Số phận của Putin có như những nhà độc tài bại trận?

TVN

0 194

Lịch sử cho thấy các chế độ độc tài rất dễ tổn thương khi bị bại trận : Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều sụp đổ sau cuộc chiến. Nga thua Nhật năm 1905 do đánh giá quá thấp đối thủ, còn năm 2022 sau khi gây chiến với Ukraina, số phận Putin sẽ ra sao ?

Nhật Bản 1905, Ukraina 2022 : Nga thất bại vì khinh địch

Bài phân tích của Les Echos khẳng định « Các nhà độc tài không thể sống sót sau những cuộc chiến thất bại ». Tác giả bài viết mạnh dạn so sánh chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và cuộc chiến ở Ukraina năm 2022. Đã có biết bao thay đổi trong 117 năm qua, về quân sự lẫn địa chính trị. Nhưng trong cả hai trường hợp, Nga đã chọn lựa chiến tranh với một đối thủ được cho là yếu hơn rất nhiều, và cả hai cuộc phiêu lưu quân sự đã diễn ra rất tệ hại – cho dù kết luận này có phần vội vã trong cuộc xâm lược Ukraina.

Trận hải chiến Tsushima là chiến thắng đầu tiên của một hạm đội châu Á trước châu Âu trong lịch sử hiện đại. Hải quân Nhật chiến đấu theo kiểu Anh, mạnh hơn và nhất là được chỉ huy tốt hơn Nga. Năm 2022, không thắng nổi Kiev coi như Matxcơva đã thất bại, trong khi người Nga vẫn tự cho mình là thượng đẳng so với người Ukraina.

Các chính quyền toàn trị rất dễ tổn thương khi bị bại trận. Cả Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều không tránh khỏi số phận này. Năm 2022, chiến xa Ukraina chưa và sẽ không tiến vào cửa ngõ Matxcơva như xe tăng Liên Xô vào Berlin, nhưng việc Putin có sống sót về chính trị hay không đã được bàn luận. Cuộc chiến tranh là cuộc chiến « của Putin ». Chính ông ta đã quyết định, đã tiến hành và đã « thua », Putin là người trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm ngàn người, và việc hàng triệu người khác phải di tản.

Chính Putin là mối đe dọa của nước Nga

Tác giả bài viết những ngày gần đây tại Berlin đã có dịp lắng nghe tranh luận của những người Nga đã buộc lòng phải chạy khỏi một đất nước không còn nhận ra được. Đa số cho rằng không nên nói đó là chiến tranh giữa Nga và Ukraina, mà là một cuộc chiến do Putin tiến hành chống lại Ukraina. Họ cũng bi quan dự báo có lẽ phải lưu vong chừng mười năm hoặc hơn nữa.

Không thể không liên tưởng đến câu nói của tổng thống Emmanuel Macron « bảo đảm an ninh cho Nga ». Ai có thể đe dọa nước Nga ngày nay ? Chẳng lẽ là sự kháng cự của quân đội Ukraina, hay sự hiện diện ở biên giới của NATO, một liên minh phòng vệ ? Ngược lại, chính cách suy nghĩ và tính toán của ông chủ điện Kremlin mới nguy hiểm cho nước Nga, một lối suy nghĩ chừng như hoang tưởng. Tóm lại, mối đe dọa chính đang đè nặng lên cả nước là bản thân ông Putin.

Năm 1905, hội nghị San Francisco đã kết thúc cuộc xung đột Nga-Nhật. Chiến thắng của hạm đội Nhật Bản trước Nga đã tạo cơ hội cho nước Mỹ của tổng thống Theodore Roosevelt bước vào sân chơi của các « ông lớn », áp đặt giải pháp ngoại giao cho hai bên tham chiến. Emmanuel Macron ngày nay muốn đóng vai trò của Roosevelt xưa kia, Paris cũng là một San Francisco cho một hội nghị hòa bình mang tính quyết định ? Một tham vọng đáng quý, nhưng nước Pháp năm 2022 không phải là nước Mỹ năm 1905. Đó là một cường quốc mà những đề nghị lưng chừng bị phản đối ngay trong nội bộ.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.