Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 hằng năm. Xin mạn phép được ghi lại đôi lời về hai chữ SƯ và THẦY, để tỏ lòng tôn kính, trân trọng đến các THẦY CÔ.
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO尊师重道 là phương châm, là gia bảo của dân Việt từ xưa đến nay và mãi mãi…
Với tinh thần hiếu học, cầu tiến: NHỨT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ 一字爲师,半字爲师… một chữ là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy.
Luôn ghi nhớ lời dạy của Ông Cha: LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC 良师兴国 = Thầy tốt thì nước mạnh; quốc gia có nền giáo dục tốt, tiên tiến thì nước nhà luôn vững mạnh.
*
SƯ 師 (师)
Chữ SƯ (Hán Việt HV) là THẦY dạy (thuần Việt), với nhiều nghĩa khác nhau:
Sư là một bộ phận trong quân đội hay liên hệ đến quân đội.
Sư đoàn师团 = đơn vị gồm từ hai lữ đoàn; nhiều sư đoàn thành một quân đoàn; sư đoàn trưởng = người chỉ huy một sư đoàn.
Quân sư 军师 = người đề ra chiến lược, chiến thuật cho đạo quân, còn gọi là tham mưu trưởng (quân sư quạt mo = tiếng châm biếm chỉ người bày vẽ mưu kế quá tệ cho một người khác).
Ban sư 班师 = kéo quân về nước sau khi thắng trận.
Xuất sư 出师 = xuất binh, đưa quân đội đi dẹp giặc.
– Sư là người đầu tiên phát minh ra một việc gì, thứ gì; như “tổ sư” 祖师 …nghề dệt, môn phái, học thuật; hay giỏi đặc biệt về một lãnh vực, chuyện gì; thí dụ: anh ta là “sư” về nói dóc, “sư” về ảo thuật… (thông tục, vẻ mỉa mai).
– Sư chỉ người thạo, rành về một việc liên quan đến ngành học hay chuyên môn riêng của người đó; như:
Bốc sư 卜师 = thầy bói, người chuyên xem tướng hay coi tử vi để đoán những chuyện sắp xảy ra cho một người khác.
Kỹ sư = người có bằng chuyên môn về một ngành liên hệ đến kỹ thuật.
Dược sư 药师hay dược sĩ = người có bằng hành nghề bán thuốc theo toa bác sĩ.
Luật sư 律师hay trạng sư (thầy kiện) = người có học luật và có bằng hành nghề về luật.
Pháp sư 法师 (VN, thông tục) = thầy cúng, thầy phù thủy; ngược lại thì Pháp sư 法师 (TQ, trang trọng) là người có học rộng về Phật pháp và những gì liên hệ đến Phật hoặc Đạo giáo.
Sư tăng 师僧 (nay ít dùng đến) hay tăng 僧 = là những nhà sư thông thạo Phật pháp.
Sư sãi = là những người đi tu cả nam lẫn nữ.
Sư bà = sư nữ đã cao tuổi.
Sư cô师姑 = người nữ tu còn trẻ tuổi.
Sư nữ = bà vãi.
Sư ông hay sư cụ = nhà sư, nam, trọng tuổi.
Đại sư 大师 = tiếng kính trọng gọi nhà sư.
Thượng tọa 上坐 = nhà sư có cấp bậc cao trong chùa, và là một phẩm trật trong Phật giáo VN.
Sư trưởng = nhà sư cao cấp nhất trong chùa.
Sư là thầy dạy (học):
Sư đồ 师徒 = tiếng chỉ chung thầy và trò.
Sư đệ 师弟 = bạn (phái nam) học cùng thầy nhưng nhỏ hơn mình hoặc học lớp dưới.
Sư huynh 师兄 = bạn (phái nam) học cùng thầy nhưng lớn hơn hoặc học trên lớp. Sư huynh còn là chữ dùng để chỉ những tu sĩ Công giáo thuộc dòng La san (La Salle), chuyên về dạy học như các sư huynh ở trường Tabert, Saigon trước 4-75. (Chính những sư huynh nầy cũng gọi nhau bằng sư huynh. Và chỉ có sư huynh mà thôi chớ không có sư đệ, sư tỷ, sư muội). (Ts. Nguyễn Hữu Phước).
Sư muội 师妹 = bạn (phái nữ) học cùng thầy, nhưng nhỏ tuổi hơn (muội = em).
