Putin thăm Việt Nam, ngoại giao, vũ khí, quan hệ quốc tế
TVN
Một đại diện ngoại giao Việt Nam hôm 18/6 nói chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hoá của Hà Nội, đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia, theo truyền thông trong nước.
Phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi được đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày hôm sau của Tổng thống Nga.
“Chuyến thăm này không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam,” trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Khôi nói tại buổi họp báo. “Đồng thời, chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.”
Đại sứ Việt Nam tại Nga cho biết trong chuyến thăm của ông Putin, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.
Trong lúc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Việt Nam mà một trong những chủ đề được bàn thảo với các lãnh đạo Việt Nam sẽ là mua bán vũ khí, Reuters đưa tin.
Nga đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam trong hàng chục năm và hiện nay Hà Nội đang rất vất vả để thanh toán tiền mua vũ khí cho Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng theo Reuters.
Tuy nhiên theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia về chính trị và an ninh từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, chiến lược vũ khí của Việt Nam trong thời gian tới ‘sẽ là đa dạng hóa nguồn cung vũ khí’ và sẽ tìm hiểu vũ khí của các nước không phải Nga như của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…
Ông dẫn ra việc Việt Nam tổ chức các kỳ triển lãm quốc phòng quốc tế để mời các nước phương Tây đưa vũ khí vào giới thiệu là dấu hiệu cho thấy Việt Nam ‘có sự chuẩn bị khá bài bản’.
“Trong cuộc triển lãm đấy thì các công ty Mỹ tham dự rất đông. Sau khi Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì người Mỹ đã rất chủ động đưa công nghệ quốc phòng đến Việt Nam,” ông Hợp, người nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí, nói và khẳng định ‘Mỹ khích lệ Việt Nam dùng vũ khí của họ’.
Ông chỉ ra việc trong phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hồi cuối tháng Ba ‘có đến hơn 10 doanh nghiệp quốc phòng’. Theo ông, điều đó cho thấy các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ ‘không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng Việt Nam’.
Theo quan sát của ông thì vai trò của vũ khí Nga ở Việt Nam ‘đang giảm dần’. Một nguyên nhân được ông chỉ ra là có những vũ khí Việt Nam đang có mà Nga đã ngưng sản xuất thì Việt Nam ‘không thể mua phụ tùng thay thế được nữa’.
Trong khi đó, trả lời đài VOA về chuyến thăm của Putin sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Ukraine và Việt Nam, Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Oleksandr Gaman cho rằng: Ukraine và Việt Nam có chung cách tiếp cận coi trọng giá trị tối thượng của các nguyên tắc Liên Hợp Quốc trong quan hệ quốc tế. Trong những năm qua, quan hệ Ukraine-Việt Nam ngày càng phát triển dựa trên Hiệp định về nguyên tắc quan hệ và hợp tác giữa Ukraine và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng như Tuyên bố chung của Tổng thống Ukraine và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa Ukraina và Việt Nam. Tôi tin rằng miễn là cả hai nước chúng ta tuân thủ các cam kết, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Ukraine và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của cả hai nước.
Tiếc thay, kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, hợp tác kinh tế giữa Ukraine và Việt Nam đã suy giảm đáng kể. Đây chính xác là tác động trực tiếp từ hành động của ông Putin tới quan hệ giữa Ukraine và Việt Nam.
Nguồn VOA