Gặp Lại Nền Giáo Dục Của Những Người Thông Thái (phần hai)

0 553

DẠY NGHỀ KIỂU ISRAEL

Ngay trong ngày đầu tiên của lịch làm việc, chúng tôi được mời đến thăm một trường trung học dạy nghề ở Tel Aviv. Holtz là một trong số các trường thuộc hệ thống Amal. Amal (viết tắt của the Amal Education Network) là mạng lưới trường học hàng đầu ở Israel, được Tổng Liên đoàn lao động Israel thành lập từ năm 1928, có trách nhiệm cung cấp một cấu trúc giáo dục – học thuật với trọng tâm là công nghệ, khoa học và kỹ thuật cao cho mọi tầng lớp nhân dân, từ những thanh niên có thành tích cao của giới tinh hoa Israel cho đến những người trẻ tuổi thích khám phá… Hiện nay, Amal có 120 cơ sở giáo dục trên toàn quốc, bao gồm các trường trung học, cao đẳng, dạy nghề, với khoảng 40.000 học viên các lứa tuổi.

Holtz được xem là một trường multidisciplinary (đa ngành) trong hệ thống Amal. Trường cung cấp hai chương trình: Chương trình phổ thông trung học (high school) và chương trình dạy nghề kỹ thuật, công nghệ (college for technicians and engineers). Từ hơn 15 trước, Holtz đã kết hợp với Không lực Israel để mở các khóa đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ cho quân đội, mà chủ yếu là cho ngành hàng không. Hiện nay, Holtz được xem là một trong những cơ sở hàng đầu của hệ thống Amal trong việc triển khai giải pháp học tập và giảng dạy bằng công nghệ cao thông qua việc sử dụng iPad với mô hình một trên một, tức là tất cả học sinh và giáo viên đều được nhận iPad để học tập.

Không chỉ được học kỹ thuật cơ khí bằng thiết bị 3D, 4D và các giải pháp mô phỏng hiện đại, học sinh tại Holtz còn được làm việc với máy bay thật hẳn hoi! Trong trường có cả một khu xưởng lớn để ba chiếc máy bay cũ phục vụ cho việc nghiên cứu và thực tập hàng ngày của học sinh. Khách tham quan được dặn dò cho phép chụp hình lưu niệm tại khu vực này nhưng tuyệt đối không được đăng tải trên Facebook hay bất cứ phương tiện truyền thông nào, vì lý do đây là các máy bay đã và đang phục vụ cho quân đội.

Dù tồn tại một hệ thống dạy nghề từ bậc phổ thông trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động, nhưng các trường Amal tại Israel lại hoạt động rất hiệu quả và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục cũng như chính quyền địa phương. Khác với ở nước ta, các trường cao đẳng nghề sau một thời gian bị đẩy qua đẩy lại giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH, nay thì đã gần như ngắc ngoải khi chính thức được giao về cho Bộ LĐ-TBXH với phương thức đào tạo “vũ như cẩn”. Trong khi đó, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và tâm lý xem trọng khoa bảng vẫn đang là bài toán nan giải cho thị trường lao động VN. Không giải được bài toán này thì cơ hội phát triển và hội nhập với thế giới sẽ tiếp tục phải đối đầu với những thách thức lớn khó có thể vượt qua!

Mô hình máy bay đã được xem như biểu tượng của trường Holtz

CHẤP NHẬN KHÁC BIỆT ĐỂ KHUYẾN KHÍCH SÁNG TẠO

Không chỉ có nhiều hình thức trung tâm khoa học như đã nói ở phần một, tại Israel, giáo dục nói chung luôn được hỗ trợ bằng các nguồn lực khác nhau: Từ những quỹ phi lợi nhuận trong và ngoài nước đến ngân sách địa phương hoặc ngân sách của chính quyền trung ương…

Đến thăm Smart City tại Ramat Gan, một quận nằm ở phía Đông của Tel Aviv. Hóa ra đây cũng là một trung tâm giáo dục của thành phố. Hàng ngày, các giáo viên có thể đến đây để chia sẻ kinh nghiệm và phát triển chuyên môn. Còn học sinh thì đến để học tập, nghiên cứu và cả gặp gỡ, thảo luận với giáo viên ở đó.

Một mô hình khác là Trung tâm Beta của thành phố Jerusalem. Được thành lập từ hơn hai năm về trước và hoạt động chủ yếu bằng nguồn ngân sách địa phương, trung tâm này có nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ các trường trong thành phố tìm ra những giải pháp tốt nhất để đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Yehuda HaMaccabi Elementary School (tạm viết tắt YHES) là một trường tiểu học công lập thuộc địa phận Yafo ở phía Bắc của Tel Aviv. Được mở cửa khôi phục hoạt động từ năm 2014 sau hơn 30 năm đóng cửa, đến nay trường có 540 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 với sĩ số khoảng 34 học sinh/lớp. Tuy không phải là một trường thực nghiệm, nhưng YHES vẫn có mô hình hoạt động riêng với những sáng tạo không giống như ở các trường tiểu học bình thường khác. Các lớp học được bài trí đơn giản, bàn ghế giáo viên để ngang bằng, lẫn với bàn ghế học sinh nhằm mục đích xóa bỏ sự ngăn cách giữa thầy và trò. Hiệu trưởng Adar Arad là một người đàn ông còn rất trẻ và có dáng vẻ “bụi bặm” như một nghệ sỹ nhưng lại tỏ ra rất ân cần, kiên nhẫn với các học sinh nhỏ của mình. Hướng dẫn chúng tôi đi thăm trường vào đúng giờ ra chơi náo nhiệt, thầy thản nhiên bảo các vị khách đừng phiền lòng vì trường học mà trật tự, ngăn nắp và không có tiếng ồn ào của học sinh thì không phải là trường.

