ABBA và “Happy New Year”

Huỳnh Duy Lộc

0 685

Ban nhạc ABBA

Björn Ulvaeus sinh ngày 25 tháng 4 năm 1945 tại Gothenburg (Thụy Điển), theo cha mẹ chuyển đến thành phố Västervik, hạt Kalmar, học khoa Kinh doanh và Luật tại Đại học Lund sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự. Anh là thành viên của nhóm nhạc folk Hootenanny Singers, lúc ban đầu mang tên “West Bay Singers”. Năm 1966, khi theo ban nhạc lưu diễn ở các thành phố tại miền Nam Thụy Điển, anh gặp gỡ ban nhạc Hep Stars và nhanh chóng làm bạn với nhạc công đàn keyboard Benny Andersson (sinh năm 1946). Anh và Benny Andersson có chung niềm say mê sáng tác nhạc và khi gặp lại nhau vào mùa hè năm 1966 ấy, hai người đã viết chung ca khúc mang tên “Isn’t It Easy To Say” sẽ được ban nhạc Hep Stars của Andersson thu âm. Anh và Andersson vẫn tiếp tục hợp tác, viết chung 2 ca khúc: “A Flower In My Garden”, cũng sẽ được Hep Stars thu âm và bài hit đầu tiên “Ljuva Sextiotal” thoạt đầu được chọn để cho nhóm nhạc của Thụy Điển trình diễn tại cuộc thi ca nhạc truyền hình Eurovision năm 1969, nhưng sau đó bị gạt ra.

Vào tháng 3 năm 1969, khi thu hình một chương trình truyền hình đặc biệt, Björn Ulvaeus gặp Agnetha Fältskog, nữ ca sĩ 18 tuổi (sinh năm 1950) về sau sẽ trở thành vợ anh, và vài tuần trước đó, Benny cũng gặp người vợ tương lai của anh là nữ ca sĩ 23 tuổi Anni-Frid Lyngstad (sinh năm 1945). Björn Ulvaeus vẫn tiếp tục lưu diễn và thu âm với ban nhạc Hootenanny Singers trong khi làm nhà sản xuất âm nhạc cho hãng Polar Record Company với người cộng sự mới là anh bạn Benny Andersson. Björn Ulvaeus lại cùng với Benny Andersson viết chung các ca khúc cho các ca sĩ và các ban nhạc khác, và năm 1969 là năm ban nhạc gồm 4 thành viên là Björn Ulvaeus, Benny Andersson và hai người vợ là Agnetha Fältskog và Anni-Frid Lyngstad hình thành.

4 người đã cùng nhau trình diễn tại các hộp đêm dưới cái tên Festfolk và gây chú ý với ca khúc “People need love” vào năm 1972. Năm 1973, khi tham gia cuộc thi ca nhạc truyền hình châu Âu Eurovision, bộ tứ Björn & Benny, Agnetha & Anni-Frid được xếp hạng 3 với ca khúc “Ring, ring”. Được khích lệ bởi thành công ban đầu này, bộ tứ đã lấy tên ABBA (lấy chữ cái đầu tên của 4 người) và tham gia cuộc thi Eurovision một lần nữa vào năm 1974. Lần này, ABBA đã giành giải nhất với ca khúc “Waterloo” và ngay trong năm 1974 ấy, album đầu tay của nhóm nhạc mang tên “Waterloo” đã ra mắt. Chỉ một năm sau, với việc cho ra mắt album “ABBA” (1975), nhóm nhạc ABBA đã nổi tiếng khắp thế giới như một hiện tượng của nhạc pop.

