Pièrre Bernard Lafont và Vương quốc Champa

Huỳnh Duy Lộc

0 683

Pièrre-Bernard Lafont sinh ngày 17 tháng 2 năm 1926 tại Syrie (Trung Ðông). Tốt nghiệp tiến sĩ luật học tại Đại học Sorbonne, Paris và xuất thân từ Viện Chính trị học Paris, ông được bổ nhiệm vào Viện Viễn Ðông Pháp với chức vụ thành viên khoa học chuyên về nền văn minh Ðông Dương, đã từng có mặt nhiều năm tại Việt Nam từ năm 1953 để nghiên cứu về các dân tộc Tây Nguyên và mối liên hệ với người Chàm sinh sống ở vùng duyên hải của Vương quốc Champa.

Gs Lafont cũng là người đã từng giữ chức giảng viên của Ðại học Văn Khoa Saigon, quen biết rất nhiều học giả Việt Nam như Gs Nghiêm Thẩm, Gs Nguyễn Thế Anh, Gs Phạm Cao Dương… Bên cạnh đó, ông cùng với linh mục G. Moussay thành lập Trung tâm Văn hóa Chàm tại Phan Rang vào năm 1969. Ông cũng rất thân cận với thiếu tướng Les Kosem, người Cambodia gốc Chàm giữ vai trò chủ động trong tổ chức Fulro, phong trào đấu tranh nhằm phục hưng lại quy chế của dân tộc bản địa tại miền Trung Việt Nam vào những năm 1964-1975. Từ mối liên hệ này, ông đã đứng ra đỡ đầu cho một số thành viên Fulro sang Pháp du học.

Năm 1988, theo lời đề nghị của Gs Lafont, Viện Viễn Ðông Pháp đã dời trụ sở Chương trình Champa học sang Kuala Lumpur với mục tiêu mở rộng thêm chủ đề nghiên cứu về mối liên hệ giữa Vương quốc Champa và thế giới Mã Lai. Sau 30 năm hoạt động, Chương trình Champa học đã xuất bản tại Paris và Kuala Lumpur 20 công trình nghiên cứu về Champa, góp phần làm sáng tỏ di sản lịch sử và nền văn minh của vương quốc này.

“Vương Quốc Champa : Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử” do Gs Lafont thực hiện là tác phẩm lịch sử Champa đầu tiên mang tính cách tổng thể từ ngày lập quốc vào thế kỷ II cho đến khi Vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832.

Trong tác phẩm này, Gs Lafont tự đặt mình vào vị trí của một sử gia để xây dựng lại lịch sử Champa một cách khoa học và khách quan, bao gồm nhiều chủ đề liên quan đến tiến trình hình thành lịch sử của vương quốc Champa, từ yếu tố địa dư, nguồn gốc dân cư, di sản văn hóa, phong cách nghệ thuật, đời sống tâm linh, hệ thống tổ chức xã hội và gia đình cho đến thể chế chính trị của Champa. Gs Lafont cũng không bỏ qua hệ thống phân kỳ lịch sử của vương quốc này, phân tích lại một cách khách quan mối liên hệ chính trị và quân sự giữa Champa và quốc gia láng giềng ở phía Bắc trong suốt chiều dài của cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, mà mục tiêu chỉ nhằm đưa lịch sử của vương quốc này trở về đúng với vị trí của nó.

“Vương quốc Champa: Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử” là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp mang tựa đề “Le Champa: Géographie – Population – Histoire” do nhà xuất bản Les Indes Savantes ấn hành vào năm 2007 tại Paris. Tác phẩm này được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi ông Hassan Poklaun, một trí thức Chàm tốt nghiệp Lycée Yersin, Ðà Lạt.

Champa (tiếng Hán: Lâm Ấp) là vương quốc cổ hình thành vào thế kỷ 2 Công nguyên vả cáo chung vào thế kỷ 17 Công nguyên, trải dài từ duyên hải miền Trung tới duyên hải miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 18 ở phía Bắc tới mũi Kê Gà, Bình Thuận (còn gọi là Cape Varella) ở phía Nam. Được hình thành bởi người Chàm, một dân tộc gốc Mã Lai – Đa đảo theo văn hoá Ấn Độ, Vương quốc Champa cuối cùng đã bị người Việt xâm chiếm lãnh thổ và đến lượt mình, người Việt đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Champa.

