Đâu Rồi Văn Hóa Xin Lỗi- Từ Chức?

0 708

Nếu trong thế giới văn minh, xin lỗi và từ chức là biểu hiện đạo đức của người đứng đầu và của một thiết chế xã hội, thì thói xấu không xin lỗi- từ chức của quan chức Việt Nam có phải là biểu hiện băng hoại đạo đức của cá nhân và thiết chế xã hội đó?

QUÁ NHIỀU SAI PHẠM

Vào ngày 27-7, cả nước Việt Nam rúng động với thông tin 11 tướng của Bộ Công an và 02 tướng của Bộ Quốc phòng đã được xác định là có những sai phạm từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, và đã được yêu cầu xem xét kỷ luật. Trong số tướng lĩnh đó có 01 thượng tướng của Bộ Quốc phòng, 01 thượng tướng cựu thứ trưởng Bộ Công an, 01 trung tướng đương kim thứ trưởng Bộ Công an. 11 tướng lĩnh công an bị xem xét kỷ luật bằng toàn bộ số tướng của ngành công an vào thời điểm năm 1988.

Và trong ngày 30-7, thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ có biệt danh là “Út trọc”, và thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ có biệt danh là “Vũ nhôm” đã ra hầu tòa vì đã có những phi vụ làm ăn đen đúa, mang tính cướp đoạt tài sản công.

Trước đó nữa, vào đầu tháng 7 và tháng 6-2018, trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Tổng cục cảnh sát của Bộ Công an đã bị khởi tố và bắt tạm giam do đã đồng lõa bảo kê cho đường dây đánh bạc nhiều ngàn tỉ đồng.

11 tướng công an bị khiển trách, kỷ luật và khởi tố, nhưng Bộ trưởng Bộ Công an đã chưa một lần xin lỗi nhân dân. Tại sao lại thế?

Một thượng tướng quân đội vừa bị kỷ luật cảnh cáo do những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng về quản lý đất đai, thế nhưng nhân dân vẫn không nhận được một lời xin lỗi từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại sao lại thế?

Cựu bộ trưởng Bộ thông tin- truyền thông Trương Minh Tuấn được xác định là có những sai lầm nghiêm trọng trong vụ mua bán AVG, đã bị kỷ luật cảnh cáo, đã bị tạm đình chỉ chức bộ trưởng nhưng ông ta vẫn không nói một lời xin lỗi, và thượng cấp của ông ta là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không nói một lời xin lỗi với nhân dân. Tại sao lại thế?

Ngành giáo dục Việt Nam đang bị tha hóa nặng nề, có quá nhiều vụ việc tai tiếng mà điển hình là gian lận thi cử vừa qua, thế nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục- đào tạo không một lần lên tiếng xin lỗi công chúng. Tại sao lại thế?

Mặc dù ngành y tế có nhiều sai phạm, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tại vị và chưa một lần xin lỗi

Ngành y tế đã tụt dốc không phanh với những thảm nạn thuốc giả, sự cố dẫn đến những cái chết oan khuất khiến công luận phẫn nộ nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chưa một lần xin lỗi nhân dân. Tại sao lại thế?

Trong lĩnh vực giao thông, các công trình BOT giao thông có hàng chục trạm thu phí được đặt sai địa điểm có chủ đích nhằm tận thu- cướp đoạt làm giấy lên phong trào phản kháng BOT lan rộng trên toàn quốc, các con đường huyết mạch mau chóng xuống cấp trầm trọng chỉ sau một thời gian được nghiệm thu, thế nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng chưa một lần xin lỗi nhân dân. Tại sao lại thế?

Nhiều bộ ngành khác, nhiều địa phương đã để xảy ra những chuỗi vụ việc chua xót và cay đắng nhưng người đứng đầu các bộ ngành và địa phương đã không nói lời xin lỗi nhân dân. Tại sao lại thế?

TẠI SAO LẠI “KHÔNG”?

