Tôi Sẽ Gọi Tên Gì Cho Dân Tộc Tôi Đây?

0 532

Khi điểm qua và ghép lại những mảnh puzzle “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc thành một bức tranh toàn cảnh, tôi rùng mình sợ hãi về âm mưu thâm độc thực dân kiểu mới của nước này.

Lúc nhỏ ở Việt Nam, tôi thường nghịch mấy con bạch tuộc con trên nền xi măng. Tuy nhỏ nhưng sức hút các vòi của chúng mạnh ghê gớm. Chúng bám chặt vào nền, rứt không ra, cả khi chúng bám vào ngón tay tôi. Tôi liên tưởng và nhớ đến hình ảnh đó, với ám ảnh bây giờ là con bạch tuộc khổng lồ với bộ vòi to mạnh vươn ra toàn cầu, nhanh như vũ bão, khiến con mồi của nó, dù yếu đuối nhỏ bé, hay cường quốc hùng mạnh cũng không ngờ…

Tại Việt Nam, Trung Quốc tràn ngập các tỉnh thành. Họ đến Việt Nam không chỉ để du lịch. Họ còn hợp thức hoá cư trú bằng cách kết hôn với người Việt và mua hàng loạt bất động sản. Cảnh báo vài năm trước đây của một người Nhật sống ở Việt Nam: “Kế hoạch “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc gồm nhiều hành động nhỏ, từ việc thâu tóm và biến các công ty Việt Nam thành công ty Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện người Trung Quốc tại Việt Nam; cho tới việc đẩy mạnh đầu tư lớn trên khắp đất nước, đặc biệt khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế – nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dải đất hình chữ S (bề rộng chỉ khoảng 40km). Chiến dịch di dân âm thầm xâm nhập lãnh thổ Việt Nam là bước nhỏ tạo bàn đạp để người Trung Quốc đồng hóa cũng như gây nhiễu trật tự xã hội tại đất nước các bạn. Trên dải đất hẹp nhất của Việt Nam, họ muốn dần thay thế người Việt bằng người Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu chia cắt Việt Nam và mưu chiếm Biển Đông. Bởi vì từ căn cứ quân sự Du Lâm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam đến Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) của đất nước các bạn chỉ khoảng 320-350 km theo đường chim bay. Do đó, họ dễ dàng thực hiện âm mưu chia cắt hai miền Nam Bắc trên cả đường bộ lẫn đường biển”.

Trong bài báo đăng trên Project Syndicate, giáo sư Brahma Chellaney viết: “Tháng 12-2017, Sri Lanka không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc. Quốc gia này buộc phải chính thức bàn giao cảng Hambantota chiến lược của họ cho Trung Quốc. Đây là bằng chứng về chiến lược ngoại giao bằng “bẫy nợ” cực kỳ lợi hại của Bắc Kinh – một nước cờ quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Tập Cận Bình gọi đó là “Dự án của thế kỷ”. Không giống như các khoản cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản cho vay của Trung Quốc được đảm bảo bởi các tài sản tự nhiên có tầm quan trọng chiến lược với giá trị dài hạn cao (ngay cả khi các tài nguyên ấy thiếu giá trị kinh tế hiện thời). Ví dụ, cảng Hambantota chiến lược của Sri Lanka nằm giữa các tuyến thương mại liên kết Ấn Độ Dương với châu Âu, châu Phi, Trung Đông đến châu Á. Để đổi lấy tài chính và cơ sở hạ tầng mà các quốc gia nghèo hơn cần, Trung Quốc đòi hỏi sự tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ tài nguyên khoáng sản cho đến các cảng biển chiến lược.

Năm 2015, một công ty Trung Quốc ký được hợp đồng thuê 99 năm đối với cảng nước sâu Darwin của Úc – nơi đóng quân của hơn 1.000 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ – với giá trị 388 triệu USD (506 đôla Úc). Tương tự, sau khi cho quốc gia châu Phi Djibouti vay hàng tỷ đôla đến mức ngập nợ, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại đây năm 2017. Căn cứ này tuy nhỏ nhưng mang tính chiến lược quan trọng, chỉ cách căn cứ hải quân Mỹ vài kilomet – cơ sở quân sự thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Bị mắc kẹt trong khủng hoảng nợ, Djibouti không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho Trung Quốc thuê đất với giá 20 triệu USD/năm. Trung Quốc cũng sử dụng “bẫy nợ” đối với Turkmenistan (một quốc gia Trung Á) để khai thác khí tự nhiên của nước này thông qua đường ống dẫn mà phần lớn dẫn sang Bắc Kinh. Một số quốc gia khác như Argentina, Namibia hay Lào đều bị rơi vào “bẫy nợ” Trung Quốc, buộc những nước này phải đối mặt với những quyết định đau đớn để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Khoản nợ của Kenya với Trung Quốc giờ đây đang đe dọa biến cảng Mombasa tấp nập – cửa ngõ vào Đông Phi – thành một Hambantota khác.

Những sự kiện này nên được nghiêm túc coi như một lời cảnh báo rằng sáng kiến “Một vành đai-Một Con đường” về cơ bản là một dự án đế quốc nhằm hoàn thành tham vọng bành trướng hoang đường của Trung Quốc. Các quốc gia bị nô lệ nợ đối với Trung Quốc có nguy cơ mất cả tài sản thiên nhiên lẫn chủ quyền. Găng tay gai bọc nhung khổng lồ của đế quốc mới này che giấu một nắm đấm sắt, với thứ sức mạnh có thể vắt kiệt sức sống ra khỏi các quốc gia nhỏ hơn”.

Trung Quốc đang tung chiến dịch cưỡng bức Đài Loan trở thành một tỉnh thuộc lãnh thổ của họ. Tương tự cách mà Trung Quốc đã và đang cưỡng bức Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, qua việc chiếm dụng và tung ra bản đồ đường lưỡi bò. Đài Loan luôn khẳng định họ là một quốc gia dân chủ, tự trị ở Đông Á. Để ngăn chặn sự công nhận chính danh về mặt quốc tế của Đài Loan như một quốc gia, Trung Quốc yêu cầu các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

“Orwellian” là một từ ám chỉ một tình huống, ý tưởng hay tình trạng xã hội mà trong cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty Four (1984) của mình, George Orwell dùng để miêu tả hệ thống chính trị trong đó một chính phủ khống chế mọi phần của cuộc sống con người, phá hoại phúc lợi của một xã hội tự do và cởi mở, qua những phương thức như tuyên truyền, giám sát, loan thông tin sai lệch, phủ nhận sự thật (doublethink), và bóp méo quá khứ, bao gồm cả “xoá sổ tính chính danh” một người hay quốc gia tồn tại trong quá khứ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi các hành động cưỡng bức của Trung Quốc là một “Orwellian vô lý”.

Với mưu đồ và công khai hành động từng bước xóa tính chính danh chủ quyền quốc gia Đài Loan mà Trung Quốc đang thực hiện, nguy cơ họ áp dụng tương tự như với Việt Nam sẽ không xa. Tài nguyên, bờ cõi Việt Nam rồi sẽ bị thâu tóm và siết chặt bởi vòi bạch tuột Bắc Kinh. Mai kia, địa danh Việt Nam sẽ được gọi là gì? Đất nước tôi rồi sẽ gọi bằng gì? Tôi sẽ gọi tên gì cho dân tộc tôi đây?

Tác giả gửi Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.