Hiệp Sĩ Tự Phát Và Tinh Thần Trượng Nghĩa

0 617

Người miền Nam hay người Sài Gòn trước biến cố năm 1975, không ai dùng từ “hiệp sĩ”; và cũng không hề có các hiệp sĩ, một địa vị cấp thấp hình thành từ thời Trung cổ trong văn hóa phương Tây và một số quốc gia khác. Sự việc hai hiệp sĩ bắt cướp ở Sài Gòn bị bọn tội phạm đâm chết, bỏ qua yếu tố pháp lý-hình sự của sự việc này, xét đến cụm từ: “Hiệp sĩ” và giá trị ý nghĩa kèm theo, rõ ràng đã có sai lệch; vì hiệp sĩ là thứ tước hiệu, tước vị được phong cho một nhân vật bởi một triều đình phong kiến và có khi tước hiệu, tước vị này còn được kế thừa trong dòng họ, gia tộc.

Một lần nữa, cần tường tận là, các bậc nghĩa hiệp ở miền Nam – Sài Gòn xưa không phải là các hiệp sĩ như ý nghĩa văn hóa phương Tây, và cả tinh thần phụng sự cũng khác hẳn với các hiệp sĩ quý tộc ngoài đời thật hay trong phim ảnh, tiểu thuyết. Hầu hết các bậc nghĩa hiệp ở đất Nam Kỳ-Lục Tỉnh xưa kia không một ai tự phong danh hiệu hoặc nhằm tìm danh hiệu qua các nghĩa cữ hành động hào hiệp của họ. Dân lành chỉ bày tỏ lòng tri ân, sự cảm phục chớ không ai ca tụng họ bằng danh hiệu, thậm chí khi gọi họ bằng các đại danh cũng khiến người gọi và người được ca ngợi thấy lố lăng.

Tánh người miền Nam xưa khiêm cung từ trong cách bày tỏ cảm xúc hay kính phục giá trị của người và việc trượng nghĩa. Người ra ân cứu giúp kẻ hoạn nạn cũng coi đó là việc bình thường cần phải làm; trong tác phẩm Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã đề cao: “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Như vậy, có thể hiểu, từ mấy trăm năm qua thấm đẫm trong ý thức, khí huyết hầu hết người miền Nam luôn có cội nguồn tinh hoa văn hóa nghĩa khí – hào hiệp. Từ nông dân nghèo, phú ông tốt bụng, trí thức Nho học, Tây học; đến thương nhân đàng hoàng… đều hướng đến lý tưởng sống hết lòng với giá trị tinh hoa: trọng nhân-nghĩa, hào hiệp… với bà con làng xóm và cộng đồng.

Ở một góc nhìn khác. Câu hỏi mở ra là vì sao căn cội-bổn tánh người miền Nam lại đặc biệt có giá trị văn hóa-văn minh đó. Các nhà sử học, các nhà văn hóa đều đã dẫn ra nguyên nhân về lịch sử mở cõi phương Nam để khai sáng câu hỏi trên. Trong đó, một trong những căn cơ chính, đây là cộng đồng di dân tự do phát xuất từ người dân miền ngũ Quảng, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam, Quảng Nghĩa (sau đổi là Ngãi) lập nghiệp từ thế kỷ 17, 18. Ở vùng đất hoang vu mới đến lập nghiệp, hệ thống pháp quyền của triều đình nhà Nguyễn chưa đủ để duy trì công lý cho mọi người di dân; thì tự thân các cộng đồng di dân khởi phát văn hóa công đạo qua hành động hiệp-nghĩa, vừa để duy trì lẽ công bằng vừa làm thước đo giá trị văn hóa của con người.

Chính từ việc thể hiện, tôn vinh tinh thần công đạo đã hình thành nên nền tảng văn hóa nghĩa hiệp và đã truyền đời qua lịch sử và giai thoại các tấm gương sáng về các bậc trượng nghĩa của người miền Nam. Trở lại với câu hỏi đang gây hoang mang trong dư luận hiện nay: Phải chăng tinh thần văn hóa hào hiệp-nghĩa khí… đã lụi tàn?

