Kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà văn Saint-Exupéry (31.7.1944 – 31.7.2024)
Huỳnh Duy Lộc
Antoine de Saint-Exupéry và “Le Petit Prince” (Hoàng tử bé)
Một lâu đài đổ nát ở phía Bắc Argentina còn lưu giữ ký ức về Saint-Exupéry, tác giả của “Hoàng tử bé”, cuốn tiểu thuyết dã được dịch ra 300 thứ tiếng trên thế giới. Trong công viên rộng lớn trước lâu đài San Carlos có một bức tượng của Hoàng tử bé, và nhiều người Argentina tin rằng Saint-Exupéry đã lấy cảm hứng để viết “Hoàng tử bé” khi lưu trú vài ngày tại đây.
Trong tác phẩm “Gió, cát và những vì sao”, Saint-Exupéry kể ông đã cho máy bay hạ cánh khẩn cấp trên bờ sông Uruguay, cách thủ đô Argentina 400 km: “Tôi cho máy bay đáp xuống một cánh đồng và không hề biết rằng mình sắp sửa sống trong một câu chuyện thần tiên”. Ông kể mình đã tình cờ tìm thấy lâu đài San Carlos được một người Pháp giàu có tên Fuchs Valon xây cất vào năm 1888, tuy cũ kỹ, đã xuống cấp nhưng rất đáng yêu. Ông kể về gia đình Fuchs Valon sống trong lâu đài, có 2 cô con gái tóc vàng nuôi những con chó, những con chim, một con chồn, một con khỉ và những con ong. Đó là vào năm 1929, khi Saint-Exupéry sống một năm tại Argentina. Chuyến viếng thăm lâu đài San Carlos của Saint-Exupéry diễn ra 6 năm trước khi ông cho máy bay hạ cánh khẩn cấp vì trục trặc kỹ thuật trong sa mạc Sahara. Tisocco nói với phóng viên hãng tin AFP về lâu đài San Carlos trong công viên rộng 70 ha, ngày nay có Nhà lưu niệm Saint-Exupéry: “Đó là một nơi thật tuyệt vởi!”
Antoine de Saint-Exupéry sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 trong một gia đình quý tộc ở Pháp, lớn lên trong một lâu đài gần thành phố Lyon. Trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông làm phi công.
Trước Thế chiến thứ hai, ông làm phi công lái máy bay thương mại vận chuyển thư từ đến các nước châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi. Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, ông gia nhập Không quân Pháp, thực hiện những chuyến bay trinh sát cho đến năm 1940. Trong thời gian này, ông đã viết nhiều tác phẩm, nhưng “Hoàng tử bé” chỉ được sáng tác sau khi ông và Consuelo Suncin, vợ ông, rời nước Pháp sau khi quân đội Pháp bại trận trước quân phát xít Đức. Thất vọng với sự hèn kém của chính phủ Pháp đã đầu hàng phát xít Đức và buồn bã vì cuộc hôn nhân đầy sóng gió với Consuelo Suncin, ông có chuyến bay cuối cùng vào ngày 31 tháng 7 năm 1944 trên Địa Trung Hải, và có lẽ máy bay của ông đã bị phi công Đức bắn rơi.
Nhiều nhà văn phải rời bỏ quê hương trước và trong những năm Thế chiến thứ hai, và giọng văn u ám, buồn bã, bi thương của họ thể hiện rõ qua tác phẩm, chẳng hạn như Joseph Roth, Bertolt Brecht, Stefan Zweig và Paul Celan. Trong số những nhà văn lưu vong này có Saint-Exupéry đã viết cuốn tiểu thuyết “Hoàng tử bé” (Le Petit Prince) ở New York, sau khi rời nước Pháp đã bị phát xít Đức chiếm đóng. Giống như nhiều tác phẩm văn chương lớn của thời kỳ này, “Hoàng tử bé” không hẳn là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh, nhưng cũng được định hình bởi bối cảnh chính trị, xã hội phát sinh do chiến tranh.
“Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry đã được đọc theo nhiều cách khác nhau: như một truyện ngụ ngôn đạo đức và triết lý, như một truyện cổ tích dành cho trẻ nhỏ, như một tự truyện được kể lại theo trí tưởng tượng phóng túng và như những suy tư về thời đại. Những cách lý giải khác nhau này về “Hoàng tử bé” cũng có thể vận dụng cho những tác phẩm văn chương của những nhà văn lưu vong khác, như những lời tự sự thể hiện sự tiếc nuối một lối sống đã mất.
“Hoàng tử bé” được viết trong cảnh lưu vong nên không có gì lạ khi nhân vật chính là một cậu bé rơi xuống trái đất từ một hành tinh khác, lang thang suốt nhiều ngày trong sa mạc Sahara. Người kể chuyện là một phi công bị rơi máy bay trong sa mạc, đã gặp gỡ hoàng tử bé. Tình trạng bị bỏ rơi, lưu lạc, trốn thoát và sự bất ổn là chủ đề của câu chuyện được viên phi công kể lại giống như một truyện kể giản dị dành cho trẻ nhỏ, nhưng những truyện thuộc loại này vừa dành cho trẻ nhỏ, vừa dành cho người lớn. Saint-Exupéry đã vay mượn của văn học cổ điển ý tưởng theo đó tuổi thơ là quãng thời gian chuyển tiếp, nơi mà những sự khác biệt luôn có vai trò nổi trội.
Hoàng tử bé là ẩn dụ về một người ngoài hành tinh lang thang trên trái đất hay là một đứa trẻ lạc lõng trong thế giới của người lớn. Tuy nhiên với tính cách là một nhân vật, tính chất xa lạ của hoàng tử bé lại thấm đượm một triết lý đạo đức đề cao những điểm khác biệt và đặt thành nghi vấn cái thế giới của người lớn đã đưa mọi người tới một cuộc chiến tranh tàn khốc, và trong tình cảnh của Saint-Exupery là phải sống lưu vong. Giống như một đứa trẻ phải làm quen với mọi điều lạ lẫm trong thế giới của người lớn, cuộc sống lưu vong cũng là cuộc sống có nhiều mất mát và người ta phải học cách tìm lại chỗ đứng của mình trong thế giới.
Sự xa lạ của thế giới người lớn kết hợp với sự xa lạ của hoàng tử bé đến từ một hành tinh khác thường được lý giải như sự phê phán chính trị. Những cây bao báp xâm lấn hành tinh của hoàng tử bé thường được cho là ngụ ý chỉ căn bệnh trầm kha là chủ nghĩa Quốc xã của Đức lan ra khắp các nước châu Âu, hủy hoại tất cả mọi thứ, trong đó có nước Pháp yêu dấu của Saint-Exupéry. Viên phi công cảnh báo về “những hạt mầm đáng sợ trên hành tinh của hoàng tử bé”: “Và nếu bạn không phản ứng kịp thời, rễ của cây bao báp sẽ xâm lấn cả hành tinh”. “Hoàng tử bé” đưa ra một triết lý nhân bản về lý tính, về lòng yêu thương con người và sự tôn trọng những khác biệt trong bối cảnh có thảm họa lớn lao là cuộc thế chiến tàn khốc. Hoàng tử bé đến từ môt hành tinh xa lạ nhắc nhở chúng ta rằng: “Mọi con mắt đều mù. Người ta phải nhìn với trái tim của mình”.
(Dịch từ “The literature book”, tr. 238, 239).
HUỲNH DUY LỘC