Nổi tiếng khắp thế giới với những bộ phim được dàn dựng công phu, Steven Spielberg xứng đáng được xem là một trong những đạo diễn bậc thầy trong làng điện ảnh thế giới. Để thực hiện một bộ phim, Spielberg mất rất nhiều thời gian cũng như sự dày công nghiên cứu kịch bản. Với Spielberg, những gì cuốn hút ông nhiều nhất lại thuộc về quá khứ – không phải kiểu quá khứ xa xăm mơ màng mà là quá khứ sống động, dựng nên từ các sự kiện lịch sử nhuốm màu bi thương lẫn chút hạnh phút giành lấy được từ những nỗi mất mát vĩ đại. Có thể nói Spielberg là bậc thầy về phim lịch sử. Bộ phim mới nhất của ông, The Post, đã nằm trong bảng đề cử Oscar 2018 hạng mục phim xuất sắc nhất…
Con người của trắc ẩn
Mùa đông năm 1992, Spielberg đến Krakow (Ba Lan) với tư cách là một nhà làm phim mang theo trong tim sứ mệnh tìm kiếm những gì đã mất cách đây gần nửa thế kỷ. Sau lần thành công đáng nể đưa tên tuổi của mình vượt biên giới Hollywood với phim E.T., Spielberg bị dằn vật bởi câu chuyện có thật về một tín đồ Thiên chúa giáo người Đức đã cứu hơn 1.100 dân Do Thái khỏi nạn thảm sát của Đức quốc xã thời Đệ nhị thế chiến. Nơi dừng lại đầu tiên của Spielberg là trại thảm sát ở Auschwitz-Birkenau. Khi lướt ngang cánh cổng trại, Spielberg rùng mình kinh hãi: những hàng rào thép gai, các doanh trại và sân ga…, tất cả được thiết kế với mục đích duy nhất là “trừng phạt” đồng loại của ông – những người Do Thái vô tội. Tại một cái hố phía sau lò hỏa thiêu số 4, Spielberg thọc tay xuống bên dưới – nơi ngập đầy nước mưa với chất bùn đất nhão nhoẹt. Không phải! Không phải bùn đất, mà là xương người bị phân hủy!
Khi mới biết đi chập chững, Spielberg học đếm bằng cách đọc những con số đóng trên da của các nạn nhân sống sót từ thời Đệ nhị thế chiến. Một nạn nhân đã dạy Spielberg: “Đây nhé, số năm này, số hai này… và số chín đấy”. Tuy thường khắc khoải trước những nỗi ám ảnh kinh khủng từng được nghe kể, cậu thanh niên Spielberg vẫn mang cảm giác vừa ghét vừa thương chất huyết mạch Do Thái trong người mình. Đối với cậu, dân Do Thái dường như không tồn tại trong cái “thế giới bình thường”. Khi nghe bố nói rằng có tự hào là người Do Thái không, Spielberg tự trong thâm tâm không đồng ý, bởi cậu cảm nhận sự khác biệt trong cách đối xử của xã hội và thấy cô đơn làm sao… Cảm giác này càng trào dâng dữ dội khi gia đình Spielberg dọn đến Phoenix.
Đến lúc trưởng thành, sự hoang mang và cảm giác dằn vặt vẫn tồn tại trong người Spielberg. Bỏ nhiều thời gian để tập thể thao cũng không khá gì hơn. Trong mặt trận tình yêu, chàng trai Spielberg không giành được sự lôi cuốn của các cô gái. Một sở thích được hình thành và hấp dẫn Spielberg đến mức như bị mê hoặc: làm phim. Từ lúc 5 tuổi, khi được bố dẫn đi xem phim The greatest show on earth, Spielberg đã bị màn bạc chinh phục con tim mình. Hình ảnh đoàn tàu trong phim bị nổ tung để lại ấn tượng sâu như in trong tâm khảm Spielberg. Vài năm sau, Spielberg mượn chiếc máy quay phim 8 li của bố để thực hiện “bộ phim” The last train wreck, với “đạo cụ” là chiếc xe lửa đồ chơi của mình. Spielberg còn làm một số phim kinh dị, với các “diễn viên quen thuộc” là bà chị cô em trong nhà thủ vai nạn nhân.
Đường đến thế giới điện ảnh
Ở trường trung học, Spielberg mời đám bạn tham gia vào những bộ phim của mình. Tất nhiên, bọn trẻ ấy phấn khích nhận lời ngay. Trong kỳ nghỉ hè của năm cuối chương trình trung học, Spielberg đến ở nhà người anh em họ sống gần kinh đô điện ảnh Hollywood. Một ngày kia, trong chuyến tham quan bằng xe bus tại phim trường thuộc Hãng Univesal, khi xe dừng để mọi người đi vệ sinh, Spielberg chuồn thẳng luôn, không trở về xe nữa. Lang thang nơi phim trường, Spielberg thích thú ngắm nhìn với ánh mắt thán phục trước công việc của các toán làm phim. Spielberg mải mê xem đến chập choạng tối – đó cũng là lúc cậu gặp Chuck Silvers, người quản lý thư viện phim của Universal. “Làm gì nơi đây thế cậu?” – Silvers hỏi. “Tôi muốn trở thành đạo diễn, nhưng chẳng học được gì trong chuyến thăm quan. Thế nên, tôi tự tìm hiểu một mình” – Spielberg trả lời. “Hãy trở lại đây vào ngày mai, tôi sẽ cho cậu đi một vòng” – Silvers cười, trả lời. Suốt một tuần sau, Silvers cho Spielberg đi khắp nơi trong phim trường. Tuần sau nữa, Spielberg loay hoay tìm người đưa mình vào cổng. Tuần thứ ba, Spielberg đánh liều bước vào cổng phim trường, sau khi vẫy tay chào nhân viên bảo vệ, vờ như là nhân vật quen thuộc tại đây. Suốt ba tháng, không ngày nào Spielberg không mò vào Hollywood. Anh tìm thấy một cái phòng trống, bước vào và tự ghi tên sổ điện thoại: S. Spielberg, phòng số 23C.
Khi theo gia đình đến Bắc California, Spielberg bắt đầu gặp những cú sốc khi đám bạn trong trường đi ngang và gọi: “Ê, cái thằng Do Thái kia!”. Trong số đó, có một tên quá khích luôn tìm cách đánh Spielberg mỗi khi có thể. Trước kỳ thi tốt nghiệp, Spielberg thực hiện một cuốn phim về chuyến dã ngoại của các bạn trong lớp khi đến Santa Cruz. Spielberg yêu cầu vài người bạn – có cả tên hay đánh mình – đứng nhìn lên trời và đưa tay che mắt. Cả bọn không hiểu ý định của Spielberg. Khi cuốn phim được chiếu, mọi người ngạc nhiên thích thú khi thấy cảnh một con chim hải âu bay ngang rồi đến phân cảnh đám bạn Spielberg lấy tay che mặt như thể bị con chim lướt cánh chạm phải. Bộ phim này làm cho rào cản giữa Spielberg và các bạn bị gãy đổ. Tốt nghiệp trung học, Spielberg ghi danh vào Đại học California tại Long Beach, nhưng chỉ đến lớp hai ngày một tuần, thời gian còn lại Spielberg dành để khám phá thế giới phim trường ở Universal.
Trở thành đạo diễn chuyên nghiệp
Sau khi thực hiện phim câm dài 26 phút tên Amblin’, Spielberg đưa cho Silvers xem. Silvers đem bộ phim này giới thiệu với Sid Sheinberg – chủ nhiệm sản xuất phim truyền hình của Hãng Universal. Bị thu hút mạnh, Sheinberg mời chàng đạo diễn trẻ Spielberg ký hợp đồng dài hạn. Ở tuổi 21, Spielberg đã thật sự đặt chân vào làng điện ảnh với tư cách đạo diễn chuyên nghiệp. Bốn năm sau đó là thời gian Spielberg chúi mũi vào công việc đạo diễn và viết kịch bản phim truyền hình. Sau đó, nhà sản xuất Richard Zanuck và David Brown trao cho Spielberg một cơ hội với vai trò đạo diễn phim The sugarland express. Tuy không thành công, nhưng hai nhà sản xuất trên đã nhìn thấy tài năng của Spielberg hiện ra khá rõ rệt. Họ ký một hợp đồng mới, với bộ phim nói về cá mập. Jaws ngay khi vừa công chiếu được ít lâu đã trở thành bộ phim có lợi nhuận cao nhất vào thời đó.
Sức mê hoặc bởi một đời sống ngoại giới ám ảnh từ thời niên thiếu gây cảm hứng mạnh mẽ cho Spielberg thực hiện phim Close encounters of the third kind (năm 1977), với vai trò vừa đạo diễn vừa soạn kịch bản. Nhưng thành công chỉ thật sự đến khi Spielberg thực hiện phim E.T (The Extra-Terrestrial, năm 1982). Rồi sau đó là Jurassic Park (năm 1993), đem tên tuổi Spielberg trở thành huyền thoại. Đến thời điểm hiện tại, với tổng doanh thu hơn 4,5 tỷ USD đã thu được từ những bộ phim của mình, Spielberg là đạo diễn thành công nhất về mặt tài chính trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Chạm mặt với quá khứ
Thoạt đầu, ý tưởng thực hiện phim Schindler’s List khiến Spielberg rùng mình sợ hãi. Ông chưa thật sự tin tưởng mình có khả năng làm được. Bản quyền bộ phim được ngã giá chuyển nhượng cho một số nhà đạo diễn có tay nghề cao, như Martin Scorsese, nhưng không ai nhận. Sự ra đời của bé Max – đứa con đầu lòng – khiến Spielberg ngẫm nghĩ nhiều về gia đình mình, về ông bà cha mẹ và những đứa con trong tương lai. Và chuyến thăm Auschwitz đã thật sự tạo ra ngòi nổ trong Spielberg, khiến lòng ông bùng lên khát vọng phải thực hiện phim Schindler’s List. Một vài người bạn khuyên không nên nhúng tay vào tác phẩm này nhưng lần đầu tiên trong đời, Spielberg không muốn sống vì người khác. Ông bắt đầu thuê những nhà điều hành sản xuất – trong số đó có “cựu binh” lừng danh Branko Lustig. Trong lần gặp đầu tiên, Lustig vén tay áo trái và nói: “Ủy nhiệm thư của tôi đây”. Đấy là con số A-3317 được đóng vào tay trong thời gian Lustig bị giam cầm tại Auschwitz năm 10 tuổi.