Sư tỷ 师姐 = bạn (phái nữ) học cùng thầy, nhưng lớn tuổi hơn (tỷ = chị).
Sư mẫu 师母 = thầy (nữ giới) dạy (học, võ…).
Sư thái 师太 = vị thầy ngang hàng hay cao hơn sư mẫu.
Sư phụ 师父 = thầy dạy học (văn, võ, hay nghề chuyên môn).
Sư bá 师伯 = người bậc thầy, nhưng lớn hơn thầy mình (sư huynh của thầy).
Sư thúc 师叔 = người bậc thầy, nhưng nhỏ hơn thầy mình (sư đệ của thầy).
Sư phạm 师範 = khuôn mẫu dạy học. Đại học sư phạm = đại học đào tạo giáo viên trung tiểu học.
Vạn thế sư biểu 万世师表 = người thầy ngàn đời. Lời tôn vinh đức Khổng Tử, vị thầy được kính trọng qua nhiều thế hệ ở TQ và Á Đông.
Ân sư恩师 = thầy mà mình mang ơn trọng.
Gia sư 家师 = thầy giáo đến nhà học trò để dạy chữ, thường là dạy thêm. Ngày xưa: “nghề gia sư tuy là dạy chữ nghĩa nhưng trong thực tế còn là giữ con trẻ cho bậc phụ huynh…” (học giả Lãng nhân).
Giảng sư 講师 = một cấp bậc trong ngạch giáo chức đại học của VNCH trước 4-75.
Giáo sư 教师 = chỉ chung những người đi dạy học. Ở VNCH ngày trước, những người dạy trung học và đại học mang danh “giáo sư”, nhưng nếu dạy cấp tiểu học thì gọi là “giáo viên” hay thầy giáo. Ở Mỹ người dạy tiểu học và trung học mang danh hiệu “thầy” (teacher); những người dạy đại học mới có danh hiệu “giáo sư” (professor). (Ts. Nguyễn Hữu Phước).
Giáo sư thực thụ 教授 = ngạch cao nhất trong cấp bậc giáo sư đại học ở VNCH.
Họa sư 畫师 = thầy dạy về vẽ, mỹ thuật.
Mục sư 牧师 = thầy tu, người cai quản nhà thờ và truyền giảng đạo Tin lành.
Nhạc sư 樂师 = thầy dạy về âm nhạc.
Quốc sư 国师 = thầy của vua (thầy của cả nước).
Tôn sư 尊师 = tiếng gọi vị thầy một cách kính trọng đặc biệt.
Thái sư 太师 = chức quan lớn, đứng đầu hàng quan lại (dưới chế độ quân chủ).
Thiền sư 禅师 = ông sư ở trong một ngôi chùa thuộc phái Thiền; ngoài ra cũng có nghĩa người thường (không theo đạo Phật) chuyên về ngành tập trung tư tưởng cho tâm trí được thảnh thơi (thân tâm an lạc).
Võ sư 武师 = người giỏi về võ nghệ, thầy dạy về võ thuật.
Vũ sư 舞师 = thầy dạy múa.
Trong tiếng Việt có những tiếng ghép (từ đôi), chúng ta dùng tăng sĩ nhưng không dùng sĩ tăng; dùng chữ sư nữ nhưng không dùng nữ sư; có sư bà nhưng không có chữ bà sư mà chỉ có bà vãi; dùng sư ông hoặc ông sư, mà không dùng sư nam hay nam sư.
Cùng nghĩa: tăng sư = sư tăng; sư tổ = tổ sư. Tùy theo hoàn cảnh, cách dùng có thể thay đổi. Ví dụ, khi đi đường gặp một vị sư già (phái nam), chúng ta chào: “Kính chào Sư ông” (hoặc Hòa thượng, Sư cụ hay Thầy) chớ không thể nói kính chào Ông sư. Đó chỉ là thói quen dùng một cách kính trọng trong việc chào hỏi.
– Ngoài ra: Sư 狮là loài thú (có thêm bộ犭thành 狮) như: Sư tử 狮子= con thú to lớn sống trong rừng với biệt danh là “chúa sơn lâm”. Sư tử biển hay hải sư 海狮 (sea lion). Nhưng chữ “sư tử hống狮子吼”hay “sư tử Hà Đông” dùng chỉ người vợ ghen tuông, dữ tợn.