Dù là trường tiểu học nhưng “Dạy học theo dự án” (Project Based Learning – PBL) lại là phương pháp chủ đạo ở YHES. Ngay từ đầu năm, các bậc cha mẹ đã được thông báo về kế hoạch thực hiện dự án học tập của lớp con mình. Các dự án được xây dựng theo từng quý (trimester). Mỗi trimester bao gồm các hoạt động: Họp cha mẹ cùng học sinh và giáo viên, tiếp nhận phản ánh, triển lãm và giới thiệu dự án mới kế tiếp.

Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng chú ý nhất ở YHES là việc trường không thực hiện cho điểm để xếp loại học sinh theo cách thông thường. Các học sinh sẽ tự thực hiện việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện cá nhân theo mẫu câu hỏi (Sample Questionaires) và thư đánh giá (Evaluation Letter) của trường. Vì thế, ở YHES có thêm hai vị trí giáo viên tư vấn (Guidance Counseller Teachers). Các giáo viên này có nhiệm vụ tham gia cùng giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, giúp học sinh trả lời các câu hỏi trong bản tự đánh giá (Self Evaluation).

Thật thú vị khi được nghe thầy hiệu trưởng Adar giải thích về nét vẽ cái bóng đèn bị đứt đoạn trên logo của YHES. Sự không liền lạc đó hàm ý mọi việc luôn phải có một chút thách thức và đừng bao giờ nghĩ rằng các giải pháp đều sẽ trôi chảy, dễ dàng thực hiện như mình tưởng! Quả đúng là cách những người Do Thái truyền đạt tinh thần và thái độ sống đặc trưng của dân tộc họ.

Có thể thấy ở Israel, mỗi khu vực, mỗi thành phố cho đến mỗi trường học đều rất chủ động trong việc tìm kiếm những lối đi riêng để thực hiện cải cách giáo dục. Điều đáng nói là tất cả những ý tưởng đổi mới đều được tôn trọng và tạo điều kiện để thể nghiệm. Chính phủ và Bộ Giáo dục quốc gia xem tính đa dạng cũng như sự khác biệt của cải cách giáo dục ở mỗi địa phương, mỗi đơn vị trường học là thể hiện sự sáng tạo có trách nhiệm chứ không đơn thuần là các cuộc thí điểm. Những ý tưởng đổi mới của các trường, các tổ chức nghiên cứu giáo dục sẽ được tập hợp lại ngay từ địa phương và được chính quyền kêu gọi các quỹ, các hội đoàn, các cá nhân cùng đóng góp tài chính để thực hiện.

Những gương mặt học sinh khoẻ khoắn và đầy tự tin ở Holtz

***

Buổi tối cuối cùng trước khi rời Jerusalem, chúng tôi mời cô Judith Rosenthal, Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế Aharon Ofri của MASHAV (Cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế của Bộ Ngoại giao Israel) cùng ăn tối tại một nhà hàng nhỏ gần khách sạn đang ở để chia sẻ những mối quan tâm chung về giáo dục. Nhớ nhất một câu nói của cô: “Nhiều người cứ nghĩ cải cách giáo dục có nghĩa là đổi mới công nghệ dạy học, đưa tiến bộ của kỹ thuật vào giáo dục. Đối với chúng tôi không phải vậy! Cải cách giáo dục mang đến cho chúng tôi điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy và nhận thức. Để chúng tôi biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì để đón đầu một thế giới đang thay đổi từng ngày! Công nghệ sẽ chỉ là phương tiện chứ không bao giờ là mục tiêu của một nền giáo dục có tầm nhìn và chiều sâu về các tiêu chí cải cách”.

Ba từ thường gặp nhiều nhất ở Israel ngày nay là: Innovation (Đổi mới), Accelerators (Tăng tốc) và Entrepreuner (Tinh thần doanh nhân). Điều đáng khâm phục là các bạn cũng đã làm cho những từ này trở nên quen thuộc với mọi giáo viên và học sinh trong tất cả các trường học.

CHỈ GIÁO DỤC MỚI CÓ THỂ LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI! Người Israel đã ý thức sâu sắc điều này với tinh thần và trí tuệ Do Thái, đồng thời cụ thể hoá nó bằng công cuộc cải cách đa chiều, thiết thực mà hiệu quả. Trong khi đó ở Việt Nam – đất nước từng được xem là “Do Thái châu Á”- các nhà quản lý vẫn đang còn bận tranh cãi về chuẩn mực và chất lượng GS, PGS. Rồi mải mê với kế hoạch 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ cho các trường sư phạm! Một khi nền giáo dục của chúng ta còn thích phô trương khoa bảng, nặng hình thức, thiếu thực chất và vẫn thể hiện bản chất vô cảm, vô trách nhiệm của bộ máy quản lý thì biết đến bao giờ mới mong có được tinh thần cải cách như người Israel – một dân tộc mà xét cả về dân số và diện tích quốc gia, chúng ta lớn hơn họ gấp hàng chục lần!

Trông người lại ngẫm đến ta… mà buồn!

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.