Từ xa xưa Việt Nam đã có câu tục ngữ “Con dại cái mang” nhằm khẳng định rằng  khi con cái đã làm điều dại dột, sai trái thì cha mẹ là những người đầu tiên có lỗi và gánh chịu trách nhiệm do đã giáo dục con cái không được chu toàn.

Trong thế giới hiện đại, khi một công chức cấp dưới làm sai hay vi phạm pháp luật dẫn đến những hậu quả tai hại, người đứng đầu sẽ lên tiếng chịu trách nhiệm và xin lỗi công chúng, và nhiều người đứng đầu đã nhanh chóng từ chức. Đó là những ứng xử văn minh và lịch thiệp.

Nói lời xin lỗi nhân dân thì có gì nặng nhọc lắm đâu mà không thể cất lên được? Tại sao không nói?

Có phải vì những người đứng đầu trong chính phủ Việt Nam tự coi mình là quan chức cao cấp uy nghi trọng vọng nên không thể nói lời xin lỗi với nhân dân đen đúa? Hay họ không có văn hóa xin lỗi? Hay họ thấy không cần thiết phải xin lỗi? Có phải quan chức Việt Nam từ lâu đã có tính cách ngạo mạn nên họ không quan tâm đến phản ứng giận dữ của công chúng, do đó họ không nhận trách nhiệm về sai phạm của cấp dưới, không nói lời xin lỗi và không từ chức?

Một luật gia là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người có nhiều năm làm việc trong chính quyền Việt Nam cho rằng, quan chức Việt Nam sẽ không bao giờ nói lời xin lỗi nhân dân vì những sai phạm của cấp dưới, vì họ đổ lỗi rằng, sai phạm xảy ra là do cấp dưới thực hiện. Và nguyên nhân quan trọng nhất chính là, nếu họ nói lời xin lỗi thì chính họ thừa nhận mình năng lực quản lý yếu kém, mình đã sai phạm. Và điều này khiến họ có thể mất chức vụ vốn đưa đến cho họ những thu nhập ngầm rất lớn.” Họ không nói lời xin lỗi, họ không từ chức vì họ muốn có thêm thật nhiều tiền, tham quyền cố vị. Nếu quan chức không biết nói lời xin lỗi với nhân dân, và không có văn hóa từ chức, Việt Nam vẫn mãi đắm chìm vào con đường đau khổ.”, vị luật gia này khẳng định.

Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, lòng tự trọng của quan chức là một câu chuyện có thật. Quan thanh liêm là bằng chứng của lòng tự trọng ấy. Sử sách và dân gian vẫn lưu truyền hàng trăm huyền thoại về những vị quan thanh liêm, một lòng vì dân vì nước. “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An đã dũng cảm cáo quan hồi hưu sau khi  can gián không thành việc dung dưỡng và dung thứ những tham quan ô trọc. Đại thần Nguyễn Trãi, dù đang trên đỉnh cao danh vọng, vẫn cáo quan hồi hương để phản đối những chính sách hà khắc của nhà Lê. Viên quan ngông nghênh Nguyễn Công Trứ dù nhiều lần bị bãi chức và được phục chức nhưng cuối cùng đã chọn con đường cáo quan hồi hương để không bị đối diện với những mục ruỗng ở chốn quan trường. Có thể nói, từ xa xưa, dù ít ỏi và thưa vắng, nhưng quan lại Việt Nam đã tạo nên văn hóa cáo quan- một thuật ngữ tương đồng với thuật ngữ từ chức hiện nay.

Nhưng văn hóa cáo quan đã hoàn toàn biến mất, văn hóa xin lỗi- từ chức đã không xuất hiện và nảy nở khi Việt Nam bước vào thời kỳ thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã cải thiện đời sống vật chất cho đa số người dân và mang lại nhiều bổng lộc ngầm cho quan chức. Nếu trong thế giới văn minh, xin lỗi và từ chức là biểu hiện đạo đức của người đứng đầu và của một thiết chế xã hội, thì thói xấu không xin lỗi- từ chức của quan chức Việt Nam có phải là biểu hiện băng hoại đạo đức của cá nhân và thiết chế xã hội đó?

Tác giả gửi Trí Việt News

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.