Liên minh châu Âu (EU) và Vương Quốc Anh vào ngày thứ Ba (20/5) đã công bố loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, gia tăng chiến dịch gây áp lực lên Moskva đồng thời tăng cường hỗ trợ dành cho Kyiv.
Các biện pháp trừng phạt này được loan báo ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Dù rằng sau cuộc đối thoại, ông Trump cảnh báo rằng việc tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp hạn chế kinh tế đối với Moskva có thể phương hại đến những nỗ lực đạt được hòa bình trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Hội đồng châu Âu – bao gồm nguyên thủ các quốc gia thành viên cùng các chức sắc cao cấp của khối EU – đã thông qua vòng chế tài thứ 17. Bà Kallas, một tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ Moskva trong EU, đặc trách chính sách ngoại giao của EU cho biết sẽ nhắm vào “gần 200 tàu thuộc hạm đội bóng đêm” và nói thêm rằng các biện pháp khác “đang được thực hiện” tại Brussels.
Các viên chức phương Tây cho rằng “hạm đội bóng đêm” cho phép Nga né tránh các nỗ lực do nhóm G7 dẫn đầu nhằm áp đặt mức trần giá dầu thô xuất khẩu. Cùng phối hợp hành động, Vương Quốc Anh hôm thứ Ba (20/5) đã thêm 18 tàu từ cùng một mạng lưới nêu trên của nga vào danh sách trừng phạt.
Ngoài ra, Vương Quốc Anh cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Sàn giao dịch tiền tệ St. Petersburg và cơ quan bảo hiểm tiền gửi nhà nước của Nga, với lý do nhằm cắt đứt các tuyến đường huyết mạch tài chính trọng yếu của Nga. Ngoại trưởng Anh David Lammy tuyên bố rằng các biện pháp này nhằm buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm vì được cho là đã “trì hoãn các nỗ lực hòa bình“.
Tuần trước, các phái đoàn từ Nga và Ukraine đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2022, ban đầu, các quốc gia châu Âu hậu thuẫn Ukraine đã ủng hộ yêu sách của Kyiv về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày trước khi nối lại các cuộc đàm phán, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Nga từ chối. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky sau đó đã rút lại lập trường này do chính quyền Trump bày tỏ ủng hộ đề xuất của ông Putin về việc nối lại đối thoại ngoại giao.
Dù vậy, ông Zelensky vẫn cương quyết yêu cầu ông Putin phải gặp mặt trực tiếp ông tại Thổ Nhĩ Kỳ để chứng minh cam kết đối với hòa bình nhưng Putin đã từ chối. Các viên chức Ukraine tiếp tục kêu gọi mở rộng các biện pháp chế tài, với lý do rằng Nga không tuân thủ các đề nghị hòa bình.
Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump vào ngày thứ Hai (19/5) được cả hai nhà lãnh đạo đánh giá là có hiệu quả. Tổng thống Trump bày tỏ niềm tin rằng ông Putin có thành ý chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung có thể cản trở các nỗ lực hòa giải của phía Hoa Kỳ.
Trong khi đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày thứ Ba (20/5) đã cáo buộc Nga không nghiêm túc tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình và muốn tiếp tục cuộc xâm lược đã kéo dài ba năm, bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn.