Phải chăng nước Anh không còn khả năng tự vệ?
Eliot Wilson *
Khi Bức tường Berlin sụp đổ, Quân đội Anh có 152.800 binh sĩ. Chính phủ của Tony Blair cắt giảm con số này xuống còn 110.000; David Cameron đã giảm xuống còn 87.000. Kế hoạch để con số đó giảm xuống còn 82.000 đã được cựu bộ trưởng quốc phòng Ben Wallace đẩy nhanh. Người ta thường chấp nhận rằng vào năm tới con số này sẽ giảm xuống còn 72.500. Đó là một ước tính hào phóng: có những báo cáo đáng tin cậy cho thấy quân đội có thể sớm chỉ còn 67.800 người.
Trong tuần này, Lục quân Anh đang đóng vai trò dẫn dắt trong Chiến dịch Steadfast Defender, cuộc tập trận lớn nhất trong thời bình của NATO. Tuy nhiên, quy mô Lục quân Anh lúc này nhỏ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1790. Quan trọng hơn, Lục quân lại quá nhỏ và quá thiếu trang thiết bị để thực hiện mọi thứ mà London đã cam kết. Câu chuyện về tàu sân bay hàng đầu của Hải quân Anh, HMS Queen Elizabeth, là một minh chứng đáng chú ý. Tuần trước, HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ dẫn đầu một cuộc tập trận của NATO ở bờ biển Na Uy, nhằm cho thấy sức mạnh quân sự của Anh. Nhưng trục truyền động của tàu sân bay này đã bị hỏng. Dù vậy, Anh không phải nước duy nhất gặp vấn đề này: quân đội Đức cũng đang gặp các vấn đề tương tự. Do đó, một cuộc tập trận quân sự nhằm mục đích thể hiện khả năng trực chiến của phương Tây sẽ có tác dụng ngược.
Chiến dịch Steadfast Defender được thiết kế để kiểm tra xem liệu NATO có thể đạt được những gì mà liên minh này đề ra hay không. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga và các nhóm khủng bố,” Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, người đứng đầu nhóm các chỉ huy quân sự của liên minh, nói. Với mục tiêu này, Anh sẽ triển khai 20.000 binh sĩ cho cuộc tập trận, tiếp đến là Ba Lan 15.000, Đức 10.000 và Hà Lan 5.000. Tất cả 31 thành viên của NATO đều tham gia chiến dịch.
Ngoài các vấn đề khác, đây là một phép thử xem binh lính NATO có thể được triển khai kịp thời hay không. Kết quả vẫn rất bất định. Ben Hodges, một cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, cho rằng không có đủ tàu hỏa để vận chuyển quân đủ nhanh trong trường hợp khẩn cấp. “Hiện nay chỉ có thể vận chuyển một và thêm một nửa số lữ đoàn thiết giáp”, Ben Hodges cho biết tại một hội nghị quốc phòng. “Tất cả các kế hoạch của chúng tôi đều nhằm vận chuyển tám, chín hoặc mười lữ đoàn thiết giáp ở châu Âu cùng một lúc.”
Nếu cuộc tập trận của NATO cho thấy rõ sự yếu kém của tổ chức thì Mỹ cũng đã nhận thức được sự thật này. Donald Trump có phần đúng khi cho rằng châu Âu đã lợi dụng chiếc ô quốc phòng của Mỹ quá lâu. Mỹ đã gửi nhiều viện trợ cho Ukraine hơn tất cả châu Âu cộng lại. Nếu Trump tái đắc cử tổng thống và sau đó rút Mỹ ra khỏi NATO, khiến Anh phải tự lo cho bản thân cùng với phần còn lại của châu Âu, thì điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Nước Anh tự hào về việc có một lực lượng quân đội luôn trong trạng thái sẵn sàng, đã trải qua chiến tranh và được triển khai thường xuyên. Nhưng khoảng cách giữa niềm tự hào và hiện thực đang ngày càng mở rộng sau nhiều năm thu hẹp ngân sách và bị ngó lơ. Tình hình đã đủ tồi tệ ở Iraq khi lực lượng Anh tại Basra năm đó phải hứng chịu thứ mà một chỉ huy người Mỹ lúc ấy mô tả là một thất bại. Nhưng tình hình, vốn đã tồi tệ khi đó, giờ đây đã trở nên tệ hơn nhiều.