Vương quốc Champa hình thành vào năm 192 Công nguyên vào lúc triều đại nhà Hán ở Trung Quốc sụp đổ, Khu Liên (Sri Mara), viên quan của nhà Hán cai quản vùng đất này, đã lập ra vương quốc của chính mình ở nơi gần kinh đô Huế sau này. Dù rằng lúc ban đầu cư dân là những bộ tộc phải thường xuyên chiến đấu với cư dân những thuộc địa của Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam, vùng đất này đã dần dần chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, chia làm 4 tiểu quốc đặt tên theo những vùng của Ấn Độ: Amavarati (Quảng Nam); Vijaya (Bình Định); Kauthara (Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang). 4 tiểu quốc này có một đội hải thuyền hùng mạnh được dùng để giao thương và cướp phá trên biển.

Vào khoảng năm 400 Công nguyên, 4 tiểu quốc Champa được thống nhất dưới sự lãnh đạo của vua Bhadravarman. Để trừng phạt những cuộc tấn công của Champa trên những bờ biển của mình, Trung Quốc đã xua quân xâm chiếm Champa vào năm 446, một lần nữa biến Champa thành phiên thuộc của mình. Mãi đến thế kỷ 6, dưới một triều đại mới, Champa mới chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, bước vào một thời kỳ độc lập, thịnh vượng, có nhiều thành tựu nghệ thuật. Trung tâm của Vương quốc Champa bắt đầu chuyển từ Bắc vào Nam và đến giữa thế kỷ 8, sử sách của Trung Quốc không còn nhắc tới cái tên Lâm Ấp nữa, mà gọi vương quốc này là Hoàn Vương, phiên âm theo tiếng Hán của Panduranga (Phan Rang), tên của vùng cực Nam của vương quốc. Cuối thế kỷ 8, Champa bị xao lãng bởi những cuộc tấn công của những người đến từ đảo Java, nhưng đến thế kỷ 9, người Chàm lại gây áp lực trở lại trên những tỉnh phía Bắc thuộc về Trung Quốc và vùng đất của Đế chế Khmer ở phía Tây. Dưới thời Indravarman II, vị vua đã thiết lập triều đại Indrapura (triều đại thứ 6 trong lịch sử Champa) vào năm 875, kinh đô của vương quốc chuyển về tỉnh Amaravati (Quảng Nam) ở phía Bắc, gần thành phố Huế, nhiều cung điện và đền thờ được xây dựng.

Đại Việt gây áp lực trên Champa, buộc ngươi Chàm phải giao vùng đất của tiểu quốc Amavarati vào năm 1000 và vùng đất của tiểu quốc Vijaya vào năm 1069. Harivarman IV, vị vua đã lập ra triều đại Champa thứ 9, đã chống trả được những cuộc tấn công của Đại Việt và Đế chế Khmer, nhưng vào năm 1145, người Khmer dưới sự lãnh đạo của vua Suryavarman II đã xâm chiếm lãnh thổ Champa. 2 năm sau, một vị vua Champa mới là Jaya Harivarman I đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ sự thống trị của người Khmer, và người kế vị ông đã xua quân đánh phá kinh đô Angkor của Đế chế Khmer vào năm 1177. Tuy nhiên từ năm 1190 đến năm 1220, người Chàm lại rơi dưới ách thống trị của người Khmer. Đến cuối thế kỷ 13, Champa lại bị các vua nhà Trần của Đại Việt tấn công, rồi lại bị quân Mông Cổ xâm lược vào năm 1284. Đến cuối thế kỷ 15, những cuộc chiến liên miên đã làm cho Champa mất dần lãnh thổ và cuối cùng mất hết vào thế kỷ 17. (Dịch từ Britannica.com)

Kế thừa những thành tựu nghiên cứu về Vương quốc Champa, Gs Pièrre Bernard Lafont đã tái dựng lịch sử Vương quốc Champa, chia lịch sử Champa ra làm 3 thời kỳ chính:

Thời kỳ Ấn Độ hóa (từ khi lập quốc đến năm 1471), thời kỳ bản địa (1471-1832) và thời kỳ sau ngày sụp đổ (1832-thế kỷ 20). Cách phân kỳ lịch sử này không dựa trên hình thái kinh tế-xã hội, mà căn cứ vào đặc điểm phát triển của lịch sử và văn hóa Champa.

Tác phẩm “Vương Quốc Champa : Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử”: http://www.ioc-champa.com/…/vuong-quoc-champa-dia…/…
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.