Kinh sư = kinh đô Huế dưới thời Gia Long. “Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Gia Long) lấy lại đất cũ (do Tây Sơn chiếm), đóng kinh đô ở Phú Xuân, gọi là kinh sư.” (học giả Nguyễn Văn Siêu).
“Năm Gia Long thứ 5 (1806) vua cho gọi tên ‘kinh sư’ với hai dinh Quảng Đức và Quảng Trị gom lại… Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) dinh Quảng Đức được đổi tên là phủ Thừa Thiên…” (học giả Bùi Minh Đức).
THẦY
Thầy là người dạy học, là tiếng thuần Việt của chữ SƯ. Chữ Thày (ban đầu không có dấu ^), gốc HV đã được Việt hóa. Thày do chữ thày lì 提吏 (tiếng Quảng Đông) = người thư ký làm việc cho các công sở. HV là đề lại 提吏 (vị thư ký của quan phủ huyện) hay còn dùng chữ thư lại 書吏 (viên chức cấp dưới lo việc giấy tờ tại công sở). Dân ta dùng chữ thầy (thêm dấu ^) để chỉ những người làm việc văn phòng như: thầy ký, thầy thông (thông ngôn); thầy phán; sau đó chữ thầy nầy được dùng rộng ra như các chữ thầy cai, thầy đội, thầy cảnh sát… (Ts. Nguyễn Hữu Phước).
Chữ thầy do chữ sư mà ra, có nhiều nghĩa:
Thầy dùng để chỉ một người có một nghề chuyên môn. Với các chữ ghép (từ đôi) sau:
Thầy tuồng = soạn giả kiêm đạo diễn một vở kịch, hay vở tuồng.
Thầy mo = người thầy cúng trong các bản làng của dân tộc thiểu số miền núi.
Thầy bói hay thầy tướng số = người biết đoán tương lai của người khác. ‘Thầy bói nói dựa’ = thầy bói toán hay dựa theo lời nói của khách hàng mà đưa ra lời đoán.
Thầy cò = người sửa bản thảo trước khi cho đem đi in thành sách báo; trong khoảng thập niên 1940-50 thầy cò còn có nghĩa là người chuyên viết đơn (thư) mướn.
Thầy địa lý hay thầy phong thủy = người biết rành về việc chọn hướng cho việc xây nhà hay chôn cất sao cho gia chủ hoặc con cháu được hưởng chuyện tốt.
Những người hành nghề chữa bịnh được gọi nôm na là thầy thuốc, đều mang danh thầy như: Thầy pháp (người dùng bùa ếm, ma thuật để chữa bịnh).
Thầy thuốc Nam; Thầy thuốc Tàu.
Thầy chích = y tá, chích thuốc tây.
Thầy lang hay thầy thuốc Bắc = Đông y sĩ.
Thầy thuốc Tây = Bác sĩ.
Đặc biệt có cụm từ thầy lang băm = thầy thuốc đông y nhưng dốt nghề, trị bịnh không hiệu quả, hành nghề ẩu, nói là trị hết bịnh, gạt gẫm những người ít hiểu biết nhưng cần trị bịnh, để kiếm chút tiền. Trước đây, nước ta vì thiếu thầy, thiếu thuốc Tây nên có nhiều loại lang băm: thầy lá cây, thầy ngải = người dùng lá cây, hoặc ngải để trị bịnh. Thầy lể = dùng vật nhọn lể chỗ sưng, chỗ đau. Thầy cúng (lễ) = người đứng lo việc cúng kiến, nhờ biết một số lễ nghi hoặc bùa phép trong việc cúng để trị bịnh (tín ngưỡng dân gian). Thầy cúng, thầy tụng (lễ) chỉ những người rành về nghi thức cúng kiến, tụng niệm cho đám ma, đám giỗ. Thầy rờ = chữa bệnh dùng cách nắn hay rờ chỗ đau…
Chúng ta còn có những tiếng ghép (từ đôi) sau đây để chỉ người có một nghề chuyên sâu, hoặc có kiến thức chuyên ngành; như:
Thầy cả = thầy lớn nhất trong chùa, nhà thờ, hay một dòng tu.
Thầy chùa = nhà sư, người giỏi về Phật pháp và chuyên về các nghi thức tu hành theo Phật giáo.
Thầy dòng hay sư huynh = người tu theo một dòng trong Công giáo.
