Washington và Đài Bắc phải chuẩn bị cho sự leo thang tiếp theo của Trung Quốc
David Sacks *
Giữa tháng 10, Trung Quốc lại tiến hành một đợt tập trận quân sự quy mô lớn khác ở Eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc diễn tập phong tỏa các cảng của Đài Loan. Lần này, nguyên nhân là một loạt các bình luận không đáng chú ý của Tổng thống Lại Thanh Đức nhân dịp Quốc khánh Đài Loan vài ngày trước đó. Bắc Kinh “không có quyền đại diện cho Đài Loan,” Lại khẳng định, mô tả Đài Loan là nơi “dân chủ và tự do đang phát triển thịnh vượng.” Dù Lại không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ theo đuổi nền độc lập hoặc tìm cách thay đổi vị thế quốc tế của Đài Loan, nhưng Bắc Kinh đã sử dụng những phát biểu của ông như một cái cớ mới để tăng cường áp lực.
Trong hai năm qua, các cuộc tập trận quân sự lớn của Trung Quốc quanh Đài Loan đã chuyển từ hiếm hoi sang gần như thường lệ. Bắc Kinh đã phát động các cuộc tập trận lớn sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo vào tháng 8/2022; khi người tiền nhiệm của Lại, Thái Anh Văn, dừng chân ngắn ngủi tại Mỹ vào tháng 4/2023; và một lần nữa sau lễ nhậm chức của Lại vào tháng 5/2024. Nhưng thay vì xem chúng là các hành động biệt lập nhằm phản ứng với các sự kiện cụ thể, các cuộc tập trận quân sự cấp cao này nên được xem như một thành phần cốt lõi trong chiến dịch lớn hơn của Trung Quốc về các hoạt động “vùng xám” chống lại Đài Loan – các hoạt động cưỡng bức nằm dưới ngưỡng của lực lượng vũ trang. Là một phần trong các chiến thuật này, Trung Quốc đã áp thuế quan và cấm vận đối với hàng xuất khẩu của Đài Loan, tìm cách tăng cường cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, và sử dụng các chiến dịch thông tin sai lệch và tấn công mạng nhằm gây bất ổn cho người dân và chính phủ của hòn đảo.
Mục tiêu cuối cùng là buộc Đài Loan phải chấp nhận thống nhất. Trong kịch bản lý tưởng của Trung Quốc, người dân Đài Loan sẽ nhận ra áp lực tích tụ của các hoạt động vùng xám này là không thể chịu đựng được và cuối cùng sẽ đầu hàng, cho phép Bắc Kinh giành quyền kiểm soát hòn đảo mà không cần phải bắn một phát súng nào. Ngay cả khi không đạt được những mục tiêu tối đa này, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ làm xói mòn lòng tin vào Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền của Lại Thanh Đức và gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Đài Loan, bao gồm cả việc đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc phong tỏa hoặc xâm lược hay không.
Tuy nhiên, rõ ràng là các hoạt động vùng xám của Trung Quốc đang phản tác dụng. Mối đe dọa mà Trung Quốc dùng để biện minh cho chiến dịch của mình – một nỗ lực giành độc lập của Đài Loan – thực chất không tồn tại: người dân Đài Loan ủng hộ nguyên trạng và hiểu rằng việc theo đuổi độc lập sẽ khiến các đối tác quốc tế xa lánh họ, đồng thời tăng khả năng bị Trung Quốc tấn công. Vì lẽ đó, các hành động của Trung Quốc chỉ củng cố quyết tâm chống lại sự thống nhất ở Đài Loan, khiến Bắc Kinh càng có khả năng phải dùng đến vũ lực để đạt được mục tiêu của mình. Do đó, Đài Loan và Mỹ nên tiếp tục tập trung vào răn đe – và nếu cần, là đánh bại – cuộc phong tỏa hoặc xâm lược của Trung Quốc. Và họ nên phản ứng với các hành vi vùng xám hung hăng bằng cách áp đặt cái giá lên Trung Quốc, từ đó làm thay đổi tính toán của Bắc Kinh đối với một cuộc xâm lược hoặc phong tỏa. Để ngăn chặn xung đột nóng, cần phải giành chiến thắng trong xung đột lạnh. Nói một cách đơn giản, Washington và Đài Bắc cần tự mình khai thác vùng xám.
