“Chúc Con Ngoan Và Học Giỏi”

0 685

Ngoan, lúc nào cũng ngoan

Sinh nhật đứa trẻ, nó được chúc “Chúc con ngoan ngoãn và học giỏi”. Ngày Tết, nó được lì xì và “Chúc con ngoan ngoãn và học giỏi”. Trước khi đi xa, người lớn tạm biệt nó “Con ở lại ngoan ngoãn và học giỏi”. Câu nói này đã trở nên một câu cửa miệng. Ai ai cũng dùng nó một cách tự nhiên cho trẻ con. Nó được nói ra một cách trơn tru, không cần suy nghĩ.

Ngay từ bé xíu, trẻ em Việt Nam luôn được khuyến khích là phải ngoan ngoãn. Mà ngoan ngoãn là sao? Là nghe lời cha mẹ thầy cô. Đứa trẻ càng răm rắp tuân theo lệnh người lớn càng được khen ngoan. Chẳng có ai muốn đối phó với một đứa trẻ bướng bỉnh hay một đứa trẻ có quá nhiều ý kiến. Cái được gọi là “ngoan ngoãn” ấy như một cái mũ chụp khổng lồ, bọn trẻ được dạy dỗ đi trong cái bóng râm ấy.

Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với một “sự nghiệp” nhồi sọ vĩ đại. Tất cả những bài học chúng tôi được học là để ngợi ca, là để kính yêu. Những gì chúng tôi viết ra đều đã có chung một khuôn khổ rõ ràng. Tôi vẫn còn nhớ những bài văn đã có sẵn sườn bài, có sẵn dẫn chứng minh hoạ, có sẵn ý tưởng mở bài kết luận. Chúng tôi chỉ việc học thuộc lòng rồi chép lại theo trí nhớ. Điểm số khác nhau là ở chỗ đứa nào hành văn mạch lạc hơn, đứa nào viết chữ sạch hơn, đứa nào viết sai chính tả ít hơn. Không có nhiều chỗ cho trí tưởng tượng của trẻ con được bay bổng, cho những ý tưởng ngông cuồng hay ngô nghê được hình thành. Và tuyệt nhiên càng không có chỗ cho những thắc mắc hay ý kiến bất đồng. Bất cứ đứa nào trong bọn trẻ chúng tôi đều viết ro ro những công thức đại loại như “khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng em phải….”, hoặc “ngày nay dưới mái trường XHCN, chúng ta phải…”. (Chúng tôi thường nói đùa với nhau, là “ngồi DƯỚI ghế nhà trường” hay “ngồi TRÊN mái trường XHCN” !!).

Có một câu chuyện nhỏ tôi nhớ hoài. Hôm đó chúng tôi thi môn văn, đề bài là viết ca ngợi những người phụ nữ kiên cường bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ. Theo sườn bài chúng tôi đã học, thì một trong số phụ nữ anh hùng đó là chị Út Tịch. Mà đã nhắc đến chị Út Tịch là phải nhắc đến chi tiết vì bị coi thường là thứ “đàn bà đái không qua khỏi ngọn cỏ” thì biết gì mà đánh giặc, cho nên chị Út Tịch muốn chứng mình mình đủ giỏi bằng cách trèo lên ngọn cây dừa đái xuống “coi cho cao bi nhiêu cho biết”. Tôi làm bài thi xong, đang đứng xớ rớ ngoài hành lang thì cậu bạn T.A từ trong lớp đi ra, vừa gãi đầu vừa nhăn mặt, “tao quên bỏ chị Út Tịch đái vô, chắc bị trừ điểm”. Lúc ấy tôi nhìn cậu bạn, cảm thông và an ủi, nói thiếu một chi tiết chắc cũng không sao đâu, đừng lo. Tuyệt nhiên tôi không cảm thấy có gì khôi hài trong câu nói ấy. Còn bây giờ mỗi lần nhớ lại thì chỉ muốn cười phá lên. Cười ra nước mắt. Bằng nhiều cách người ta đã nhồi vô đầu chúng tôi như vậy. Một hành động thiếu thẩm mỹ và vô văn hoá đã trở nên đáng ngợi ca và học tập, mà trở thành một biểu tượng của anh hùng!

