Han Kang (한강) sinh năm 1970 tại Gwangju, từ khi lên 10 tuổi đã theo cha mẹ về sống tại Suyuri, Seoul, thủ đô của Hàn Quốc. Cha cô là một nhà văn nổi tiếng và ngoài đam mê sáng tác văn chương, cô còn say mê nghệ thuật và âm nhạc. Cô học khoa Văn chương Hàn Quốc tại Đại học Yonsei và bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng việc sáng tác 5 bài thơ, trong đó có bài thơ “Mùa đông ở Seoul” đăng trên số mùa đông của tạp chí 문학과사회 (Văn học và Xã hội) ra mắt vào năm 1993.
Tác phẩm văn xuôi đầu tiên của cô là tập truyện ngắn “Tình yêu của Yeosu” (여수의 사랑 – 1995) sẽ được tiếp nối bởi nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Đáng chú ý nhất là tiểu thuyết “Đôi bàn tay lạnh giá của anh” ( 차가운 손 – 2002) kể về một nghệ sĩ điêu khắc mất tích đã để lại một bản thảo cho thấy ông bị ám ảnh bởi việc tạo ra những khuôn đúc bằng thạch cao để tạo tác tượng những cơ thế phụ nữ. Mối quan tâm dành cho giải phẫu học người và sự bộc lộ cá tính cho thấy xung đột phát sinh giữa những gì cơ thể thể hiện và những gì nó giấu kín. “Đời sống giống như một tấm vải căng trên vực thẳm và chúng ta sống trên đó giống như những diễn viên nhào lộn đeo mặt nạ” là điều cô khẳng định trong câu cuối của cuốn tiểu thuyết này.
Bước đột phá của cô bắt đầu với “Người ăn chay” (채식주의자 – 2007), cuốn tiểu thuyết gồm có 3 phần kể về những hậu quả thảm khốc khi nhân vật chính Yeong-hye không chịu theo chế độ dinh dưỡng bình thường như mọi người. Quyết định không ăn thịt của cô đã gặp phải những phản ứng trái chiều, bị chồng cô và người cha độc đoán của cô lên án, và cô bị lạm dụng cả về tình dục lẩn về phương điện thẩm mỹ bởi người anh rể, một nghệ sĩ quay video bị ám ảnh bởi thân thể thụ động của cô. Cuối cùng, chị cô đưa cô vào một bệnh viện tâm thần để cứu cô và đưa cô trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng cô vẫn tiếp tục chìm sâu vào cơn khủng hoảng tinh thẩn biểu hiện qua hình ảnh những cái cây rực lửa.
Sự cảm thông của Hang Kang với những người có lối sống cực đoan tiếp tục được thể hiện qua cuốn tiểu thuyết “Những bài học tiếng Hy Lạp” (희랍어 시간 – 2011) kể về mối quan hệ dị thường giữa hai người dễ bị tổn thương: một phụ nữ trẻ mất khả năng nói sau những cơn hoảng loạn tinh thần đã giao tiếp với người thầy dạy tiếng Hy Lạp bị khiếm thị. Giữa hai người bị khiếm khuyết này, tình yêu đã nảy sinh và đây là câu chuyện cảm động về sự mất mát, tình thân và những điều kiện tối hậu làm nên ngôn ngữ.
Tiểu thuyết “Những hành vi của con người” (소년이 온다 – 2011) kể lại vụ quân đội Hàn Quốc thảm sát mấy trăm sinh viên và thường dân không có vũ khí nào trong tay vào năm 1980 ở thành phố Gwangju, nơi Han Kang sinh ra và sống tới năm 9 tuổi. Tiểu thuyết “Chúng ta không nói lởi vĩnh biệt” (작별하지 않는다 – 2023) kể lại việc hành quyết hơn 10.000 người, gồm cả trẻ nhỏ và những người già, bị nghi ngờ hợp tác với quân Nhật xâm lược vào cuối thập niên 1940 trên đảo Jeju.
Hang Kang đã giành nhiều giải thưởng văn chương: giải Tiểu thuyết Hàn Quốc lần thứ 25 vào năm 1999 với truyện vừa “Tiểu Phật”, giải Các Nghệ sĩ Trẻ của Hàn Quốc năm 2000 của Bộ Văn hoá Hàn Quốc, giải Yisang năm 2005 với tiểu thuyết “Cảnh quan Mông Cổ” và giải Dongri năm 2001 với tiểu thuyết “Gió thổi”, giải văn chương Manhae với tiểu thuyết “Những hành vi của con người”, giải văn chương Hwang Sun-won với truyện vừa “Khi một bông tuyết tan” và giải văn chương Kim Yujung năm 2008 với tiểu thuyết “Vĩnh biệt”.
Các tác phẩm của cô cũng đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế: “Người ăn chay” đoạt giải Man Booker năm 2016, tiểu thuyết “Những hành vi của con người” đoạt giải Malaparte của Ý năm 2017. Tiểu thuyết “Người ăn chay” cũng được trao giải San Clemete năm 2019 của Tây Ban Nha. “Chúng ta không nói lời vĩnh biệt” được trao giải Medicis năm 2023 của Pháp và giải Émile Guimet năm 2024 của Pháp.
Chiều thứ năm 10 tháng 10 năm 2024, Viện Hàn Lâm Thụy Ðiển cho hay giải Nobel Văn chương 2024 được trao cho Han Kang vì “cô đã đối chiếu những chấn thương trong lịch sử với những quy tắc vô hình và phơi bày trong mỗi tác phẩm của cô sự mong manh của kiếp người. Cô có ý thức vô song về những mối liên hệ giữa tâm hồn và thể xác, giữa những người còn sống và những người đã chết, và qua bút pháp thể nghiệm thấm đẫm chất thơ đã trở thành người cách tân văn xuôi hiện đại”.
HUỲNH DUY LỘC