Dãy Himalaya hùng vĩ trở nên khó nhìn hơn do ô nhiễm nghiêm trọng
TVN
Navin Singh Khadka lớn lên ở thủ đô Nepal và ngắm dãy Himalaya. Kể từ khi rời đi, anh đã bỏ lỡ những góc nhìn toàn cảnh, bao quát của một số đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất.
“Mỗi lần đến Kathmandu, tôi đều hy vọng được nhìn thoáng qua dãy núi hùng vĩ này. Nhưng dạo này, thường không có may mắn”, ông nói với BBC, đồng thời cho biết thủ phạm chính là ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bao phủ dưới dạng sương mù trên khu vực.
Singh Khadka cho biết: “Điều này thậm chí còn xảy ra trong những tháng mùa xuân và mùa thu, thời điểm trước đây bầu trời quang đãng”.
Chỉ mới tháng 4 năm ngoái, chuyến bay quốc tế của ông đã phải bay vòng trên bầu trời gần 20 lần trước khi hạ cánh xuống Kathmandu vì thời tiết mù sương ảnh hưởng đến tầm nhìn tại sân bay.
“Khách sạn tôi nhận phòng nằm ở độ cao hợp lý, có thể nhìn thấy núi vào những ngày trời quang – nhưng không có ngày nào như vậy trong suốt hai tuần tôi lưu trú”, anh nói.
Ông nói thêm rằng ngay cả từ điểm quan sát chính ở Nagarkot, ngay bên ngoài Kathmandu, tất cả những gì có thể nhìn thấy chỉ là sương mù, như thể những ngọn núi không hề tồn tại.
Yogendra Shakya, người điều hành một khách sạn tại Nagarkot từ năm 1996, cho biết: “Tôi không còn coi nơi này là nơi ngắm cảnh ‘bình minh, hoàng hôn và dãy Himalaya’ như trước đây nữa”.
Shakya nói thêm: “Vì hiện tại bạn không thể có những thứ đó nữa do khói mù, nên tôi đã đổi tên nơi này thành lịch sử và văn hóa vì ở đây cũng có những sản phẩm du lịch đó”.
Trong chuyến đi trước đó một năm trước, Singh Khadka hy vọng anh sẽ có thể nhìn thấy những đỉnh núi hùng vĩ của dãy Himalaya khi đi bộ đường dài ở vùng Annapurna quyến rũ – nhưng cũng chẳng có mấy may mắn.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng sương mù trong khu vực đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn, làm giảm tầm nhìn đáng kể.
Sương mù được hình thành do sự kết hợp của các chất ô nhiễm như bụi và các hạt khói từ đám cháy, làm giảm tầm nhìn xuống dưới 5.000 m. Sương mù vẫn đọng trên bầu trời trong mùa khô – hiện kéo dài hơn do biến đổi khí hậu.
Cách đây 5 năm, một điều kỳ diệu đã xảy ra khi hầu hết các ngành công nghiệp của thế giới ngừng hoặc giảm bớt hoạt động vì dịch Covid-19, giảm ô nhiễm, giúp không khí trong sạch hơn thì nhiều người ở quận Jalandhar, bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ, cách Himalya khoảng 125 dặm (hơn 200 km), rất phấn khích khoe cảnh tượng hiếm thấy lên mạng xã hội cũng như nói về tình trạng ô nhiễm bị cho là nghiêm trọng ở Ấn Độ.
Khi đó Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ xác nhận lệnh phong tỏa đã làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí khiến tầm nhìn xa hơn. Còn ngày nay do nhiệt độ ngày càng tăng, lượng mưa giảm và tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn, những lớp sương mù dày đặc khiến tầm nhìn kém hình thành ngay cả trong những tháng mùa xuân.
Do tính chất thời tiết, không khí ấm nổi trên không khí lạnh khiến các chất ô nhiễm bị mắc kẹt, hạn chế dòng chuyển động dọc của không khí – làm không khí ô nhiễm không thể phân tán dãy Himalaya trở nên khó nhìn hơn ngay trong khoảng cách gần.