Tôi còn nhớ rất rõ, năm học cấp hai, trường của tôi là một trường điểm của Đà Lạt, được tiếp đón một phái đoàn khách nước ngoài đến thăm. Thông thường chúng tôi hay có khách Liên Xô, nhưng lần này là một đoàn khách quan trọng của UNICEF. Những năm ấy tôi thường có vinh dự được cử làm đại diện cho học sinh để tặng hoa hay phát biểu (theo khuôn phép, tất nhiên) trong những dịp lễ quan trọng như vậy. Hôm đó tôi xúng xính trong bộ đồ đẹp nhất, tay ôm một bó hoa lớn cũng rất đẹp, long trọng đứng chờ khách đến cùng với cô hiệu trưởng và các thầy cô trong ban giám hiệu. Phái đoàn đến, tôi bước ra, mỉm cười, tặng hoa và chào bằng câu tiếng Anh “Ladies and gentleman, welcome to our school”. (Thầy Mầu dạy tiếng Anh ngoại khoá đã tập dượt câu chào này cho tôi rất kỹ. Thầy bảo, con tặng hoa rồi chào mừng khách đến bằng một câu tiếng Anh thì hay hơn). Tôi vừa trao hoa xong quay ra, thì có một bàn tay nắm lấy tay tôi kéo qua một bên “Em vừa nói gì đấy? Từ giờ trở đi không được nói thêm bất cứ tiếng Anh nào nữa nghe chưa”. Con bé tôi nhỏ xíu lúc ấy ngẩn ra vì không hiểu tại sao bị la khi mình chào hỏi lịch sự, lại càng không hiểu vì sao không được nói thêm gì nữa hết. Những-câu-hỏi-không-dám-hỏi đó về sau đã được thời gian trả lời cho tôi.

Các con tôi ngày hôm nay lại được học ở một môi trường hoàn toàn khác. Đó là nơi bọn trẻ được khuyến khích tha hồ nói lên những ý nghĩ trong đầu của mình, cho dù là ngô nghê nhất hay điên rồ nhất. Không ai chê cũng chẳng ai cười. Bọn trẻ không ngại ngùng lên tiếng, bởi vì chúng chưa bao giờ được rèn phải đi dưới một bóng râm rập khuôn. Ngược lại, môi trường ở đây chú trọng dạy cho trẻ em tính độc lập. Độc lập trong suy nghĩ, độc lập trong hành động.

Năm con trai tôi học lớp 3, trong buổi họp ngắn với phụ huynh đầu năm, cô giáo vào thẳng vấn đề tập cho con trẻ tự lập. Cô nói “ Quý vị đưa con đi học thì hôn chào tạm biệt con ở cổng trường là đủ. Tôi không muốn thấy cảnh đứa nhỏ tay không đi trước, cha mẹ cầm cặp cầm túi theo sau. Ví dụ hôm nào nó lỉnh kỉnh đồ thật nhiều đi nữa, thì lại càng là một cơ hội để nó học cách tự thu xếp. Nó có thể đi làm hai chuyến, nó có thể nhờ một bạn khác, sao cũng được, tuỳ nó. Vì đó là việc của nó, không phải của quý vị.”

Một câu chuyện khác, nhỏ thôi nhưng cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Cách đây vài tuần vợ chồng tôi đi dự một buổi họp lớp, không phải họp với giáo viên mà với chính con trai chúng tôi (student-led conference). Tất nhiên, thầy giáo cũng ở đó nhưng chỉ đóng vai trò giám sát. Con trai hồ hởi giới thiệu bao nhiêu là bài viết, bài vẽ treo trên bốn bức tường của lớp học. Nhiều cái để khoe quá nên cu cậu có vẻ hơi lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu. Từ góc phòng thầy giáo bước lại nói rất nhẹ. “Thầy không biểu con phải làm theo ý thầy đâu nhé, nhưng con có nhớ hôm trước mình cùng nhau làm một tờ chương trình chuẩn bị cho hôm nay không? Nếu con dùng nó thì con sẽ thấy dễ hơn”. Con trai chúng tôi à lên mừng rỡ rồi chạy vội đi lấy tờ giấy và lần theo từng hạng mục mà làm việc với ba mẹ một cách dễ dàng.

