Người Việt và những thông báo khác nhau khi giao thiệp

0 188

Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên nêu ra những nhận xét xác đáng về ý nghĩa kép trong hành vi cử chỉ của người mình.

Ví dụ thì chúng ta đều biết, bài “Gì cũng cười “ trong đó có đoạn: (..) ” xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.
Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế..”.

Dưới đây là một bài viết của Phạm Quỳnh trong đó ông cũng lật ra những gì tiềm ẩn đằng sau cái thái độ gọi là lễ phép, tôn trọng kẻ khác mà nhiều người Việt hàng ngày thực hành nhưng lại không có ý thức một cách đầy đủ.

CÁCH LỄ PHÉP CỦA NGƯỜI MÌNH
Người ta ở trong xã hội, trong khi giao tế với nhau, cần phải có lễ phép, dẫu đối với người cao hơn mình, người ngang bằng mình hay người thấp kém mình cũng vậy, kẻ khôn khéo thời tùy nghi mà gia giảm, nhưng bao giờ cũng phải có lễ nhượng (theo Từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn là lễ phép, khiêm tốn VTN chú) mới là người có giáo dục.

Nhưng giữ lễ phép không phải là tự làm đê hạ (thấp hèn —VTN chú) mình đi mới là tôn trọng kẻ khác, không phải là tự nằm rạp xuống đất hay uốn gẫy mình làm đôi, mới rõ là mình kính trọng người ta.

Cách lễ phép như vậy thời một là giả dối, hai là đê hèn, đều đáng khinh bỉ cả, tưởng người được hưởng sự lễ phép ấy nếu biết cũng nên khinh trước mới là phải.

Xét trong cách lễ phép của người mình phần nhiều như thế cả. Đối với người dưới thời đã tuyệt nhiên không có chút lễ phép gì, thường lấy sự thô bỉ, tàn nhẫn mà đãi kẻ kém mình, đối với người trên thật đê tiện quá chừng.

Rụt rè, khúm núm, gãi đầu, gãi tai, bẩm bẩm thưa thưa, vâng vâng dạ dạ, coi lời ăn tiếng nói, dáng đứng cách ngồi, tưởng phàm người biết trọng cái phẩm giá con người không ai tự hạ đến thế. Mà thật những người ấy không biết lòng danh dự là cái gì.

Lòng danh dự là biết tự trọng mình, trọng cái nhân cách của mình: người ta là người, mình cũng là người, không lẽ có một người đối với một người mà phải tự coi mình như con giun, con dế, dẫu người kia có oai quyền thế lực đến thế nào nữa mặc lòng. Vả lại muốn biểu cái lòng tôn trọng với người hơn mình, không phải là tự hạ mình mới là kính trọng người, tự hạ mình đi là làm hạ giá cả cái lòng kính trọng của mình, không những th, tức là khi (khinh bỉ — VTN ) người ta nữa, vì tự hồ như cho người ta là hẹp lượng lấy những cách khúm nhúm quy lụy của mình làm chân thành vậy.

Phạm Quỳnh (Danh dự luận).

Trích theo Sách giáo khoa “Giảng văn nghị luận” của Lam Giang, in ở Sài Gòn trước 1975, trang 30, 31

Theo facebook: VƯƠNG TRÍ NHÀN 

Leave A Reply

Your email address will not be published.