Ba tháng sau khi Spielberg thực hiện xong Jurassic Park, Schindler’s List được khởi sự bấm máy quay. Spielberg làm việc như lên cơn điên, đôi khi dịch chuyển máy quay đến 51 lần chỉ để chọn một cảnh. Nhưng dù bận đến đâu, Spielberg vẫn dành thời giờ tiếp các nạn nhân sống sót từ những trại thảm sát của Đức quốc xã. Những sự việc có thật không khác nhau lắm với những suy tưởng của Spielberg. Đôi khi, việc nén cảm xúc một cách thái quá khiến Spielberg như phát cuồng. Một lần, khi quay cảnh những đứa trẻ đáng thương buộc phải rời xa bố mẹ, Spielberg đã ôm mặt khóc với nỗi đau quặn tràn ngập trong lòng. Ông nói: “Có những buổi chiều từ phim trường về, tôi phải ngã quỵ vào lòng vợ”. Tuy cống hiến trí tuệ lẫn công sức khi thực hiện Schindler’s List, Spielberg không hề hy vọng bộ phim đen trắng dài ba tiếng rưỡi này sẽ trở thành một sự kiện điện ảnh thế giới. Do thế, Spielberg ngạc nhiên sững sờ khi biết rằng bộ phim gây tiếng vang mạnh mẽ trên toàn cầu. Schindler’s List giành được 7 Oscar 1993 – trong đó có giải đạo diễn và giải phim hay nhất.
Schindler’s List đã để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ trong Spielberg. Một lần, khi đang quay phân cảnh ở Israel, Spielberg tiếp hai người già – nạn nhân sống sót của chủ nghĩa phátxít Đức. Mỗi người đều cầu khẩn: “Hãy kể lại câu chuyện của tôi”. Dường như, họ muốn nói rằng Hãy để chúng tôi lên tiếng. Sau 50 năm câm lặng, chúng tôi muốn nói cho thế giới biết chuyện gì đã xảy ra. Chính vì nỗi niềm này, Spielberg quyết định thành lập một tổ chức với mục đích tồn trữ những tư liệu lịch sử bằng cách thu lại những bản tường trình của hàng chục ngàn người sống sót từ nạn thảm sát đẫm máu thời Đệ nhị thế chiến. Spielberg cho rằng việc này chẳng khác gì “…một sứ mệnh cứu rỗi. Cánh cửa đón nhận những bản chứng của các nạn nhân còn sống – hiện đang ở tuổi 70 hoặc 80 – đang khép lại rất nhanh. Chúng tôi muốn để cho ngày càng nhiều người trong số họ kể lên câu chuyện của mình trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời”. Hơn 10.000 bản chứng từ khắp thế giới đã được gửi về cho Spielberg. Các cuộc phỏng vấn được quay video được liệt kê rõ ràng để ai cũng có thể tìm một thông tin nào đó. Qua cuộc đời của các nạn nhân trong một giai đoạn lịch sử mà mình đã góp nhặt được, Spielberg để lại dấu ấn trong lịch sử của những ngày sắp đến. Quá khứ sang trang nhưng không khép lại vĩnh viễn trong mỗi con người chúng ta…
Cho đến nay, Spielberg vẫn bị quá khứ ám ảnh và quá khứ với ông vẫn là những giá trị luôn cần được phục hồi. Năm 2005, ông đạo diễn Munich, nói về chiến dịch truy lùng những tên khủng bố Palestine can dự vào vụ giết chết đoàn vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich 1972. Năm 2010, ông đóng vai trò sản xuất bộ phim tài liệu hoành tráng nhiều tập The Pacific, nói về những trận chiến khốc liệt tại Thái Bình Dương thời Thế chiến thứ hai. Năm 2015, ông đạo diễn kiệt tác Bridge of spies, nói về cuộc thương lượng cực kỳ phức tạp để trao điệp viên Liên Xô Rudolf Abel mà CIA bắt được cho Moscow, đổi lấy viên phi công Mỹ Francis Gary Powers đang nằm trong tay Liên Xô…