Nga: cổ máy tuyên truyền “fact-checking” tung hỏa mù để ủng hộ Putin

TVN

0 172

Sau gần một năm phát động chiến tranh tại Ukraina, tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn được đông đảo người dân Nga ủng hộ. Chưa bao giờ chủ nhân điện Kremlin lại vận dụng triệt để tinh thần yêu nước và bôi nhọ phương Tây thành ác quỷ đến như vậy để bảo vệ mục tiêu của “chiến địch đặc biệt” “giải trừ phát xít” nước láng giềng, đưa Ukraina “về với đất mẹ”.

Trước tiên phải nói đến vai trò quan trọng của những chiến dịch tuyên truyền tại Nga. Ở đất nước mà « chỉ 1/3 người dân có hộ chiếu cho phép ra nước ngoài », thì « càng dễ tưởng tượng ra một phương Tây hiếu chiến vì họ chưa bao giờ nhìn thấy điều đó ngoài các phóng sự trên truyền hình », theo giải thích của giảng viên Anna Colin Lebedev, đại học Paris-Nanterre của Pháp, trong chương trình Tout un monde của đài truyền hình Thụy Sĩ RST ngày 08/02/2023. Ngoài ra, còn phải kể đến chế độ kiểm duyệt thông tin và kiểm soát truyền thông được Nga tăng cường kể từ khi phát động chiến tranh.

Yếu tố thứ hai là lực lượng tự nhận là « xác minh dữ kiện » (fact-checking) nhưng thực chất, theo AFP, là những nhà tuyên truyền thân Nga tìm mọi cách rũ bỏ trách nhiệm của Matxcơva. « Bộ máy tuyên truyền Nga đã có truyền thống lâu đời về fact-checking », theo ông Martin Innes, giám đốc Viện đổi mới an ninh, tội phạm và tình báo thuộc Đại học Cardiff (Anh), nhưng hiện giờ « fact-checking » trở thành công cụ bóp méo thông tin, trong chiến dịch truyền thông được Nga tiến hành song song với cuộc chiến từ một năm nay.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng này là vu khống đối thủ, đánh lạc hướng công luận về các tội ác chiến tranh mà quân nhân Nga bị cáo buộc. Ví dụ gần đây nhất là hình ảnh một tòa chung cư tan hoang sau khi bị trúng tên lửa khiến 46 người chết vào tháng 01/2023 và trở thành biểu tượng của một trong những vụ tấn công tang tóc nhất trong cuộc chiến do Nga phát động. Giới chức Ukraina và chuyên gia phương Tây xác định là đó là do « tên lửa hành trình KH-22 của Nga ». Tuy nhiên, trang web « War on Fakes » (Cuộc chiến chống tin giả) bị chuyên gia phương Tây coi là trang « tuyên truyền của Nga », khẳng định tòa nhà bị trúng tên lửa của lực lượng phòng không Ukraina.

Trang « War on Fakes » trở thành cỗ máy tuyên truyền, một công cụ bóp méo thông tin hiệu quả của Nhà nước Nga. Theo ông Roman Osadchuk, thuộc Atlantic Council, trang này vẫn thu hút công luận vì một mặt luôn tự nhận là « khách quan », « công minh » và có nhiệm vụ chống lại « cuộc chiến thông tin đánh phá Nga » và mặt khác, là do người sử dụng internet luôn dùng « fact-checking » làm nguồn tìm kiếm « thông tin khách quan ». Chương trình « AntiFake » của truyền hình Nhà nước và tài khoản « Fake Cemetery » (Nghĩa địa tin thất thiệt) thân Nga cũng « kiểm chứng chéo thông tin », nhưng là để làm mất uy tín thông tin của truyền thông phương Tây về những thảm kịch chiến tranh, như ở Butcha hay Mariupol.

Tung hỏa mù thông tin cho độc giả
Song song với việc đổ lỗi cho kẻ thù là chiến lược tung hỏa mù, khiến người sử dụng internet ngập trong thông tin. Các nhà phân tích nhấn mạnh đến chiến lược của những thành phần ủng hộ Nga làm bão hòa không gian truyền thông. Cùng một câu chuyện, sự kiện, nhưng có nhiều cách diễn giải khác nhau để sự thật không bao giờ được tiết lộ. Trang « War on Fakes » có « nhiều tuyên bố sai lệch đến nỗi những thông tin kiểm chứng cuối cùng lại hoàn toàn trái ngược nhau », theo giải thích của chuyên gia Jakub Kalensky. Mục đích là « khiến công luận bối rối, ngập trong thông tin ».

Bà Madeline Roache, thuộc tổ chức theo dõi thông tin NewsGuard, cho rằng cuộc chiến thông tin này « có nguy cơ làm mất niềm tin vào những cơ quan truyền thông và các đội kiểm chứng sự kiện chân chính ». Nguy hiểm hơn, việc đó cũng có thể làm sai lệch nhận thức về Ukraina và phương Tây và tạo cảm giác là không thể có được sự thật.

Sự thật có lẽ sẽ chỉ đến từ những người lính từ mặt trận trở về, kể với người thân về điều kiện sống trên chiến trường « không vũ khí, không trang bị, hy sinh trong giao tranh ». Nhưng hiện giờ, họ « bị cấm nói ». Tuy nhiên, bà Anna Colin Lebedev cho rằng những thông tin đó khi đến được tai người dân có thể sẽ làm thay đổi thái độ của công luận, như từng xảy ra với cuộc chiến ở Afghanistan và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất.

Leave A Reply

Your email address will not be published.