Một buổi sáng Sài Gòn, người đàn ông có tật chân, bán vé số, lăn bánh chiếc xe lăn đến chỗ chúng tôi ngồi uống cà phê bên vỉa hè; ông bật khóc. Điều duy nhất mà gương mặt mếu máo tuyệt vọng của ông muốn nói với mọi người là “Tụi nó giật hết vé số của tui rồi!”. Tất nhiên sẽ có người gật gù thương cảm; cũng như sẽ có người nhìn ông bằng sự hoài nghi. Ở Sài Gòn, thời nay, chuyện người tàn tật đi mua bán mưu sinh bị cướp hết hàng hóa, tiền bạc cũng không lạ! Kể cả không lạ chút nào khi có người nghi ngờ chuyện chính họ dàn cảnh diễn “thê lương” để dối gạt, nhằm xin tiền bá tánh nhẹ dạ. Một người đàn bà, trên đường đưa con đi học, dừng lại hóng chuyện đã móc túi lấy ra tờ 10.000 đồng cho người đàn ông tàn tật bị cướp vé số. Chứng kiến chuyện cho tiền, ông N, một người gốc Hoa, nói.

– Kiểu này lỵ đó chỉ cần đi vòng vòng khóc hết buổi sáng là đủ vốn.

Một người khác lại nói mỉa:

– Đủ sao được ông, còn phải tính có dư để lo chuyện đóng thuế thu nhập chớ.

Vì sao có người ngày nay lại trở nên thờ ơ dửng dưng như vậy? Những người Sài Gòn cố cựu, đều nhớ, người dân đô thị này vào thời trước luôn sẵn lòng giúp đỡ người cơ nhỡ, bị tai nạn hay bị cướp giật. Văn hóa đỡ đần đùm bọc không phân biệt đó, đã trở thành bản tánh rộng lòng hào hiệp truyền đời.

Tất nhiên cơ chế chính quyền nào cũng có lực lượng hành pháp để bảo đảm an toàn, yên ổn cho cộng đồng dân cư nhưng mặt khác tinh thần tương thân tương ái, cứu giúp người vẫn luôn là giá trị nhân văn cao cả cần phải nuôi dưỡng, bồi đắp. Các thế hệ người Sài Gòn trước, ngay bài học trong sách giáo khoa đầu đời đã được dạy ra đường thấy đinh nhọn miểng chai thì phải tự giác lượm bỏ, giúp người khác tránh đạp phải, thấy người già yếu, phải nhường đường, giúp họ qua đường, nhường ghế trên xe bus… Từ những việc nhỏ vì cộng đồng đó mà sau này khi trưởng thành từng người sẽ có trách nhiệm tạo dựng giữ gìn các giá trị cá nhân sao cho hài hòa với nét đẹp văn minh cộng đồng.

Có người hỏi rằng, vậy thời trước, người Sài Gòn có các kiểu nhóm đội như “tổ tự quản an ninh”, “đội hiệp sĩ bắt trộm cướp”… không? Tất nhiên mỗi thời mỗi khác, thời nay hơn 43 năm hòa bình, chế độ Hà Nội được gọi là cai trị theo pháp quyền nhưng với hệ thống công an mà theo thống kê cứ 16 người dân có một công an kiểm soát mọi việc của cuộc sống công dân, thì điều lạ là tại sao lại còn chồng thêm, dựng thêm các tổ-nhóm tự phát với đặc tính thực thi quyền lực hành pháp đó nữa? Chỉ có thể giải thích rằng thể chế pháp luật bất lực, sự điều hành pháp trị vô trách nhiệm.

Thật thiếu sót khi các phương tiện truyền thông đề cao thành tích các hành động tự quản an ninh, hiệp sĩ đường phố… chống trộm cướp mà bỏ rơi các trường hợp thường dân sức yếu, thế cô, bị côn đồ hiếp đáp hành hung… Sự bỏ rơi đó không những gạt bỏ các số phận đáng được cứu giúp hơn hết mà còn cho thấy sự vô tâm và yếu kém tinh thần hào hiệp, tương thân tương ái của các cộng đồng dân cư, do ảnh hưởng sự thiếu hoặc vô trách nhiệm của chế độ.

Cần phải nhấn mạnh. Với người cô thế cần được cứu giúp, người không gặp may mắn, họ không cần đến các nhóm tự quản, đội hiệp sĩ; nhưng một khi cộng đồng cư dân nơi họ sống và làm việc dửng dưng hoặc ngó lơ trước vấn nạn của họ thì điều đó gần như cho thấy con người dù là trí thức hay ít học, giàu có hay nghèo hèn, có quyền lực hay thường dân… tất cả đang dần mất đi hoặc tự hủy hoại tính người nghĩa khí-hào hiệp cao thượng. Mất đi nền tảng căn cội đó, không chỉ người miền Nam mà cả dân tộc còn biết tựa vào đâu để sáng ý thức làm người chân chính bây giờ?

Tác giả gửi Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.