Sau buổi hôm đó, phần đọng lại trong tôi nhiều nhất là cách nói của thầy giáo lúc tới gần nhắc nhở con trai. Thầy bắt đầu bằng “I am not telling you what to do – thầy không biểu con phải làm theo ý thầy đâu nhé”. Cái cách mở lời của thầy làm tôi suy nghĩ, vì nếu đó là tôi, có lẽ tôi chỉ nói gọn lỏn, con đi lấy tờ chương trình hôm trước ra mà làm theo đi.

Và, tôi chợt nhận ra sự khác biệt lớn trong hai cách xử sự ấy, giữa tôi – một người vẫn còn ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền giáo dục khuôn phép và áp đặt, và thầy – một người sinh ra và lớn lên ở môi trường hoàn toàn khác. Theo cách nói của tôi, đứa trẻ ở trong trạng thái bị động, tôi chỉ cho nó một con đường duy nhất là nghe theo lời tôi. Còn nói theo cách của thầy, đứa trẻ được cho cơ hội chọn lựa cách làm. Nó chọn theo cách thầy gợi ý, nhưng là một sự chủ động, là quyết định của chính nó. Hoặc giả nó chọn giải quyết theo cách riêng khác, chắc chắn nó vẫn sẽ được ủng hộ. Bạn nghĩ điều này có tạo nên một sự khác biệt không? Có đó, rất lớn là đằng khác. Nó tập cho đứa bé từ nhỏ xíu đã biết chịu trách nhiệm về hành động của mình, vì nó muốn làm chứ không bị bắt làm. Nó cũng tạo nên sự tự tin cho đứa bé đi trên đôi chân của chính mình chứ không phải đu vào cánh tay của những người lớn bên cạnh.

Những cuộc dạo chơi đầy thú vị với trí tưởng tượng (trong hình là ý tưởng của một em lớp một về việc… làm thế nào để bắt được những vì sao trên trời!)

Và chúng ta cũng chúc con trẻ học giỏi

Ở môi trường giáo dục của Việt Nam, điểm số là quan tâm hàng đầu. Từ khi tôi còn đi học cho đến hôm nay, gần ba mươi năm đã qua mà vẫn không gì thay đổi, thậm chí còn hơn xưa rất nhiều. Trường trường lớp lớp chạy theo mục tiêu của điểm số. Đến mức gần đây, có những lớp học bình thường thôi mà toàn bộ học sinh đều thuộc loại giỏi. Em nào cũng mang về khoe cha mẹ những điểm 10 đỏ tươi. Cha mẹ hãnh diện, thầy cô hài lòng. Tan học ở trường là các em được sắp xếp chạy sô đi học thêm đủ các môn cho đến tối mịt. Tất cả vì điểm số.

Ngược lại, nơi tôi ở, hệ thống giáo dục tiểu học (mẫu giáo tới lớp 7) không có điểm. Như ở trường của con tôi, kết quả học tập được chia ra làm ba hạng, E – Emerging, D – Developing, P – Proficient. (Tạm hiểu là Bắt đầu nắm được khái niệm, Hiểu vấn đề, và Thông suốt vấn đề). Năm đầu tiên tiếp cận với kiểu xếp loại này, tôi cứ thắc mắc trong lòng, không có điểm sao mình biết con đang học như thế nào. Nhưng rồi, tôi đã thấy ra vì sao người ta làm vậy. Với trẻ con, nền tảng kiến thức không cần thiết phải đo lường bằng những con số.

