Lễ hội Ok Om Bok, nét đẹp tín ngưỡng đặc sắc của người Khmer

0 111

Ok Om Bok là lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa, để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm cho phum, sóc. Những ngày này, đồng bào Khmer ở các tỉnh miền Tây đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội.

Lễ hội Ok Om Bok hay Oóc om bóc hay lễ Cúng Trăng. Là một trong những lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer bên cạnh các lễ như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Sene Dolta,… Về mặt chữ nghĩa, Ok Om Bok có nghĩa là “Đút cốm dẹp bằng cách bốc bằng tay”. Vì thế, lễ hội này còn có tên gọi khác là lễ hội Đút cốm dẹp.

Ok Om Bok có nguồn gốc xuất phát từ việc làm nông của người dân. Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng được xem là vị thần cai quản thời tiết, điều tiết mùa màng trong năm. Vì thế, sau khi mùa mưa kết thúc, người dân sẽ thực hiện tổ chức lễ hội Ok Om Bok để tạ ơn thần Mặt trăng đã bảo vệ mùa màng, đem mưa thuận gió hòa để mùa màng được bội thu. Đồng thời còn giúp họ cầu nguyện để có thể bội thu mùa vụ tới.

Theo nghĩa đó, Lễ hội Ok om bok của người Khmer không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là tạ ơn thần Mặt Trăng đã ưu đãi cho họ mùa màng bội thu, có cơm ăn áo mặc mà còn là dịp cho mọi người cùng nhau giao lưu, gặp gỡ sau quá trình vất vả mưa nắng nơi đồng ruộng. Xét theo khía cạnh này thì có thể xem như ý nghĩa của nó cũng tương tự như Lễ hội Chôl Chnăm Thmây Sóc Trăng.

Lễ hội Ok Om Bok tại các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang… diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ Cúng Trăng, thả đèn gió, đèn nước. Trong đó có một phần được tổ chức tương tự Lễ thả đèn nước Lôi Prôtip nhưng nếu được tham dự cả 2 thì bạn sẽ thấy nó có sự khác biệt lớn. Phần Lễ Cúng Trăng sẽ được diễn ra tại mỗi gia đình hay ngôi chùa. Ở đó, người ta sẽ chọn ra những khoảng sân cao ráo, thoáng đãng để có thể nhìn rõ được mặt trăng. Lễ hội chính thức bắt đầu khi mặt trăng vừa nhô cao, chiếu ánh sáng khắp mọi nơi.

Những vật thường được gia chủ bày ra để cúng tế bao gồm: Cốm dẹp, khoai, chuối. Người có tuổi nhất sẽ vo những hạt cốm dẹp thành những nắm nhỏ cùng với chuối, khoai rồi đút cho đứa trẻ trong nhà. Vừa đút sẽ vừa xoa vào lưng và hỏi chúng những mong ước để thần Mặt trăng chứng giám. Sau khi kết thúc nghi lễ cúng tế thì những chiếc đèn gió được chế tạo từ vải, nan tre, bùi nhùi bên trong sẽ được đốt lửa và thả lên trời cao mang theo ước nguyện của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và những vụ mùa bội thu. Trong Lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng còn thường có các nhà sư đến để làm lễ và đọc kinh. Tiếp đến, mỗi huyện sẽ cử một chùa đại diện để thực hiện nghi thức thả hoa đăng. Khung cảnh lúc này sẽ vô cùng nhộn nhịp, nào là đội múa Chayyam, dàn nhạc ngũ âm, các sư thầy và bà con phum sóc cầm đèn nhỏ đi bộ diễu hành dọc theo bờ Ao bà Om. Kết thúc diễu hành, toàn bộ hoa đăng sẽ được thả xuống mặt nước như gửi trao những ước nguyện thầm kín của người dân đến các vị thần và tạo nên cảnh tượng lung linh huyền ảo.

Nếu Lễ hội Ok Om Bok là một nghi thức để tạ ơn vị thần Mặt trăng thì phần Hội Đua ghe ngo như tại tỉnh Sóc Trăng được tổ chức là để đưa tiễn và tạ ơn thần Nước cũng góp công giúp mùa màng bội thu. Song song đó, hội đua ghe Ngo mang tính đại chúng rất cao và thể hiện sự đoàn kết thông qua rất nhiều người đến tham gia.

Hội đua Ghe Ngo được chia làm hai loại chính gồm: đua trên cạn và đua dưới nước. Trong đó:

Đua Ghe Ngo trên cạn – là hoạt động chủ yếu tái hiện và mô phỏng lại hoạt động đua Ghe Ngo dưới nước. Nó thường được tổ chức gắn liền với các lễ hội truyền thống, và là trò chơi được tổ chức trong phần hội sau các nghi lễ.
Đua Ghe Ngo dưới nước – Đây là hoạt động được nhiều người dân, du khách trông đợi nhất trong lễ hội thưởng trăng Ok Om Bok. Để có được chiếc Ghe Ngo lướt nhanh nhất có thể. Người thợ đã không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe. Một chiếc Ghe Ngo thường có độ dài khoảng 30m chứa được từ 50 đến 60 người. Hai bên ghe được chạm trở hoặc vảy rồng theo mô típ Naga hay hoa lá cách điệu. Ở hai bên mũi ghe vẽ hình các con thú vừa để trang trí vừa thể hiện sức mạnh của ghe.

Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Nam bộ không chỉ là dịp để người Khmer thể hiện bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình mà còn là dịp để mọi người có dịp để gặp gỡ và giao lưu với nhau

Leave A Reply

Your email address will not be published.