MẬT ONG VÀ GIẤM
Chiến lược thống nhất với Đài Loan của Trung Quốc luôn dựa trên sự kết hợp giữa khuyến khích và đe dọa – một lời cầu hôn dưới họng súng. Bắc Kinh đã cố gắng chứng minh cho người dân Đài Loan thấy lợi ích của một quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn với đại lục, và cái giá phải trả cho sự xa lánh. Những lời đề nghị của Trung Quốc ngọt ngào nhất là trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2016, dưới thời chính quyền của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, người mà đảng của ông, Quốc Dân Đảng, đã kiên quyết bác bỏ nền độc lập của Đài Loan và ủng hộ một cách tiếp cận tương đối hòa giải với Bắc Kinh, dựa trên cái gọi là Đồng thuận năm 1992 – một khuôn khổ mơ hồ trong đó cả hai bên đều đồng ý rằng có “một Trung Quốc” nhưng không đồng ý về cách định nghĩa nó. Trong giai đoạn này, Bắc Kinh và Đài Bắc đã ký hơn hai chục thỏa thuận về mọi thứ, từ thương mại đến trao đổi giữa người với người. Tuy nhiên, vào năm 2016, Mã đã được kế nhiệm bởi Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến, vốn xem Đài Loan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân quốc. Dù trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Thái có đề xuất một công thức cho quan hệ xuyên eo biển thỏa mãn ý tưởng “một Trung Quốc,” nhưng bà đã từ chối công khai xác nhận Đồng thuận năm 1992. Kể từ đó, cách tiếp cận của Trung Quốc ngày càng trở nên thù địch hơn, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây.
Kể từ cuối năm 2020, máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bay qua vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan – một vùng đệm bên ngoài không phận của hòn đảo – gần như hàng ngày. Sang năm 2022, máy bay Trung Quốc bắt đầu thường xuyên bay qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan, vốn là ranh giới mà cả hai bên đã tôn trọng trong hơn nửa thế kỷ trước đó. Trung Quốc đã tăng dần mức độ phức tạp của các nhiệm vụ này, cũng như mức độ gần gũi của chúng với lãnh thổ Đài Loan. Trước đây, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân chỉ thỉnh thoảng hoạt động ở vùng biển gần Đài Loan; ngày nay, họ bố trí các tàu chiến xung quanh hòn đảo này gần như liên tục. Kết quả là, theo lời của tư lệnh hải quân Đài Loan, các lực lượng Trung Quốc đã “sẵn sàng phong tỏa Đài Loan bất cứ lúc nào họ muốn.”
Trung Quốc cũng nhắm vào Đài Loan về mặt kinh tế, cố gắng gây chia rẽ trong xã hội bằng cách trừng phạt các ngành công nghiệp thường nằm ở các thành phố ủng hộ DPP. Hồi tháng 5, họ tuyên bố sẽ khôi phục hàng rào thuế quan đối với 134 mặt hàng nhập khẩu từ Đài Loan, và đến tháng 9 thì đã thêm 34 sản phẩm khác vào danh sách đó. Bắc Kinh cũng đe dọa và phạt tiền các công ty con có trụ sở tại Trung Quốc của các công ty Đài Loan mà họ tin là ủng hộ DPP, và gây sức ép buộc các công ty Đài Loan có hoạt động tại Trung Quốc phải công khai tuyên bố ủng hộ đại lục.
Về mặt chính trị, Trung Quốc đang tiếp tục cố gắng cô lập Đài Loan. Họ đã thành công trong việc cấm Đài Loan khỏi nhiều tổ chức thế giới, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới, Interpol, và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Gần đây hơn, họ đã bắt tay vào một nỗ lực bền bỉ nhằm thuyết phục các quốc gia và tổ chức toàn cầu tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và ủng hộ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được sự thống nhất. Trong một ví dụ đáng chú ý, xảy ra sau lễ nhậm chức của Lại Thanh Đức, Nauru, một quốc đảo nhỏ bé ở Micronesia, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia “lật mặt sang” Bắc Kinh bằng cách cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, nhưng đây là lần đầu tiên một quốc gia như vậy công nhận rõ ràng rằng “Chính phủ [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, và Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc.” Trong cuộc chiến quan điểm này, Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một nền tảng rằng những bất đồng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc cấu thành một vấn đề nội bộ. Nếu quan điểm này được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, Bắc Kinh có thể lập luận rằng bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào cũng không vi phạm luật pháp quốc tế, khiến Mỹ khó có thể dẫn đầu một phản ứng.
