Nuôi Dưỡng Mầm Non

0 433

Phải thừa nhận rằng trong xã hội Mỹ không có một chuẩn mực về đạo đức nhất định, bởi lẽ đây là nơi di dân đến từ khắp nơi, người đến trước, kẻ đến sau, mang theo đủ kiểu văn hóa, đủ loại niềm tin, biết thế nào gọi là chuẩn mực được cho tất cả mọi người? Vậy thì làm thế nào để người ta duy trì và ổn định được trật tự xã hội? Người ta có một hệ thống pháp luật nghiêm minh, một hệ thống nhân viên thi hành công lý liêm chính và công bằng, kẻ vi phạm bị đánh nặng vào túi tiền bất kể kẻ đó là ai, và quan trọng hơn tất cả, là một nền giáo dục nhân bản.

Stanford

Nhiều người Mỹ hay nói rằng: “All I really need to know, I learned in kindergarten”, có nghĩa là: “Tất cả những gì tôi cần biết (trong xử thế), tôi học được ở lớp Mẫu giáo.”  Hãy ghé nhìn xem các em được dạy gì ở đây?

Tôi có một sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho các thầy cô dạy lớp này. Ngày đầu tiên các em đến lớp, thật tình ta rất dễ nản, khi nhìn cái đoàn quân còn đầy mùi tã sữa này.  Em nào em nấy đều được cha mẹ cho ăn mặc tươm tất, vì là ngày đặc biệt, nhưng được một chặp sau, kẻ thì khóc nhè, người thì táy máy nghịch đầu này, phá đầu nọ, đứng ngồi không yên. Cô giáo phải lên tiếng vài ba lần mới gây được chú ý cho cả lớp, và mọi người mới chịu yên lặng lắng nghe. Thường thì lớp Mẫu giáo được dạy trong những phòng có lối đi ra một sân chơi riêng.  Để cho các em có thời gian quen dần, lớp Mẫu giáo được học ngắn giờ hơn các lớp khác, và tan trường trước các lớp kia. Như vậy tổng số thời gian học của các em không nhiều, chỉ chơi là chính, nhưng nếu để ý, phụ huynh sẽ thấy con em mình trưởng thành rất nhanh trong chỉ một năm đầu tiên đó.

Trường học khuyến khích cha mẹ đến lớp, phụ với thầy cô giáo giúp các em. Ngoài giờ tập hợp để nghe cô giáo đọc bài thì các em làm việc và chơi với nhau theo từng nhóm. Một nhóm tập viết, một nhóm vẽ, một nhóm chơi nhào nặn, một nhóm làm toán. Các station này cố định, và được trang bị đầy đủ các đồ chơi, dụng cụ học tập.  Sau khi làm xong việc ở station này, thì các em di chuyển sang các station khác. Mỗi ngày có một bạn trong lớp thay phiên làm thầy/cô giáo nhỏ (short teacher) ngồi ngay bên cô giáo trong giờ đọc sách. Sau khi cô giáo đọc xong, thường là một bài thơ hay một câu chuyện ngắn, thì “short teacher” hướng dẫn các bạn thảo luận. “Short teacher” phải làm đúng chức năng của mình là công bằng trong lúc gọi các bạn phát biểu, để ai cũng có dịp nói lên ý kiến của mình. Việc làm này tuy nhỏ, nhưng đã huấn luyện cho các em có được sự tự tin, và khả năng nói năng trước đám đông, cũng như những yếu tố khác của một người dẫn đầu. Ở vị trí “short teacher”, các em sẽ phần nào hiểu được những tiêu chuẩn thầy cô giáo mong đợi ở học sinh, cho nên đến khi trở về vị trí bình thường của mình trong lớp học, các em sẽ cư xử đúng mực hơn.

Vào đầu giờ học, các em bỏ mũ, khăn quàng, cặp trong một ngăn tủ nhỏ dành cho mình, có viết tên từng em cho mọi ngăn. Khi chuông reo tan học, “short teacher” sẽ đứng ngay của lớp, ra lệnh cho từng hàng một tiến lên các ngăn đó, lấy cặp và đồ cá nhân, đi theo hàng ra cửa lớp một cách trật tự. Nhờ sự trật tự mà các em đã làm xong rất nhanh. Ngày tốt nghiệp mẫu giáo tuy không long trọng như tốt nghiệp các bậc khác, nhưng đánh dấu một bước tiến dài của các em. Nhiều em bước vào lớp học chưa biết đọc, còn khóc nhè, mà ra trường đã đọc thông, viết thạo, làm được một vài phép tính đơn giản, và quan trọng hơn hết là tinh thần kỷ luật, biết cư xử lịch sự với người xung quanh, và khả năng biết làm theo lời hướng dẫn.

Nhưng đó chỉ là những kết quả trên bề mặt, ăn sâu vào tâm khảm các em là những nguyên tắc xử thế được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày dưới đây:

  1. Share everything (Chia sẻ những gì mình có với bạn)
  2. Play fair (Chơi cho công bằng)
  3. Don’t hit people (Không đánh bạn)
  4. Put things back where you found them (Sau khi dùng xong, trả lại đồ vật đúng chỗ cũ)
  5. Clean up your own mess (Sau khi chơi xong, dọn dẹp nơi mình vừa bày bừa)
  6. Don’t take things that aren’t yours (Đừng lấy những gì không phải của mình)
  7. Say you’re SORRY when you HURT somebody (Phải biết xin lỗi khi mình làm đau hay làm tổn thương người khác)
  8. Wash your hands before you eat (Rửa tay trước khi ăn)
  9. Flush (Nhớ dội cầu sau khi sử dụng)
  10. Warm cookies and cold milk are good for you (Bánh mới nướng và sữa lạnh mới tốt cho bạn)
  11. Live a balance life: Learn, Think, Draw, Paint, Sing, Dance, Play, Work (Sống cân bằng – học, tư duy, vẽ, hát, múa, chơi, làm việc).
  12. Take a nap every afternoon (Nhớ ngủ trưa mỗi ngày)
  13. Be aware of wonder (Để ý những điều kỳ diệu)
  14. Look around (Quan sát xung quanh)
  15. When you go out into the world, watch for traffic, hold hands, and stick together (Khi đi ra ngoài, để ý xe cộ, nắm tay nhau, đi cùng nhau)

Nhìn những em bé tí hon nắm tay nhau đi thành hàng một trong những chuyến du ngoạn ở sở thú, công viên, để khỏi bị lạc nhau, người ta không khỏi mỉm cười trìu mến. Biết tự chăm sóc mình, cả tinh thần lẫn thể chất, biết quan tâm và tôn trọng người xung quanh, đó chẳng phải là bài học đạo đức căn bản nhất trong tất cả các bài học đạo đức con người ta học được ở đời? Và có ai trong chúng ta, đủ tự tin và kiêu hãnh để nói rằng, chúng ta có thể bước ra cuộc đời điên đảo ngoài kia, luôn có thể đứng vững, và không cần đến một bàn tay sẵn sàng chìa ra của bạn mình?

Tác giả gửi Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.