Nghe ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo giải thích về “giá dịch vụ đào tạo”, mới giật mình đọc lại Luật Giá (cái tên nghe cũng có gì đó… sai sai!) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Lại một lần nữa, giống như trường hợp của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, dù dư luận tiếp tục nổi giận với phát ngôn của ông Nhạ nhưng phải thừa nhận rằng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng nói có cơ sở, vì Mục c, Khoản 1, Điều 19 của Luật này ghi: “Nhà nước định mức giá và khung giá cụ thể đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước”. Đồng thời, trong quy định về các loại hàng hóa, dịch vụ THIẾT YẾU tại Khoản 3, Điều 4 của Luật này, cũng hoàn toàn không có hai lĩnh vực THIẾT YẾU liên quan đến con người là Giáo dục và Y tế! (Nguyên văn: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”).
Một điều hầu như chắc chắn là nếu hỏi ra, phần lớn người dân sẽ không biết về Luật Giá cũng như Luật Phí và Lệ phí, mà cũng chẳng biết chúng được thông qua từ lúc nào! Đây là một ví dụ cho thấy trong thể chế chính trị hiện nay, dân chúng thường bị đặt đứng ngoài quá trình làm luật và ngay cả khi phổ biến luật. Một ví dụ khác là câu chuyện thời sự về “Dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” (tạm gọi tắt là Dự luật Đặc khu kinh tế) đang được dư luận đặc biệt quan tâm mấy ngày nay.
Nếu căn cứ theo Điều 126 Luật Đất đai sửa đổi 2013 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế trong nước, nước ngoài là không quá 50 năm và tối đa là 70 năm với những dự án đầu tư lớn ở các vùng khó khăn đặc biệt, khả năng thu hồi vốn chậm (như lý do được nêu ra để xét cho dự án Formosa ở Hà Tĩnh trước đây). Chỉ những trường hợp xây dựng trụ sở làm việc của các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao mới được giao đất không quá 99 năm. Vậy nay vì lý do nào mà Dự luật Đặc khu kinh tế lại đề xuất thay đổi vượt khung thời hạn giao đất cho các dự án đầu tư vào khu vực này so với quy định đã có của Luật Đất đai? Nếu đã xác định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 4, Luật Đất đai) thì tại sao không thực hiện trưng cầu dân ý khi đưa ra đề xuất thay đổi quan trọng như thế về thời gian giao đất?
Tạm bỏ qua chưa bàn đến yếu tố cần thiết hay không cần thiết có mô hình đặc khu kinh tế để phát triển vì Chính phủ có quyền bảo vệ lập luận của mình và Quốc hội có quyền tán thành. Nhưng các vị trí được chọn lựa để xây dựng đặc khu cũng là vấn đề cần phải được nhân dân góp ý trong bối cảnh chủ quyền lãnh thổ và an ninh của chúng ta trên Biển Đông đang bị “bạn vàng” ở phương Bắc đe doạ thường xuyên. Điều gì sẽ xảy ra khi những vị trí trọng yếu để canh gác vùng biển của Tổ quốc bị các đặc khu án ngữ với quy chế “bất khả xâm phạm” kéo dài hàng thế kỷ? Và lấy gì để đảm bảo rằng các đặc khu không trở thành những “con ngựa thành Troy” trong trường hợp người Trung Quốc ồ ạt kéo đến làm ăn và sinh sống ở đó? Hãy nhìn quanh các quốc gia trên thế giới và ngay cả tại khu vực châu Á ngày nay, không nước nào lại dám cắt đất ven vùng biên giới biển để xây dựng cơ chế đặc khu trong thế kỷ 21 (ngoại trừ Campuchia đã chấp nhận cho Trung Quốc đầu tư gần 10 tỷ USD để kiểm soát hơn 1/4 diện tích bờ biển của quốc gia này bằng các dự án cảng biển quốc tế cùng một số tổ hợp du lịch phức hợp. Và đây lại càng là một lý do để chúng ta phải thêm cảnh giác!).
Vì thế, nhìn lại việc xây dựng Dự luật Đặc khu kinh tế, không ai biết nó được hình thành theo quy trình nào và cũng không hiểu sao nó lại cần được ráo riết thông qua lúc này? Nhiều phỏng đoán được đưa ra như: Do khả năng phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị và đây là cái giá phải đánh đổi. Hoặc do quyền lợi của các nhóm lợi ích. Hoặc do những mưu toan củng cố quyền lực của phe phái nào đó v.v… Tuy nhiên, tất cả cũng đều là những giả thiết vì có thể làm được gì hơn khi người dân không những không có cơ chế để tham gia vào quá trình xây dựng luật mà còn hoàn toàn mù mờ về hiệu quả hoạt động của một chính phủ điều hành đất nước không dựa trên nguyên tắc công khai và minh bạch.
Đáng nói là ngay cả khi Quốc hội còn đang thảo luận và chưa bỏ phiếu thông qua, nhưng ông Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trấn an nhân dân “không nên quá lo lắng” và còn giải thích rằng “làm đặc khu là theo đúng nguyên lý “dọn chỗ” để thu hút “phượng hoàng” đến làm tổ” (!?). Rốt cuộc, cũng như bao nhiêu lần trước đây, dù dân có phản đối quyết liệt cỡ nào, các động thái của những người đứng đầu Quốc hội cũng cho thấy Dự luật này gần như sẽ được “nhất trí thông qua”. Làm sao có thể trông đợi gì hơn ở một Quốc hội không thực sự do dân bầu ra mà cơ cấu thành phần lại có đến 95% đại biểu là đảng viên của đảng độc quyền lãnh đạo đất nước? Và ngay cả cái tỷ lệ 5% còn lại đó cũng phải do “đảng cử”!!!
Chưa dám nói đến ước mơ về một mô hình “tam quyền phân lập” như các chế độ dân chủ phương Tây, chỉ riêng cách thức xây dựng và ban hành luật ở Việt Nam hiện nay cũng đã cho thấy rằng nó chỉ thể hiện ý chí của nhà cầm quyền chứ không phải thực hiện ý chí của nhân dân! Chẳng biết khi nào có thể hy vọng được nhìn thấy một câu khẩu hiệu đơn giản mà mạnh mẽ tương tự thế này tại Quốc hội Việt Nam, như tôi đã nhìn thấy ở toà nhà Quốc hội Úc: “The Senate, together with the House of Representatives, makes laws for the Australian people” (Thượng viện, cùng với Hạ viện, làm luật cho nhân dân Úc).
Vâng, làm luật là phải làm cho nhân dân, chứ không thể làm vì quyền lợi của bất cứ đảng phái hay phe nhóm nào! Đó mới là bản chất của một nhà nước tiến bộ, thực sự dân chủ và vì dân!
Tác giả gửi Trí Việt News