Vào tháng 6, Trung Quốc đã công bố các hướng dẫn pháp lý mới nhắm vào các nhà hoạt động vì độc lập của Đài Loan; những tội danh được liệt kê, một số có thể bị tử hình, bao gồm thúc đẩy Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế mà tư cách nhà nước là một yêu cầu bắt buộc. Vài tháng sau, một tòa án Trung Quốc đã kết án một nhà hoạt động chính trị Đài Loan đã chuyển đến sống ở Trung Quốc nhưng trước đó từng vận động cho việc Đài Loan tham gia Liên Hiệp Quốc, tuyên án ông 9 năm tù. (Trung Hoa Dân quốc vốn là thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc, đại diện cho “Trung Quốc” ngay cả sau khi chính phủ của nước này chạy trốn sang Đài Loan. Tuy nhiên, vào năm 1971, Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu chuyển đại diện sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan đã không có mặt trong cơ quan này kể từ đó.) Trung Quốc cũng tiếp tục trừng phạt các quan chức Đài Loan – bao gồm cả phó tổng thống và cố vấn an ninh quốc gia hiện tại – và những công dân mà họ cho là ủng hộ độc lập.
Đài Loan hiện là mục tiêu của các cuộc tấn công thông tin sai lệch từ bên ngoài nhiều hơn bất kỳ nền dân chủ nào khác, và Trung Quốc thực hiện phần lớn các chiến dịch thông tin quy mô lớn chống lại hòn đảo này. Ngoài ra, các chiến dịch của Bắc Kinh còn ngày càng tinh vi: trước thềm cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất của Đài Loan, những tác nhân có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn âm thanh và video giả mạo của các nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã cố gắng gieo rắc sự hoài nghi về Mỹ trong cộng đồng người dân Đài Loan. Vì thế, một quan điểm mới đã xuất hiện: một cuộc thăm dò vào tháng 9/2023 của một viện nghiên cứu hàng đầu Đài Loan cho thấy chỉ có 34% người Đài Loan coi Mỹ là đối tác đáng tin cậy, giảm 11 điểm phần trăm kể từ năm 2021. Dù đây là một xu hướng đáng lo ngại, nhưng sự hoài nghi ngày càng tăng của người Đài Loan đối với Mỹ vẫn không chuyển thành mong muốn thống nhất lớn hơn với Bắc Kinh.
THÉP CỨNG
Chiến dịch vùng xám của Trung Quốc, nhằm mục đích giúp đạt được sự thống nhất, thay vào đó lại đẩy Đài Loan ra xa hơn. Nó đang thúc đẩy niềm tin ngày càng lớn trong số người Đài Loan rằng Trung Quốc là kẻ thù, và nâng cao nhận thức trong dân chúng rằng xung đột là một khả năng có thể thực sự xảy ra. Người dân Đài Loan cũng xem cuộc đàn áp dân chủ của Bắc Kinh ở Hong Kong là điềm báo về số phận có thể xảy ra cho họ sau khi thống nhất, nên họ càng quyết tâm ngăn chặn điều đó xảy ra. Hiện tại, theo một cuộc thăm dò kéo dài của Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Bắc, có chưa đến 7% người Đài Loan mong muốn thống nhất với Trung Quốc tại bất kỳ thời điểm nào. Sáu năm trước, con số đó cao gấp đôi.
Thay vì khuất phục trước áp lực từ Trung Quốc, Đài Loan đang củng cố quyết tâm của mình, một phần được truyền cảm hứng từ việc Ukraine đứng lên chống lại Nga. Trong ba năm qua, Đài Loan đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng, kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ ba tháng lên một năm, đồng thời cải tổ chế độ huấn luyện, đầu tư vào sản xuất tên lửa và máy bay không người lái trong nước, và đạt được những bước tiến quan trọng trong phòng thủ dân sự. Năm 2016, hơn 80% người Đài Loan tin rằng việc kháng cự trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc sẽ là vô ích; đến năm 2022, tỷ lệ dân số bày tỏ quan điểm này đã giảm gần một nửa, xuống còn 43%.
Về mặt kinh tế, áp lực của Bắc Kinh đối với Đài Bắc đã làm suy giảm đòn bẩy của họ đối với hòn đảo này. Sau khi chứng kiến những rủi ro chính trị khi kinh doanh tại đại lục, các công ty Đài Loan đang giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Đầu tư vào Trung Quốc từng chiếm 43% đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Đài Loan vào năm 2016, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 11% vào năm ngoái. Tỷ trọng của thương mại với Trung Quốc cũng tiếp tục giảm trong tổng thương mại của hòn đảo. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ của Đài Loan cho ngành sản xuất của mình, có nghĩa là Trung Quốc hiện dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn trong thương mại xuyên eo biển hơn so với Đài Loan.
Trung Quốc khó có thể tìm ra con đường để chuyển từ cưỡng bức vùng xám đến thống nhất mà không liên quan đến việc sử dụng vũ lực quân sự. Họ cũng không thể quay lại với những điều tốt đẹp của thời đại Mã Anh Cửu: chiến dịch vùng xám của họ đã để lộ mục tiêu chiến lược của họ đến mức nhiều người Đài Loan thấy không còn có thể dung hòa với mong muốn của đại lục – một kết quả mà không một sự điều chỉnh chiến thuật nào có thể đảo ngược.