Thầy đàn (đờn) = người dạy đánh đàn, nhạc cụ.
Thầy đồ (ông đồ) = người giỏi chữ Nho (chữ Hán) chuyên dạy chữ Nho theo giọng Hán Việt hoặc viết chữ Nho.
Thầy đời = người tỏ vẻ thông thạo chuyện đời, chỉ vẽ cho người khác điều nầy điều nọ.
Thầy kiện = là người hay cãi lý mặc dầu không chuyên sâu về luật.
Thầy tu = chỉ chung những người đi theo một tôn giáo và lo việc tu hành theo những lề luật của tôn giáo họ theo.
Thầy Cô chỉ thầy giáo, cô giáo; còn để chỉ thầy và vợ của thầy.
Thầy giáo hay giáo chức = chỉ chung những người dạy học. Các chữ giáo sư, giáo viên đều chỉ giáo chức.
Vậy: Thầy để chỉ người có một nghề chuyên sâu, có hiểu biết chuyên môn, hoặc đi dạy học; và chữ thầy thường được dùng với sự kính trọng. Đó là (một) truyền thống do ảnh hưởng tư tưởng Nho gia (Khổng Mạnh) từ xa xưa. Trước đây còn thể chế quân chủ, nấc thang giá trị xã hội: “quân, sư, phụ” tức là vua, thầy rồi mới đến cha. (Ngày nay, phải thức thời mà hiểu rằng: quân = tổ quốc, sư = thầy dạy, phụ = cha mẹ). Hiện nay ở các nước Đông Á nói chung, đa số những cựu giáo chức còn hưởng được sư kính trọng của những học trò cũ của mình.
Về sự kính trọng thầy:
Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi
Kính thời như một, trẻ ơi ghi lòng.
Thầy còn là người cha tinh thần, giúp trí khôn phát triển:
Muốn khôn thì phải có thầy
Không thầy dạy dỗ, đố mầy làm nên.
Hoặc:
Muốn sang (sông) thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.
Hoặc:
Không thầy đố mầy làm nên.
Công ơn dạy dỗ của thầy cũng sánh như công ơn cha mẹ:
Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Ở sao cho xứng cho tày phận con.
(Duyên Hạc)
Trong tiếng Việt, thầy còn có nghĩa là cha (trong chữ cha mẹ, hay phụ mẫu). “Thầy là chữ gọi cha và Đẻ là tiếng gọi mẹ của nhiều gia đình ngoài Bắc. Thầy hàm ý dạy dỗ, còn Đẻ tức là sinh ra.”(học giả Lê văn Lân).
Ca dao có câu:
Ước gì chung mẹ chung thầy
Để em giữ lấy quạt nầy làm thân
Những chữ ghép sau đây đề chỉ cha mẹ: Thầy mợ; cậu mợ; thầy má; thầy thím.
Thầy còn có nghĩa là người chủ như chủ tớ.
Ca dao:
Nhạn lạc bầy tìm cây nó ẩn
Tớ lạc thầy thơ thẩn vào ra.
Hồ Xuân Hương cũng có câu:
Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa
Cầm thư lưng túi rượu lưng hồ
*
Dân ta cũng có dùng chữ “thày” (không có dấu ^) với giọng không kính trọng, vẻ mỉa mai. Ví dụ các từ: thày bà = chỉ hạng trí thức nhưng với giọng chê bai, như câu “thày bà gì mà ăn nói thiếu lễ độ, thô bỉ… quá”; thày chú = tiếng tắt của thày đội chú cai, chỉ những nhân viên công lực, hoặc chỉ ‘công nhân viên chức’ tỏ vẻ có quyền hành…
Tóm lại, chữ thầy để chỉ người có một nghề chuyên sâu, người có hiểu biết chuyên môn về tôn giáo, hoặc đi dạy học, hoặc chỉ người cha trong gia đình, là những chữ THẦY thường được dùng với sự tôn kính, trân trọng của đa số người trong xã hội.
Nguồn tham khảo:
Ts Nguyễn Hữu Phước, com (Gia Đình Sư Phạm Saigon) 31/10/2018.
Từ điển Hán Việt. Tác giả: Thiều Chửu (Nguyễn Hữu Kha).
Hán Việt tân từ điển. Tác giả: Nguyễn Quốc Hùng.
https://vi.wikipedia.org/wiki/