tiện khi thiếu đồ đạc khiến gia đình đó phải vội vàng đi “ mua lại” những đồ đạc đó với giá “chát”.
Vấn đề ở đây đó là bạn chỉ nên loại bỏ những đồ đạc mà bạn KHÔNG DÙNG ĐẾN và thấy không cần thiết. Bạn có thể bỏ đi một chiếc tivi nếu bạn luôn chỉ dùng laptop để xem tin tức hay phim ảnh. Tuy nhiên nếu bạn bỏ đi một chiếc máy giặt trong khi ngày nào bạn cũng sử dụng nó thì quả thật là một sự nhầm lẫn tai hại.
Tối giản là “tu hành”
Đọc phần định nghĩa ở trên có thể nhiều người cho rằng tối giản là cắt hết mọi chi tiêu, không dám mua sắm bất cứ món đồ gì, giảm hết mọi cuộc vui, hoạt động giải trí để “sống tối giản”. Nhưng liệu đó có phải là điều khiến chúng ta hạnh phúc?
Mục đích lớn nhất của việc sống tối giản đó là giúp con người ta nhận thức được đâu là cái ta muốn và đâu là cái ta cần. Cái nào mới là điều thực sự khiến chúng ta hạnh phúc.
Có người sẽ thích nhà to đẹp để ở, và họ không có thú vui khác như đi du lịch hay ăn nhà hàng. Nhưng có người lại thích thời trang, và thú vui được mặc những bộ quần áo đẹp. Thay vì chạy theo những quy chuẩn về lối sống, hãy chọn làm điều mình thích nhất, giảm bớt những việc bạn thấy lãng phí, đó cũng là một cách sống tối giản.
Tối giản là “không màu mè hoa lá”
Nhiều bạn sẽ bắt chước một số tấm gương như một số tỷ phú nổi tiếng thế giới chỉ mặc duy nhất một kiểu dáng và màu áo cho một tuần với suy nghĩ là “tối giản”. Tuy nhiên điều này không hẳn là đúng nếu như bạn là người thích những màu sắc sáng. Bạn không cần phải cố gắng thay đổi tất cả những vật dụng của mình chỉ để theo một chuẩn mực nào đó. Nếu kết quả nhận được chỉ là không đúng với sở thích và khiến bản thân bạn không thấy hạnh phúc – có thể bạn đang sống tối giản “tiêu cực”.
Các bạn hãy thử Danshari từ một số vật dụng nhỏ nhắt, hay dọn dẹp lại bàn làm việc của mình. Biết đâu bạn lại cảm nhận được sự thay đổi và bình an trong tâm hồn.