MỤC TIÊU DI ĐỘNG
Dù các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa sống còn, nhưng Đài Loan không thể chỉ đơn giản là bỏ qua chúng. Đài Bắc nên tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc, xây dựng mạng lưới liên lạc bền bỉ, cải thiện an ninh mạng của các cơ sở hạ tầng quan trọng và các bộ trực thuộc chính phủ, dự trữ các nguồn cung quan trọng, và hợp tác với các nền dân chủ có cùng chí hướng về các thách thức toàn cầu.
Đồng thời, cũng có nguy cơ Đài Loan sẽ phản ứng với áp lực của Trung Quốc theo cách làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn mà hòn đảo này rất cần để chuẩn bị cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược. Thật vậy, quyết định của Đài Loan nhằm phản ứng với các cuộc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của mình bằng cách điều động máy bay phản lực chiến đấu và bám đuôi tàu hải quân Trung Quốc trên biển đã gây sức ép nặng nề lên các nền tảng phòng thủ của hòn đảo và có nguy cơ làm quân đội kiệt quệ, theo đó làm giảm khả năng sẵn sàng của Đài Loan cho một cuộc xung đột trực tiếp. Tiếp tục đi theo con đường này sẽ làm suy yếu khả năng chống chọi của Đài Loan trước một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược ngay ở thời điểm mà khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực ngày càng cao.
Điều quan trọng đối với Đài Loan là ưu tiên chuẩn bị cho cuộc chiến mà họ không thể thua. Điều này có nghĩa là phải điều chỉnh các chiến lược phòng thủ sao cho phù hợp với thực tế mất cân bằng sức mạnh: vì họ không tài nào sánh được với Trung Quốc về số lượng xe tăng, máy bay, hoặc tàu chiến, Đài Loan nên từ bỏ một số nền tảng cũ này để chuyển sang các hệ thống không người lái, mìn và tên lửa mà Đài Bắc có thể tự sản xuất hoặc mua từ Mỹ với số lượng lớn hơn nhiều. Chắc chắn, chính phủ Đài Loan không thể để các mối đe dọa vùng xám được nhận thức không được giải quyết, và phải tìm cách chứng minh với công dân của mình rằng họ đang được bảo vệ. Nhưng do nguồn lực hạn chế, việc chuẩn bị cho leo thang quân sự vẫn phải là trọng tâm chính.
Trong khi đó, Mỹ, quốc gia có lợi ích chiến lược quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, cần tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả nếu theo đuổi các chiến thuật này. Họ nên phản ứng với các hành động cưỡng bức vùng xám bằng cách công bố viện trợ quân sự bổ sung cho Đài Loan, triển khai nhiều năng lực quân sự cao cấp hơn đến khu vực này, và tăng cường can dự quân sự với Nhật Bản, đặc biệt là ở các đảo phía tây nam của nước này, trải dài về phía Đài Loan. Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan nhằm mục đích báo hiệu với Mỹ rằng năng lực của Trung Quốc quá tiên tiến để Washington có thể can thiệp thay mặt cho Đài Loan; theo cách tương tự, Mỹ nên phản ứng bằng các cuộc tập trận của riêng mình để chứng minh rằng họ có thể giữ các tuyến đường biển quan trọng gần Đài Loan được thông suốt và tăng cường lực lượng ở khu vực này khi cần thiết. Washington cũng nên cảnh báo Bắc Kinh rằng phản ứng của họ đối với sự cưỡng bức của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quân sự – rằng việc gây thêm áp lực lên Đài Loan sẽ dẫn đến những hạn chế sâu rộng hơn của Mỹ đối với việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc.
Kiểu phối hợp này giữa Washington và Đài Bắc sẽ làm phức tạp thêm các kế hoạch phong tỏa hoặc xâm lược của Trung Quốc, và có thể thúc đẩy Bắc Kinh xem xét lại liệu cái giá để tiếp tục con đường hiện tại có lớn hơn lợi ích thu được hay không. Ngay cả khi Trung Quốc không từ bỏ sách lược vùng xám của mình, thì những bước đi như vậy chí ít cũng sẽ giúp Đài Loan chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc xung đột mà cưỡng bức vùng xám đã làm tăng khả năng xảy ra.
Nguồn: David Sacks, “China’s Gray-Zone Offensive Against Taiwan Is Backfiring,” Foreign Affairs, 08/11/2024
- David Sacks là Nghiên cứu viên về Châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại