Gặp Lại Nền Giáo Dục Của Những Người Thông Thái (phần một)

0 626

Sau đúng hai năm, tôi trở lại Israel với một đội ngũ lãnh đạo gồm tám thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó của các trường thuộc hệ thống Trường quốc tế Canada (CISS). Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bạn Quynh Vo cùng các nhân viên Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, mọi trục trặc đều đã được giải quyết kịp thời vào những giờ phút cuối để đoàn lên đường đúng kế hoạch! Khác với lần trước, chuyến đi này mở ra cho tôi một cái nhìn sâu rộng hơn về cách thức người Israel thực hiện STEM trong giáo dục.

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). [Hiện nay, để đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, nhiều nơi đã bổ sung thêm các môn học Nghệ thuật (Art) để thành STEAM].

Mô hình giáo dục STEM hướng đến việc trang bị cho các em học sinh, sinh viên một hệ thống kiến thức và kỹ năng linh hoạt, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với tính ứng dụng thực tế rất cao. Vì thế, học tập theo mô hình STEM là triển khai một chuỗi những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chủ yếu dựa trên thực hành và vận dụng các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt trong các môn học tích hợp, ví dụ: Học qua dự án – chủ đề; học qua trò chơi, hay học qua thực hành…

Trước đây, nếu chuyến đi vào tháng 11-2015 mang lại cho tôi những hiểu biết sơ khởi về cải cách giáo dục của Israel với mô hình các trường thực nghiệm thì chuyến đi lần này không chỉ nhằm tiếp tục học hỏi mà còn có mục tiêu tìm kiếm đối tác cho CISS trong định hướng đẩy mạnh giáo dục STEAM và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên Việt Nam cho các trường thuộc hệ thống. Những chia sẻ dưới đây có thể vẫn chưa đầy đủ vì mới chỉ ở góc độ của một người làm giáo dục “tự phát” nên phải tự bươn chải, nhưng hy vọng cũng góp phần mang thêm chút thông tin có ích cho những ai còn quan tâm đến chuyện cải cách giáo dục ở nước nhà!

Trong khu vực chuẩn bị thiết bị thí nghiệm Vật lý của Trung tâm Hemda

ĐỦ MỌI HÌNH THỨC TRUNG TÂM KHOA HỌC

Trong chuyến công tác hai năm trước, tôi đã có dịp thăm và giới thiệu với các bạn mô hình Trung tâm khoa học “xổ số” ở các đơn vị hành chính địa phương của Israel. Đây là các trung tâm khoa học và sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ doanh thu xổ số quốc gia. Ở mỗi trung tâm đều có các phòng thí nghiệm khoa học hiện đại để phục vụ cho các trường phổ thông trong khu vực. Đã có khoảng 80 trung tâm như thế được xây dựng trên khắp Israel và thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục.

Tuy nhiên, lần này chúng tôi lại được đưa đến thăm Hemda – một trung tâm khoa học độc lập với Bộ Giáo dục, được thiết lập và điều hành bởi một quỹ phi lợi nhuận. Trung tâm hiện có 2.100 học sinh đang theo học. Tiến sĩ Tehilla Ben-Gai, Giám đốc điều hành Trung tâm, tự hào khoe rằng tất cả các giáo viên giảng dạy tại đây đều có trình độ tiến sỹ và phải giảng dạy bắt buộc 40 giờ/tuần. Các học sinh chọn những môn Khoa học ở cấp Trung học để định hướng vào các ngành khoa học thuộc hệ thống đại học có thể đăng ký học ở đây hàng tuần cùng các giáo viên có trình độ cao về học thuật và phương pháp giảng dạy thì khác hẳn trong trường. Bà giám đốc nói họ muốn tạo ra một cách dạy các môn khoa học có hiệu quả hơn cách dạy hiện nay của Bộ Giáo dục trong các trường phổ thông. Tất nhiên là nội dung vẫn phải bám sát theo chương trình của Bộ!

Davidson Institute of Science Education ở thành phố Rehovot lại là một kiểu trung tâm khoa học với những mục tiêu khác hẳn Hemda. Đây cũng là một tổ chức phi lợi nhuận, được thiết lập nhằm thúc đẩy và nuôi dưỡng các hoạt động giáo dục Khoa học, Toán học và Công nghệ ở Israel. Là “cánh tay nối dài” của Viện Khoa học Weizmann, Davidson Institute có sứ mệnh phát triển, đánh giá và cung cấp nhiều chương trình giáo dục khác nhau cho việc dạy và học các môn Toán, Khoa học ở mọi lứa tuổi, mọi cấp học. Các nhiệm vụ chính của Davidson Institute bao gồm:

– Khơi gợi cảm hứng thông qua các cuộc gặp gỡ với khoa học.
– Tạo cảm hứng cho khoa học thông qua công nghệ.
– Thúc đẩy giáo viên trong khoa học.
– Trao quyền cho thanh niên thông qua khoa học.
– Kết nối sinh viên xuất sắc với khoa học.

Mỗi năm, Davidson Institute sử dụng một ngân sách khoảng 16 triệu USD cho các hoạt động. Toàn bộ nguồn tài chính này được cung cấp bởi quỹ Davidson cùng với nhiều đối tác khác của Viện và các tổ chức NGO…

Nằm kế bên Viện Davidson, Reisman Science Education Center-Rehovot lại là một trung tâm khoa học chuyên về Vật lý dành cho học sinh trung học của các trường trong khu vực. Trung tâm vừa mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 và mọi chi phí đều được trang trải bởi ngân sách của chính quyền thành phố. Mỗi tuần hai lần, các học sinh trung học sẽ đến đây để học, nghiên cứu và thực hiện các dự án về khoa học Vật lý mà không phải đóng bất kỳ khoản phí nào. Trung tâm hiện có 22 GV cơ hữu giảng dạy với khoảng 1.120 học sinh đang theo học. Ngoài ra Trung tâm còn có một lực lượng cộng tác viên là các chuyên gia và các nhà khoa học có thể cùng tham gia giảng dạy hoặc hướng dẫn làm dự án cho học sinh.

