Tương lai cuộc chiến Ukraine: Bị cáo Putin hãy đứng dậy!

TVN

0 254

The Economist nhận định “Cuộc phản công sắp tới của Ukraine có thể định hình quốc gia này và cả châu Âu”. Kết quả cuộc tổng tiến công mùa xuân của Ukraine có thể được quyết định trong 24 giờ đầu tiên, theo Courrier International. L’Express cho rằng sử sách sẽ ghi lại tên Vladimir Putin trong danh sách các nhà độc tài khát máu, và kẻ thừa kế của Stalin một ngày nào đó sẽ phải trả lời trước tòa án quốc tế : không thể dung thứ cho việc xâm lược một nước khác.

Tạp chí Mỹ Foreign Policy nhận xét, kết quả cuộc tổng tiến công mùa xuân của Ukraina sẽ được quyết định trong 24 giờ đầu, có thể đánh dấu một bước ngoặt cho cuộc chiến. Đây sẽ là « ngày dài nhất » của quân đội Ukraina, như tên siêu phẩm nổi tiếng của Hollywood về cuộc đổ bộ lên Normandie. Giải pháp duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh tiêu hao là đánh phủ đầu làm tê liệt đầu não địch, gieo rắc kinh hoàng khiến quân Nga tháo chạy. Bất ngờ chiến thuật, chỉ huy sát sao trên trận địa và tinh thần binh sĩ là những yếu tố sống còn trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên.

Tờ báo thử đề nghị kịch bản : những đoàn xe thiết giáp Ukraina đột phá vào nhiều phòng tuyến Nga, nhanh chóng đánh tập hậu và đe dọa các sở chỉ huy, trung tâm tiếp liệu, gây hoảng loạn và làm tê liệt quân Nga. Đó là tình hình từng diễn ra trong đợt tấn công thần tốc ở Kharkiv tháng 9/2022. Lúc đó pháo được Ukraine dội ồ ạt, chỉ huy tan rã, viện binh Nga không kịp đến, chỉ trong 10 ngày Kyiv tái chiếm được 6.000 kilomet vuông. Lần này Kyiv cũng phải giấu thật kỹ ý đồ tấn công, bảo đảm rằng địa điểm được chọn có thể bị chọc thủng nhanh để thâm nhập sâu hơn, chiếm các trục đường quan trọng.

Tờ L’Express của Pháp dùng câu nói thường lệ của quan tòa để làm tựa đề bài xã luận “Bị cáo Putin, hãy đứng dậy !”. Mọi người đều nhớ rõ những hình ảnh khủng khiếp của cuộc xâm lăng Ukraina. Những xác chết nằm rải rác trên những con đường thành phố Bucha : quân Nga đã thảm sát trên 400 nạn nhân vào tháng 3/2022. Những em bé bị giết chết trong nhà hát ở Mariupol, dù chữ « trẻ em » được viết rất lớn bằng tiếng Nga nhưng vẫn bị oanh tạc…Một loạt những thảm kịch ghê tởm gây phẫn nộ. Bị cáo Putin, hãy trả lời, vì chính ông chủ điện Kremlin từ hai thập niên đã đẩy đất nước mình vào cuộc chiến, ra lệnh cho quân đội phải đè bẹp Ukraina

Diễn tiến tiếp theo thì như chúng ta đã biết : một dân tộc đã đứng lên kháng chiến, lòng can đảm của tổng thống Volodymyr Zelensky, mười bốn tháng chiến tranh, những ngôi làng bị san bằng, chiến tuyến đóng băng, những xác lính, các trẻ em bị đưa sang Nga… Sử sách ghi đầy tên những bạo chúa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Putin, kẻ thừa kế của Stalin, cũng sẽ xuất hiện trong danh sách các nhà độc tài khát máu.

Liệu như vậy có đủ làm dịu cơn giận dữ của thân nhân các nạn nhân, và tất cả những ai mong đợi một sự hòa hợp tại một phần châu Âu đã bị nhấn chìm trong máu lửa ? Phải chăng đã đến lúc điệu tổng thống Nga ra trước tòa án quốc tế, như cựu tổng thống Serbia Slobodan Milosevic hay Charles Taylor của Liberia ? Lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là lời đáp đầu tiên, tuy nhiên chỉ mang tính biểu tượng. Rõ ràng Putin là tội phạm, nhưng ông ta trú ẩn trong pháo đài Kremlin.

Trong tác phẩm « Vladimir Putin, bản cáo trạng », cựu bộ trưởng tư pháp Robert Badinter 95 tuổi của Pháp cho rằng phiên tòa khó thể diễn ra khi Putin còn là tổng thống nước Nga. Tuy nhiên cần phải thu thập mọi bằng chứng để chuẩn bị cho ngày ông ta phải trả lời về những tội ác của mình, theo mô hình Nuremberg. Tại hội nghị Yalta năm 1945 khi Đệ nhị Thế chiến sắp kết thúc, người Mỹ đã thúc giục mở phiên tòa xử những lãnh đạo của Đức quốc xã. Stalin cho rằng một viên đạn vào đầu là đủ, còn Churchill do dự, rốt cuộc đã đồng ý với Roosevelt. Chính vào lúc đó khái niệm tư pháp quốc tế xét xử các tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhân loại ra đời.

Cũng trên L’Express, giáo sư luật Philippe Sands kêu gọi “Không nên từ bỏ những thành tựu của tòa án Nuremberg”. Điều mỉa mai của lịch sử là khi thương lượng để thành lập tòa án này, chính Liên Xô đã đề nghị « tội chống lại hòa bình », nhưng các đồng minh bác bỏ. Nay thì tội xâm lược đã được nhìn nhận là một trong bốn tội ác quốc tế, bên cạnh tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng.

Ông cho rằng chúng ta đang ở vào một thời điểm quan trọng. Sau khi tấn công Gruzia, Chechnya, Crimée, Syria, Putin nghĩ rằng phương Tây sẽ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ. May thay, ông ta đã lầm. Giáo sư Sands nhấn mạnh, cần phải gởi đi thông điệp : việc tấn công quân sự một quốc gia khác sẽ không được dung thứ, và sẽ bị truy tố hình sự cá nhân, đến tận cấp cao nhất !

Nguồn RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.