Ông Tập Cận Bình đến Moscow, củng cố quan hệ Nga – Trung, Ukraine lo lắng

TVN

0 167

Hôm qua (20.3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Moscow, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga theo lời mời của Tổng thống chủ nhà Vladimir Putin.

Trong cuộc gặp không chính thức tối qua, Tổng thống Putin nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập mang ý nghĩa biểu tượng vì ông chọn Nga là nước để công du đầu tiên sau khi đắc cử nhiệm kỳ mới. Ông Putin cho biết Nga “có chút ghen tỵ” bởi Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, theo TASS.

Lần trước, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Uzbekistan vào tháng 09/2022 bên lề hội một nghị khu vực.

Tờ The Independent ngày 18/03 phân tích về chuyến công du này:

“Dù có những lời nồng ấm về ‘không có giới hạn’ trong mối quan hệ hợp tác, Nga gần như đã trở thành nước chư hầu của Trung Quốc.”

Để chống lại các lệnh trừng phạt từ Phương Tây và tìm cách trụ đỡ cho nền kinh tế, Nga đã gia tăng giao thương với Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Dự kiến các đường ống dẫn dầu, khí đốt và năng lượng sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Putin.

Về tình hình Ukraine, Tổng thống Putin nói với Chủ tịch Tập rằng Nga luôn sẵn sàng đàm phán về tình hình tại Ukraine. AFP trích lời ông Putin cho biết sẽ thảo luận toàn bộ những vấn đề, gồm các sáng kiến của Trung Quốc mà Nga tôn trọng về khủng hoảng Ukraine.

Quan hệ Nga – Trung trong những năm gần đây ngày càng được siết chặt về mặt kinh tế và ngoại giao, nhất là kể từ khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina, nhằm hình thành một mặt trận chung chống phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Với chủ trương thiết lập một đối tác « vô biên » với Moscow, Bắc Kinh không công khai lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, mà chỉ trích Mỹ và NATO là nguồn cội gây bất ổn an ninh cho Nga.

Dù vậy, Trung Quốc gần đây đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraina mở đối thoại cũng như kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, bao gồm cả Ukraina, đề xuất một kế hoạch 12 điểm để giải quyết xung đột Ukraina.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nghi ngờ thực tâm của Bắc Kinh làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến Ukraina, do mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga, cũng như ảnh hưởng có phần hạn chế của Trung Quốc đối với chủ nhân điện Kremlin.

Hiện Ukraine đang theo dõi chặt chẽ chuyến thăm này vì lo sợ Trung Quốc sẽ bán vũ khí cho Nga.

Trước mắt, giới chức Ukraina và nhiều nhà phân tích đánh giá ít có khả năng Trung Quốc sẽ viện trợ xe tăng, chiến đấu cơ, drone, hay dàn phóng tên lửa đa nòng cho Nga trong ngắn hạn. Nhưng Dennis Wilder, một nhà nghiên cứu tại trường đại học Georgetown, khi trả lời trang mạng Radio Free Europe, không loại trừ khả năng Bắc Kinh chi viện những loại vũ khí đạn dược cũ kỹ trong kho mà do Nga sản xuất. Chúng có thể được sử dụng và « chuyển giao một cách bí mật » qua ngả biên giới chung giữa hai nước, hoặc qua một trung gian thứ ba như Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Cũng theo ông Wilder, chỉ cần tháo tên nhãn xưởng sản xuất và thay chúng bằng tên hãng một nước khác, thì « Hoa Kỳ khó thể tìm được chứng cớ rằng Trung Quốc đã có những hoạt động như vậy». Theo ông, không như với drone, việc cung cấp các loại đạn dược cũ kỹ có lợi ở điểm là sẽ cung cấp cho Trung Quốc « một sự chối bỏ hợp lý » trước bất kỳ cáo buộc hoạt động chuyển giao nào trong tương lai.

Leave A Reply

Your email address will not be published.