Điều đáng lưu ý là cả hai trung tâm và viện khoa học nói trên đều nằm trong network toàn cầu nên có thể kết nối cũng như hợp tác với nhiều trung tâm khoa học khác trên thế giới.

Trung tâm Khoa học Reisman

TỪ TRƯỜNG HỌC PAPERLESS ĐẾN LỚP HỌC CỦA TƯƠNG LAI

Trường trung học Tichonet ở Tel Aviv tự hào là ngôi trường paperless (không sử dụng giấy) đầu tiên và duy nhất tại Israel hiện nay. Trường mới thành lập được 6 năm và đang có khoảng 1.400 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Tại đây, tất cả học sinh đều phải tự trang bị máy laptop như là một công cụ bắt buộc để phục vụ việc học tập. Giáo viên thực hiện giảng dạy chủ yếu theo phương pháp “lớp học đảo ngược”: học sinh vào các “bức tường” do giáo viên post thông tin lên và tự học trước ở nhà. Khi đến trường, học sinh chỉ thảo luận và giáo viên sẽ hỗ trợ dẫn dắt để rút ra các kết luận. Toàn bộ nguồn sách (bao gồm sách giáo khoa và sách tham khảo trong thư viện) cũng đều được sử dụng online. Tiếp chúng tôi, thầy hiệu trưởng tuy trông “ngầu” như “Vua bò cạp” nhưng lại nói rất “chuẩn sư phạm” về tầm nhìn và sứ mệnh của ngôi trường đặc biệt này. Để trả lời câu hỏi việc dạy và học hoàn toàn trên máy tính với sự phụ thuộc vào công nghệ quá cao như vậy liệu có làm cho học sinh mất đi cảm xúc và trở thành các “robot”, thầy hiệu trưởng mời cả đoàn đến thăm không gian Makerspace của trường. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến các bộ phận của những cánh tay giả vừa được “sản xuất” từ máy in 3D.

Hóa ra đây là một dự án đậm nét nhân văn của học sinh! Các em đã chế tạo ra những cánh tay giả với nhiều chức năng mô phỏng gần giống như tay thật để phục vụ cho những trẻ em bị mất tay do khuyết tật bẩm sinh hoặc do tai nạn. Các học sinh của trường đã trao tặng nhiều cánh tay nhân tạo như thế cho những trẻ em khuyết tật trong thành phố và ở một số khu vực khác thông qua dự án “Hand in Hand”. Thầy hiệu trưởng tự hào nói với tôi: “Đó mới chỉ là thể hiện một phần sứ mệnh của chúng tôi ở ngôi trường này!”. Sứ mệnh ấy được tóm tắt và tạm dịch như sau: “Cho phép học sinh học hỏi và phát triển như là những người sáng tạo, tự chủ, biết quan tâm và thay đổi theo những cách riêng của mình trong khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông một cách an toàn, có trách nhiệm và hiệu quả”.

Thầy hiệu trưởng trường Tichonet (người cao nhất, giữa) nhận quà lưu niệm của đoàn là một bức tranh gạo Việt Nam

Tại Gordon College (tên đầy đủ là Gordon Academic College of Education), một trường sư phạm danh tiếng ở thành phố Haifa, chúng tôi được mời đến thăm thiết kế thực tế một “lớp học của tương lai” ngay trong khu học xá mới cải tạo của trường. Lớp học này còn được gọi là “lớp học không bàn ghế” vì trong phòng học chỉ có các loại màn hình máy tính, tivi, thiết bị tương tác ảo và cả… robot! Học sinh sẽ cùng giáo viên trên các băng gỗ dài giống như ngồi chơi ở… resort để thảo luận và chia sẻ thông tin. Người Israel quả là luôn có những bộ óc Nobel! Ngay từ bây giờ, họ đã nghĩ tới chuyện phải đào tạo giáo viên theo định hướng yêu cầu giảng dạy cho những lớp học ở thì tương lai như thế!

Nói thêm. Gordon College là trường sư phạm duy nhất hiện nay tại Israel nhận được “Giải thưởng Giáo dục có uy tín”. Đây cũng là trường sư phạm có nhiều chương trình đào tạo giáo viên phong phú nhất ở Bắc Israel với sự đa dạng về bằng cấp: Từ các chứng chỉ huấn luyện ngắn hạn đến bằng cử nhân hoặc thạc sĩ giáo dục. Từ đào tạo giáo viên mầm non cho đến giáo viên bậc trung học. Ngoài học xá chính có thể tiếp nhận hàng ngàn sinh viên trong nước và quốc tế, trường còn có hai trường phổ thông thực nghiệm trực thuộc để giáo sinh có thể thực tập và áp dụng các mô hình giáo dục kiểu mẫu. Thành quả quan trọng nhất mà chúng tôi gặt hái được trong chuyến đi này là đã thỏa thuận với Gordon College về việc cung cấp một chương trình đào tạo ngắn hạn thường niên theo những chủ đề “đặt hàng” riêng cho các giáo viên và đội ngũ lãnh đạo người Việt Nam thuộc các trường của CISS. Khóa học đầu tiên có thể bắt đầu ngay vào tháng 6-2018 tại Israel.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.