Lục quân Anh hoạt động dựa trên giả định rằng họ có thể triển khai một lực lượng chiến đấu 25.000 quân ở cấp độ sư đoàn. Điều này là phi thực tế. Ngay cả Tướng Sir Patrick Sanders, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Anh, đã thừa nhận một phần sự thật này. Ông cho rằng “Sẽ xuất hiện những lỗ hổng về mặt năng lực trên con đường đạt được mục tiêu đó”. Tướng Sanders cũng không phải là người ủng hộ chiến lược quốc phòng hiện nay. “Thật kỳ khôi khi đề cập tới việc cắt giảm quân đội trong lúc đối diện với một cuộc chiến trên bộ ở châu Âu.”
Tiếp đến là các vấn đề liên quan đến việc mua sắm quốc phòng. Bộ Quốc phòng liên tục quản lý kém các chương trình lớn trị giá hàng tỷ bảng Anh. Bộ Quốc phòng không bao giờ rút ra bài học và cũng không quy trách nhiệm cho bất kỳ cá nhân nào có liên quan. Lấy ví dụ như dòng xe chiến đấu bọc thép Ajax mới của lục quân. Xe bọc thép Ajax là phương tiện bánh xích hạng trung, có chức năng trinh sát, vận chuyển quân và giúp sửa chữa và thu hồi thiết giáp cùng nhiều khả năng khác. Những xe bọc thép này là một phần của một dự án hợp tác Anh/Mỹ có tên là Tracer, được ký kết vào năm 1996.
Năm 2010, những chiếc Ajax đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2017; đến năm 2020, Ajax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm nhưng các cuộc thử nghiệm đã phải dừng lại vì tiếng ồn và rung lắc quá mức. Một năm sau, Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận “không thể xác định được khung thời gian thực tế” cho chương trình. Dự đoán mới nhất là Ajax sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2028 hoặc 2029, hơn 30 năm sau khi chương trình được khởi động. Do đó, sau gần 30 năm và 3,2 tỷ bảng Anh, không có một phương tiện Ajax nào được đưa vào hoạt động.
Nhưng liệu giới lãnh đạo Lực lượng Vũ trang có nản lòng hay tự phê bình? ‘Dự án này thực sự đã bước sang một bước ngoặt’, bộ trưởng quốc phòng Anh James Cartlidge nói hồi mùa hè năm ngoái. David Williams, thư ký thường trực Bộ Quốc phòng, cũng nhấn mạnh các điểm tích cực. “Xe [Ajax] đã trải qua các cuộc thử nghiệm xác thực người dùng thành công”, ông đã nói như vậy trước ủy ban quốc phòng Hạ viện. Andy Start, Giám đốc điều hành của Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ Quốc phòng, nhận xét về mặt mua sắm trang bị, “bức tranh tổng thể cho thấy sự cải thiện”.
Tất cả những điều này mang hàm ý to lớn. Lục quân đề xuất tái cấu trúc bản thân vào năm tới xung quanh các dự án như Challenger, Ajax và Boxer. Nhưng điều này là không thể vì cả Ajax và Boxer đều chưa được triển khai. Việc kéo dài tuổi thọ của những loại xe thiết giáp cũ là cần thiết. Xe bọc thép chở quân FV430 Bulldog dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai cho đến năm 2030, vốn đã được bàn giao cho Lục quân vào năm 1963.
Việc Bộ Quốc phòng không muốn thừa nhận trách nhiệm đồng nghĩa với việc Bộ này liên tục lặp lại sai lầm. Vào năm 2020, khi các Lực lượng Vũ trang đưa sáng kiến mới nhất của họ vào trong bản Đánh giá Tích hợp, có rất nhiều báo cáo cho thấy rằng có kế hoạch loại bỏ đội xe tăng chiến đấu chủ lực của Lục quân và đưa chúng vào niêm cất. Những khí tài có giá trị như vậy, cần một tổ đội vận hành gồm bốn người cho mỗi xe, bị một số người cho là lỗi thời, không linh hoạt và dễ bị tổn thương, đặc biệt là trước các mối đe dọa không người lái như drone.