Những năm gần đây, số lượng du học sinh từ các nước đổ vào Canada tăng lên ồ ạt, nhất là các nước châu Á. Phong trào cung cấp chỗ ăn ở cho học sinh du học đã trở nên rất phổ biến cho những gia đình bản xứ muốn kiếm thêm thu nhập. Tôi có nhiều người quen đã làm công việc này suốt gần mười năm nay. Có vài người đã thẳng thắn nói với tôi rằng. “Tao xin lỗi vì mày là người châu Á, nhưng tao nói thiệt là khi chọn học sinh, tao chỉ chọn du học sinh châu Âu, không chọn châu Á”. “Vì sao?”. “Tụi châu Âu nó mạnh mẽ và tự lập hơn rất nhiều. Lo cho tụi nó vui hơn và đỡ vất vả hơn”.

Còn anh bạn tôi người Việt nên thích nhận du học sinh từ Việt Nam qua. Nghe đâu các em ấy học rất giỏi bên Việt Nam, lại con nhà khá giả. Thế nhưng những cô cậu du học sinh mười tám đôi mươi này có một điểm chung, là không người nào biết tự chăm sóc cho bản thân mình. Ví dụ như tự nấu một bữa cơm đơn giản là một điều không tưởng. Hay xếp áo quần cho ngay ngắn cũng là một kỳ công. Gia đình các em ở Việt Nam có vài ba người giúp việc, các em chỉ việc học. Muốn gì thì chỉ cần ra hiệu, mọi việc đều có người lo giúp. Vậy khi các em xa nhà thì sao? Anh bạn tôi đã lâm vào rất nhiều những tình huống dở khóc dở cười. Một lần vợ chồng anh đi vắng, chị kho một nồi thịt kho trứng thật to để sẵn, dặn cô bé du học sinh ở nhà hâm thịt ăn cơm trước, rồi cất nồi thịt vô tủ lạnh giùm. Cô bé đi học về ăn cơm một mình, hâm nguyên nồi thịt to đùng (thay vì múc riêng ra một ít vừa đủ ăn), xong khi nồi thịt vẫn còn nóng hôi hổi, em đem cất vô ngăn mát. Anh chị đi về, hoảng hồn vì hơi nóng vẫn còn bốc nghi ngút, mờ nguyên cả cái tủ lạnh. Một kiến thức cơ bản và nhỏ nhặt hết sức, tưởng như trẻ con cũng biết, là không bỏ đồ còn nóng vô tủ lạnh, thì cô gái học giỏi này đến ngoài hai mươi tuổi mới được học lần đầu tiên! Thật đáng buồn.

Những trường đại học lớn và uy tín ở Canada, từ lâu rồi không còn tuyển sinh chỉ dựa trên điểm tốt nghiệp trung học nữa. Bảng điểm chỉ là một phần của điều kiện trúng tuyển. Các thí sinh phải hội tụ nhiều tiêu chuẩn khác, như làm việc thiện nguyện, thành tích thi đấu thể thao, âm nhạc… . Điểm văn hoá thì đã phải cao rồi, nhưng nếu càng có nhiều thành tựu bên ngoài trường học thì mới càng được để mắt đến. Với họ, cái danh hiệu “học giỏi” không phải là điều quan trọng nhất.

Riêng tôi, đã từ lâu lắm rồi, không còn chúc đứa trẻ con nào ngoan ngoãn và học giỏi nữa. Tôi cầu mong bọn chúng được khoẻ, được vui. Tôi cầu mong chúng có những tư duy riêng, dám nói lên những thắc mắc hay ý kiến của mình cho dù có khác đi với người lớn. Tôi cầu mong chúng có những hoài bão ước mơ, cho dù là ngộ nghĩnh nhất, mà không bị chê cười hay bác bỏ. Tôi cầu mong cho mỗi đứa trẻ được gia đình và nhà trường tập tành cho những kiến thức sống cơ bản nhất. Như vậy, đối với tôi, là đã đủ cho những bước chập chững đầu tiên vào đời.

Tác giả gửi Trí Việt News

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.