Ca khúc “Waterloo” đã mang lại chiến thắng cho ABBA tại cuộc thi Eurovision 1974:
Logo của ABBA gồm 4 chữ cái do Rune Söderqvist thiết kế với chữ B ngược đã xuất hiện lần đầu tiên trên bìa album tổng hợp “Golden Double Album” ra mắt ở Pháp vào tháng 5 năm 1976. Ý tưởng thiết kế logo đặc biệt này là sáng kiến của nhiếp ảnh gia người Đức Wolfgang “Bubi” Heilemann sau một buổi chụp ảnh ban nhạc ABBA cho tạp chí tuổi teen Bravo: mỗi thành viên của ban nhạc cầm chữ cái đầu của tên mình – Agnetha Fältskog cầm chữ A, Björn Ulvaeus cầm chữ B, Benny Andersson cầm chữ B và Anni-Frid Lyngstad cầm chữ A. Sau buổi chụp ảnh, khi xem lại những tấm hình, Heilemann phát hiện ra rằng Benny Andersson đã vô ý cầm ngược chữ B, và sau một hồi hội ý với anh, các thành viên của ABBA đã nhất trí với nhau rằng chữ B ngược này lại là điểm độc đáo sẽ giúp cho logo của ban nhạc thêm phần đặc biệt.
Các ca khúc “Mamma Mia” và “S.O.S.” thành công vang dội ở nhiều nước châu Âu, Úc và Bắc Mỹ rồi album “Arrival” ra mắt năm 1977 đã chinh phục hoàn toàn thính giả ở Mỹ: ca khúc “Dancing Queen” trong album này đã đứng nhất trên bảng xếp hạng âm nhạc tại Mỹ. Album “The album” ra mắt năm 1978 đánh dấu một bước tiến lớn lao của nhóm nhạc, nhưng từ ấy, mối quan hệ giữa các thành viên cũng bắt đầu rạn nứt: Ulvaeus và Fältskog đã ly dị trước khi nhóm nhạc cho ra mắt album “Voulez-Vous” (1979). Dù Ulvaeus và Fältskog khẳng định sự chia tay của hai người sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của nhóm nhạc, album “Super Trouper” ra mắt năm 1980 lại có vài ca khúc u buồn như “The Winner Takes It All” và “Lay All Your Love on Me” cho thấy những đợt sóng ngầm báo trước sự tan rã của ABBA. Andersson và Lyngstad ly dị khi đang thu âm những ca khúc trong album “The Visitors” (1981) và cuối cùng nhóm nhạc tan rã vào năm 1982. 4 thành viên của nhóm nhạc vẫn tiếp tục hát solo nhưng không có được thành công nào vang dội như thuở 4 người còn trình diễn bên nhau dưới cái tên ABBA. Dù vậy, những người yêu nhạc vào thời cực thịnh của nhạc disco không thể nào quên ban nhạc ABBA lừng lẫy đã được Rock & Roll Hall of Fame vinh danh vào năm 2010.
HAPPY NEW YEAR

Ca khúc nổi tiếng nhất của ABBA là ca khúc “Happy New Year” sáng tác vào tháng 1 năm 1980, thường được phát trên các đài phát thanh và truyền hình vào thời khắc giã từ năm cũ, chuyển sang năm mới.

Trong một lần đến quần đảo Barbados, Benny Andersson và Björn Ulvaeus bất chợt có ý định viết một vở nhạc kịch về một ngày cuối năm nên đã tới resort gặp diễn viên John Cleese, nhờ ông viết kịch bản để cho hai anh có thể viết những ca khúc thích hợp với diễn biến của câu chuyện. Thế nhưng John Cleese đã từ chối nên Benny Andersson và Björn Ulvaeus đã bỏ ý định viết nhạc cho vở nhạc kịch, mà chỉ viết “Happy New Year”, một ca khúc đượm buồn về thời khắc “bữa tiệc đã tàn” (It’s the end of the party) và không khí ảm đạm vào buổi sáng ngày đầu năm (And the morning seems so grey), thoạt đầu có cái tên là “Daddy don’t get drunk on Christmas day” (Cha ơi, đừng say sưa trong ngày Giáng sinh) để đưa vào album “Super Trouper” sắp ra mắt vào năm 1980. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã có ý định phát hành ca khúc này thành dĩa đơn nên đã cho quay một video clip trong căn hộ của đạo diễn Lasse Hallström có cảnh Agnetha Fältskog ngồi trên sofa, còn Björn Ulvaeus đứng trầm tư bên cửa sổ sau khi bữa tiệc cuối năm đã tàn, không khí không vui tươi, rộn rã mà trái lại rất trầm lắng vì cả hai chưa biết những điều gì sẽ đến với mình khi năm cũ qua đi và năm mới lại đến. “Happy new year” được phát trên Đài phát thanh Thụy Điển suốt nhiều năm liền vào thời khắc giao thừa và mãi đến năm 1999, khi đã chiếm hạng 4 ở Thụy Điển và hạng 8 trên bảng xếp hạng các ca khúc ở Hà Lan, nó mới ra mắt dưới dạng dĩa đơn với mặt B là ca khúc “Andante, andante”.