Khi Nga xâm chiếm Ukraine, sự cần thiết của các trận chiến quy mô lớn giữa các đơn vị thiết giáp được nhấn mạnh. Ben Wallace cố gắng thuyết phục Hạ viện rằng không có gì thay đổi và cũng chẳng có bất kỳ nghi vấn nào về mặt học thuyết hoặc chiến dịch. “Chưa có ai khuyên chúng ta nên bỏ xe tăng,” Ben Wallace nói. ‘Ukraine đã chứng minh rằng thiết giáp rất quan trọng, và không chỉ cung cấp bảo vệ cơ bản khỏi các loại lựu đạn cầm tay do UAV thả xuống.’Một vài năm trước, quan điểm xe tăng chiến đấu đang trở nên lỗi thời là có thể chấp nhận được. Nhưng bây giờ quan điểm đó không còn hợp lý nữa. Grant Shapps, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi hội chứng Pollyanna. Ông nói rằng quân đội “sẽ không giảm xuống còn 50.000 binh sĩ. Trên thực tế, con số cụ cụ thể hơn là còn 73.000 binh lính cộng với quân dự bị.” Đây là mục tiêu: số lượng thực sự đã giảm dần trong nhiều năm. Nhưng Shapps nói rằng con số không quan trọng. “Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng quân được triển khai trên chiến trường, mà còn về độ mức độ nguy hiểm chết người của lực lượng vũ trang.”
Bộ trưởng Shapps thích nói về việc Anh đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản và Ý để phát triển một mẫu máy bay chiến đấu mới; rằng Hải quân Hoàng gia hiện đang có các tàu chiến lớn chưa từng có trong lịch sử, và rằng Bộ Quốc phòng đang thử nghiệm một vũ khí định hướng năng lượng mới được gọi là DragonFire sử dụng tia laser để hạ các mục tiêu trên không. Tất cả những điều này đều đúng, nhưng chúng không giải quyết cũng như không khắc phục được các thách thức cơ bản: lực lượng vũ trang đang thất bại trong việc tìm kiếm đủ quân số cần thiết và hàng tỷ bảng Anh đang bị lãng phí vào các dự án vô ích.
Nước Mỹ đang trở nên ngày càng bất an hơn. Những năm trước đây, Lầu Năm Góc đã cố gắng không chỉ trích các đồng minh. Nhưng điều này đang thay đổi: các tướng lĩnh Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng cả công khai và đằng sau hậu trường. Mối quan ngại là Anh không còn được coi là sở hữu quân đội Hạng Nhất nữa (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp) và London hiện giờ có vị thế gần hơn với Đức hoặc Ý – các quốc gia có quân đội, nhưng không hiệu quả nhiều nếu được triển khai. Thậm chí một tướng Mỹ nói với Ben Wallace rằng “quân đội Anh chỉ suýt soát ở mức Hạng Hai”. Một tướng NATO từ một quốc gia thành viên châu Âu nói rằng Anh “không thể triển khai một sư đoàn trên chiến trường” và rằng các trang thiết bị của Anh “đang hư hỏng nặng”.
Các đồng minh của Anh không đưa ra những quan sát như trên với mục đích thu hút sự chú ý. Mục tiêu là để nhấn mạnh khoảng cách giữa lời nói và hiện thực và khuyến khích Anh rút ngắn khoảng cách về khả năng quốc phòng trước khi quá muộn. Nếu khả năng của Anh bị hạn chế quá mức thì điều này sẽ gây tổn hại cho tất cả các đồng minh của London. Bộ Quốc phòng Anh, và rộng hơn là chính phủ, đang cố gắng cải thiện tình hình dựa vào những lời hứa, sự trấn an, quá trình định nghĩa lại và những mánh khóe.
Quốc phòng rất đắt đỏ. Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng việc không sẵn sàng đối mặt với sự thật có thể khiến nó trở nên tồi tệ hơn nhiều. Phá vỡ ảo tưởng đồng nghĩa với chọn các nhiệm vụ một cách khôn ngoan và kết hợp chúng với đánh giá thực tế về các nguồn lực mà Anh sẵn sàng cam kết. Đây cũng là cách duy nhất để xây dựng một khung chính sách mạch lạc. Nếu không làm như vậy ngay bây giờ, nước Anh sẽ không thể đóng góp ở thời điểm thế giới cần nước Anh nhất.
- Eliot Wilson là thư ký tại Hạ viện Anh từ năm 2005 đến 2016, bao gồm tại Ủy ban Quốc phòng. Ông cũng là thành viên của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Nguồn: https://www.spectator.co.uk/article/britain-can-no-longer-defend-itself/