Cái bình trà đá miễn phí trên con đường đi làm của tôi có mang một sợi xích sắt rất to. Nó tròng qua cổ bình, móc xuống lưng và sau đó quấn chặt vào gốc cột điện nơi chiếc bình tựa vào.
Một lần đi bộ, tôi đến trước bình và hứng nước, đổ vô cái chai mình hay mang theo trong balo. Sau lưng tôi, một phụ nữ bán vé số cũng trờ tới chuẩn bị hứng nước tiếp tục chuyến đi bán giữa trưa dài nóng bỏng.
Từ rất nhiều năm nay, hễ mỗi lần nhắc đến chuyện cái bình trà đá, người ta lại nhớ ra người Sài Gòn tử tế, đất Sài Gòn bao dung, cuộc sống Sài Gòn được ra dáng con người trong bất thần lem luốc tủi cực.
Bình trà đá là cơn ứng phó giữa bất an của đời sống. Nó tiết lộ bao nhiêu ngàn người lam lũ ở thành phố cực tủi ra sao dù chỉ là với chút tiền nhỏ cho ly nước mình uống. Nó hé mở một kiểu đời sống nhem nhuốc, nơi dịch vụ xã hội không lắng nghe nhu cầu căn bản nhất của cư dân thành thị nhưng vẫn một mực chăm chăm vào sự xa hoa nào đó không hề có tác dụng con người.
Sợi xích quấn trên thân bình như một tín hiệu của những bất an thường trực. Bất an đến từ hạt nước mắt của ông già bán vé số nghèo không thể đuổi theo cậu thanh niên vừa cướp cả xấp vé và rồ ga đi thẳng. Bất an tỏa ra trên vai người bốc vác còng lưng đạp xe về sau ngày tối tăm mặt mũi ở cảng, vẫn có thể bị chủ nẫng sạch số tiền mồ hôi nước mắt và lượn mất không tăm tích. Bất an tỏa ra từ hớp nước miễn phí mà người đàn bà sau lưng tôi vội vàng uống cạn, khi có kẻ mưu toan chực tới và ôm chiếc bình có chút giá trị quèn đi bán ve chai mất tích.
Không trong veo và vô tư như những ca ngợi Sài Gòn hồn nhiên tốt đẹp, không thẳng thớm vô lo như cái sự sung túc ào ạt mà người ta tưởng nơi này sẵn có, bình trà đeo xích tiết lộ một Sài Gòn thành thật và đau khổ với những giá trị đang phai nhòa và mất mát trong từng ngày vất vả.
Sài Gòn tàn đi như hương khói, như khi tôi nghe thầy kể chuyện ông nhớ người giữ xe lịch thiệp, nhẹ nhàng bình luận với ông về một tập phim chú vừa coi trên vô tuyến mấy ngày trước. Những chú giữ xe bây giờ đôi khi chửi huyên thuyên vào mặt khách chỉ vì họ biết quyền lực của kẻ nắm giữ không gian đô thị ngạt thở không chỗ đứng ngồi.
Thành phố mơ hồ biến mất vào hơi thở của mùa hè nóng bỏng, khi hàng cây xanh buốt ngực ngả rạp dần sau những trận càn tôn vinh sự thành đạt của cao ốc. Nó phai đi khi người ta bịt mặt vào trước bão tố bụi bặm, chịu đựng sức nặng khôn cùng của cuộc di chuyển quay cuồng giữa phố xá.
Không ai còn thấy mặt ai hoặc hằn học nhìn nhau bằng ánh mắt xa lạ của điều không quen thuộc.
Sài Gòn tan đi trên những ban công chung cư cũ còn hoen màu bình an, nơi tôi trèo ra ngoài nhìn con đường chuyển động. Một người chủ nhà bước lên cầu thang, chửi như tát nước vào người hàng xóm đã quẳng rác từ trên lầu xuống thẳng nhà bà.
Tôi đã ngồi im, chịu đựng cơn nắng hè đau như kim ngấm vào da thịt mình.
Tôi tự hỏi, thành phố của tôi đã mất gì, hay nó đang mất đi thứ nó chưa từng có? Hay nó đang mất đi thứ tôi hoang tưởng về một sự thành thật chỉ có trong tiểu thuyết?
Với câu hỏi nặng đè trên ngực, tôi rời khỏi ban công, rảo bước xuống đường để bắt gặp cái bình trà đá đeo xích nọ.
Một người chủ bình từng kể hễ bà cứ để bình inox ra là mất, có khi mất cả bình, nhiều khi mất.. nắp bình. Cuối cùng bà phải xài tới “chiêu” xích cái bình dính chặt vô gốc cây trước nhà.
Một chị chủ bình trà hồi xưa dùng một mâm cốc nhựa, rồi bỏ đi mà chuyển qua cốc giấy, dù phải tốn thêm khoản tiền mua cốc mỗi ngày. Chị nói khi đọc trên mạng thấy người ta bảo đã cho trà đá miễn phí còn để mấy cái cốc nhựa đó cho người ta lây bệnh tật của nhau. Đọc xong chị sợ mình làm điều ác, từ đó bỏ thêm tiền mua mấy lô cốc giấy cho yên tâm.
Bình trà đá đeo xích thầm thì một sự bền tâm đầy vô lý. Nó đứng đó giữa khốn khó, bất an nhưng vẫn mát lịm khi chạm vào môi người phụ nữ già ngửa cổ uống ngụm nước đầy.
Nó báo hiệu mùa hè đến – những mùa hè sẽ làm Sài Gòn phai úa đi trong tim bao người – nhưng cũng sẽ làm bao người khác tin vào điều tử tế bé mọn và không bao giờ chịu thỏa hiệp để nó bị mất đi…