“Happy New Year” với những giai điệu rộn rã rất được yêu thích khắp thế giới vì những câu hát mở đầu ca khúc thể hiện cảm giác buồn man mác khi năm cũ sắp tàn, nhưng những câu hát được lặp đi lặp lại sau đó ở đoạn coda (đoạn cuối) lại khơi dậy niềm hy vọng ở một tương lai có nhiều điều không thể ngờ tới đang chờ đợi mỗi người:

No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It’s the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday
Now’s the time for us to say
Happy New Year
Happy New Year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbor is a friend
Happy New Year
Happy New Year
May we all have our hopes, our will to try
If we don’t we might as well lay down and die
You and I
Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool
And he thinks he’ll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he’s astray
Keeps on going anyway
Happy New Year
Happy New Year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbor is a friend
Happy New Year
Happy New Year
May we all have our hopes, our will to try
If we don’t we might as well lay down and die
You and I
Seems to me now
That the dreams we had before
Are all dead, nothing more
Than confetti on the floor
It’s the end of a decade
In another ten years time
Who can say what we’ll find
What lies waiting down the line
In the end of eighty-nine
Happy New Year
Happy New Year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbor is a friend
Happy New Year
Happy New Year
May we all have our hopes, our will to try
If we don’t we might as well lay down and die
You and I.

(Không còn rượu champagne
Và pháo hoa cũng đã tắt
Giờ đây, em và anh
Cảm thấy lạc lõng và buồn bã
Tiệc đã tàn
Và bình minh có vẻ ảm đạm
Không giống ngày hôm qua
Giờ đã đến lúc chúng ta nói
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Chúc cho chúng ta có một giấc mơ
Về một thế giới mỗi láng giềng là một người bạn
Chúc cho chúng ta có nhiều hy vọng, có ý chí
Nếu không, chúng ta sẽ gục ngã và diệt vong
Anh và em.
Đôi khi em nhìn thấy
Một thế giới mạnh mẽ đang đến
Và em thấy nó sinh sôi nảy nở
Trên tro tàn của cuộc đời chúng ta
Ôi, đúng thế, con người là một kẻ ngu ngốc
Và cứ nghĩ là mình sẽ ổn
Lê lết những bàn chân lấm lem
Chẳng bao giờ biết là mình đã chệch hướng
Cứ bước tới bất kể…
Giờ đây đối với em
Những giấc mơ mà ta từng có
Đều đã chết, chẳng còn gì ngoài những bông giấy vương vãi trên sàn nhà
Cuối thập kỷ rồi
Và trong mười năm tiếp theo
Ai biết chúng ta sẽ tìm thấy điều gì đang chờ đợi đâu đó
Vào cuối năm 1989?
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Chúc cho chúng ta có một giấc mơ
Về một thế giới mỗi láng giềng là một người bạn
Chúc cho chúng ta có nhiều hy vọng, có ý chí
Nếu không, chúng ta sẽ gục ngã và diệt vong
Anh và em)

Ca khúc “Happy New Year” với ABBA: https://youtu.be/3Uo0JAUWijM?si=HB7zkWmLZbn52bO7
Ca khúc “Happy New Year” năm 1980: https://youtu.be/9L0RZ08zUno
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.