Những ngày qua, dư luận Việt Nam hết sức bức xúc về việc thi công tháp Bánh Ít không đúng với các biện pháp thi công đã được các cơ quan chức năng thẩm định, dùng phương tiện cơ giới thi công làm xâm hại di tích nặng nề, dù việc thi công đã có thông tin phải ngưng chờ kết luận.
Tuy nhiên theo báo chí tại VN phản ánh, các đơn vị thi công vẫn tiếp tục thi công các hạng mục không bị đình chỉ của công trình. Báo Thanh Niên cho biết “tại khu vực 4 tháp (tháp chính, tháp lửa, tháp bia, tháp cổng) của quần thể tháp Bánh Ít nham nhở dấu vết bị đào bới, san lấp, đường di chuyển của phương tiện cơ giới. Tại khu vực tháp cổng, dấu vết đào bới ăn sâu vào chân tháp. Đặc biệt, xung quanh tháp chính và tháp lửa đã được đào bới để xây móng bằng đá, đổ trụ bê tông cốt thép. Xung quanh chân tháp chính còn được xây dựng bồn hoa. Trước sân tháp chính cũng bị đào xới một mảng lớn.”
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc còn trong tiếng J’rai là YANG MTIAN là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là một di tích về kiến trúc Chăm Pa nổi tiếng còn lại tại Việt Nam và thường xuyên đón một lượng du khách ghé thăm hàng năm.
Tháp Bánh Ít được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa hai nhánh sông Kôn là Tân An và cầu Gành bên cạnh quốc lộ 1A, cách TP.Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 20 km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên người dân nơi đây gọi là Tháp Bánh Ít. Mỗi tháp ở đây đều có kiến trúc riêng biệt, sắc thái khác nhau.
Vào tháng 9.2021 di tích Tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư gọi là “Công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị” và giao cho Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2021 – 2022 và chính thức khởi công táng 12. 2021.
Nhưng sau một thời gian thi công, dư luận phát hiện chủ đầu tư đã thực hiện việc này như các công trình xây dựng thông thường mà không hề tham khảo ý kiến của các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu cũng như cần giám sát chặt chẽ. Thậm chí họ cho máy xúc lớn đào bới quanh nền tháp, làm gãy, vỡ các cổ vật trong lòng đất.
Có lẽ rồi cũng như các di tích lịch sử, văn hóa hiếm hoi còn sót lại tại Việt Nam như Thành Nhà Hồ, Chùa Trăm Gian…, Tháp Bánh Ít sẽ bị trùng tu theo kiểu… xây mới, bằng các vật liệu mới, mà như các nhà khoa học về di tích chua chát nhận xét: Đó là một cách phá hoại!
VIỄN KIỀU