Điểm sách: Ian Nish và “The Iwakura Mission in America & Europe : A new assessment” (Sứ đoàn Iwakura)

Huỳnh Duy lộc

0 562

GS Ian Nish (sinh ngày 3 tháng 6 năm 1926 tại Edinburgh, Anh), một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về quan hệ đối ngoại của Nhật Bản cận đại, đã từ trần ở tuổi 96 vào ngày 31 tháng 7 năm 2022.

Tác phẩm “The Iwakura Mission in America & Europe : A new assessment” do ông chủ biên tập hợp những bài khảo cứu của nhiều học giả về chuyến đi Mỹ và châu Âu của sứ đoàn Iwakura thời Minh Trị. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hoàng Mai và Nguyên Tâm đã được Công ty Văn hoá Phương Nam ấn hành vào tháng 7 năm 2023.
(Lời giới thiệu của trang Bookish)

“Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Cuộc cải cách Minh Trị đã tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xóa bỏ chế độ Mạc Phủ, xóa bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính quyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (“Phú quốc cường binh”: Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Họ bắt đầu bằng Sứ đoàn Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835 – 1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ 3 năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn: “Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, trẫm có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo… Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống, tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp… Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Chuyến công du của Sứ đoàn Iwakura được Tiến sĩ Guido Verbeck, người Mỹ gốc Hà Lan, gợi ý dựa trên một chuyến đi tương tự của Đại đế Nga Peter vào thế kỷ XVIII nhằm học hỏi các nước Tây Âu. Hành trình kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 –1873), với một phái đoàn vô cùng hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này.

Chuyến đi có hai mục tiêu:

-Thứ nhất muốn giới thiệu với phương Tây những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản, kết thân với giới lãnh đạo phương Tây, thương thảo lại các hiệp ước đã ký bất lợi cho Nhật.

-Mục tiêu thứ hai là tìm hiểu và đánh giá sự phát triển phương Tây, nhận thức các bài học của họ trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mại và giáo dục, cách tổ chức quốc gia, để vận dụng những điều quan sát vào tình hình Nhật Bản. Qua đó tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây.

Sứ đoàn Iwakuramuốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Sau khi chuyến công du kết thúc, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800… Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là những người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863 – 1864, dưới thời Hoàng đế Komei, cha của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường 3.000.000 đô la, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây”.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Tác phẩm “The Iwakura Mission in America & Europe : A new assessment”, giáo sư Ian Nish.

Leave A Reply

Your email address will not be published.