Minh Kỳ và “Mưa trên phố Huế”

Huỳnh Duy Lộc

0 667

(Nhạc sĩ Lê Dinh cho biết: “Có một điểm ít người biết là, ngoài biệt danh Lê Minh Bằng – mà sáng tác đầu tiên là bài “Đêm nguyện cầu” (1966) – chúng tôi, gồm Anh Bằng, Minh Kỳ và Lê Dinh, còn có nhiều biệt danh khác như Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ, Vũ Chương, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Giang Minh Sơn, Nhật Nguyệt Hồ…”

Phải chăng tên Tôn Nữ Thụy Khương bên dưới tên Minh Kỳ trong bản nhạc “Mưa trên phố Huế” là bút danh chung của Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng chứ không phải là bút danh của một nhà thơ nữ nào của xứ Huế?)

Minh Kỳ sinh năm 1930, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là cháu nội đời thứ năm của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Kiền và là người con duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn ở Nha Trang.

Ông trải qua thời thơ ấu và thời thanh niên tại Nha Trang nên có nhiều kỷ niệm với thành phố miền duyên hải này. Năm 1959, 7 năm sau khi lập gia đình, ông chuyển vào Saigon hoạt động văn nghệ, sáng tác những nhạc phẩm phù hợp với thị hiếu của đại chúng và kết hợp với nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng, cho ra mắt những nhạc phẩm để giới thiệu trên làn sóng Đài phát thanh hay những chương trình ca nhạc của các hãng đĩa.

Khi cuộc chiến leo thang, ông không vào quân đội mà gia nhập lực lượng cảnh sát, đến năm 1975 mang cấp bậc đại úy nên sau ngày 30 tháng 4 phải đi học tập cải tạo ở Trại An Dưỡng, Biên Hòa. Khuya ngày 31 tháng 8 năm 1975, một quả lựu đạn được ném vào vách tôn nhà số 3 của Trại tù An Dưỡng làm 3 người chết và 8 người bị thương nặng, hầu hết là những sĩ quan cảnh sát đang học tập cải tạo. Trong số những người chết có Minh Kỳ. Cũng có nguồn tin cho biết Minh Kỳ bị thương nặng và qua đời khi kho đạn gần trại cải tạo Long Khánh phát nổ. Ông được chôn cất sơ sài với một tấm bia viết bằng sơn đỏ dòng chữ “Vĩnh My”, tức Vĩnh Mỵ.

Minh Kỳ có nhiều kỷ niệm với thành phố Nha Trang nên những sáng tác đầu tay của ông là những nhạc phẩm về thành phố duyên hải này viết theo điệu slow, sử dụng những quãng âm rộng nghe giống như tiếng sóng rập rờn như “Dòng thời gian”, “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Tiễn bạn”.

Khi dòng nhạc về người lính được nhiều người yêu thích do sự chia cách giữa những lính ở tiền tuyến và những người ở hậu phương, ông đã viết những ca khúc thể hiện tâm tình của người lính như: “Anh tiền tuyến, em hậu phương”, “Biệt kinh kỳ” (viết chung với Hoài Linh), “Tình hậu phương”, “Biệt động quân”… Nhưng những ca khúc đặc sắc nhất của ông là những ca khúc về những thành phố có phong cảnh đẹp nhất của miền Nam như thành phố Nha Trang, nơi ông sinh ra và lớn lên; thành phố Đà Lạt với 3 ca khúc bất hủ ca ngợi nhan sắc của Đà Lạt là “Thương về miền đất lạnh”, “Đà Lạt hoàng hôn” (viết chung với Dạ Cầm, tức nhạc sĩ Anh Bằng), “Má hồng Đà Lạt” và thành phố Huế, quê nội của ông, với các ca khúc nổi tiếng như “Người em Vỹ Dạ”, “Thương về xứ Huế”, “Mùa đông xứ Huế” và “Mưa trên phố Huế”.

Nữ ca sĩ Hoàng Oanh bồi hồi nhớ lại: “Nhạc sĩ Minh Kỳ đã trở về cát bụi, xuôi theo giòng nước mắt của sông Hương, từ giã cuộc đời. Nhưng may mắn, sau này cả đại gia đình của nhạc sĩ Minh Kỳ đều ra hải ngoại và đoàn tụ tại thành phố San Jose, miền Bắc California. Riêng Hoàng Oanh, mỗi lần nghe lại bản nhạc ’Mưa trên phố Huế’ của chú vẫn bồi hồi xúc động nhớ đến một người nhạc sĩ hiền lành, nghiêm nghị nhưng tài hoa vượt bậc, khó có ai thay thế được:

“Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa, gió mưa u hoài
Mắt lệ ngắn dài…”

MƯA TRÊN PHỐ HUẾ

Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai?

Ngày chia tay hôm nao còn đâ
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa, gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài.

Chiều mưa trên kinh đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không?

Chợ Đông Ba khi mình qua
Lá me bay bay là đà
Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua.

Hò ơi! Ơi hò!
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn
Có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô
Để nhớ với thương một người.

Chiều nay mưa trên phố Huế
Biết ai đã quên ai rồi
Hạt mưa rơi vẫn rơi, rơi đều cho lòng u hoài.

Ngày xưa mưa rơi thì sao?
Bây chừ nghe mưa lại buồn
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn

 
Ca khúc “Mưa trên phố Huế” với giọng ca Hoàng Oanh: https://youtu.be/eUIYRBbljR0
Ca khúc “Mưa trên phố Huế” với giọng ca Duy Khánh: https://youtu.be/zscFohGAHfI
 

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.