Một chuyên gia của Liên Hợp Quốc bày tỏ sự thất vọng trước việc Việt Nam xử tử một tù nhân bị kết án tử hình bất chấp những lời kêu gọi từ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế đòi ngừng thi hành bản án mà họ cho là oan sai. Tử tù Lê Văn Mạnh bị hành quyết hôm 22/9 sau khi bị giam giữ hơn 18 năm. Gia đình của tử tù này không được thông báo về ngày giờ ông bị xử tử trong khi vẫn đang đi kêu oan cho ông. “Tôi cảm thấy lo ngại về việc hành quyết Lê Văn Mạnh bất chấp những lời kêu gọi khoan hồng trước những nghi ngờ sâu sắc về tính công bằng của quá trình xét xử ông ấy và những cáo buộc đáng tin cậy về việc ông (Mạnh) bị tra tấn hoặc bị ngược đãi để buộc phải nhận tội”, ông Morris Tidball-Binz, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các vụ hành quyết phi luật lệ, cẩu thả và tùy tiện, nói trong một tuyên bố được Cao ủy Nhân quyền LHQ đưa ra hôm 2/10. Ông Mạnh bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết tội giết người vào tháng 7/2005. Ông không nhận tội trong toàn bộ 7 phiên tòa xét xử và gia đình gửi hàng trăm lá thư kêu oan cho ông trong suốt gần 2 thập kỷ. Gia đình ông Mạnh nói với VOA rằng ông bị tra tấn và nhục hình để phải viết lời “thú tội” và được dùng làm bằng chứng chống lại ông, dẫn đến việc ông bị kết án tử hình. “Theo luật nhân quyền quốc tế, bất kỳ tuyên bố nào được chứng minh là do bị tra tấn đều không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào,” ông Tidball-Binz nói trong tuyên bố. Các luật sư đại diện cho gia đình ông Mạnh khi gửi thỉnh nguyện thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng trước nói rằng họ “thực sự nhận thấy… các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này”. Chuyên gia của LHQ còn nêu lên quan ngại về việc gia đình ông Mạnh không được thông báo về ngày thi hành án cũng như không có cơ hội đến thăm tử tù trước khi bị thi hành án. Thay vào đó, gia đình ông Mạnh được yêu cầu nộp đơn lên tòa án tỉnh để nhận hài cốt của ông chỉ trong thời hạn 3 ngày. Ủy ban nhân quyền của LHQ, khi đưa ra tuyên bố lên án việc hành quyết ông Mạnh vào tháng trước, nói rằng “việc không cung cấp thông báo kịp thời cho các cá nhân bị kết án tử hình về ngày thi hành án, theo quy định, cấu thành một hình thức ngược đãi, khiến việc thi hành án sau đó trái với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị”. “Tôi quan ngại sâu sắc về tính chất bí mật của việc thi hành án tử hình ở Việt Nam”, ông Tidball-Binz nói trong tuyên bố. “Kết quả là dữ liệu và số liệu thống kê về các vụ hành quyết trong nước (ở Việt Nam) không được công khai”. Theo VOA