Văn Phụng và “Tôi đi giữa hoàng hôn”

Huỳnh Duy Lộc

0 476

Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, được học đàn piano từ nhỏ và năm 1945 đã đoạt giải nhất độc tấu piano trong một cuộc thi tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội với nhạc phẩm “La prière d’une vierge” (Lời nguyện cầu của một trinh nữ).

Ông học trung học ở Trường Albert Sarraut và năm 18 tuổi, sau khi đậu tú tài, ông theo học ngành y theo ý muốn của cha, nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học ngành y để theo âm nhạc. Năm 1946, trong một lần tản cư về Nam Định, Văn Phụng trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn và gặp được linh mục Mai Xuân Đình, người đã chỉ dạy thêm cho ông về âm nhạc và giáo lý. Năm 1948, Văn Phụng trở về Hà Nội rồi theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam Tiểu đoàn Danh dự và thời gian hoạt động tại đây, ông đã quen với những người về sau sẽ trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam như nhạc sĩ Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi… Ông cũng được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức Schmetzer chỉ dẫn thêm về hòa âm.

Năm 1948, Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay “Ô Mê Ly” trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong Ban Quân nhạc. Ông cũng thường trình diễn bài hát này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát đã được đón nhận nồng nhiệt và từ đó, tên tuổi Văn Phụng được giới yêu nhạc chú ý. Về sau, “Ô Mê Ly” sẽ nổi tiếng với tiếng hát của ban hợp ca Thăng Long.

Cuối năm 1954, Văn Phụng di cư vào Nam, làm nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội thuộc Nha Chiến tranh tâm lý và phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sàigòn.

Sự nghiệp âm nhạc của ông trước năm 1975 đã khởi đầu với ca khúc “Ô mê ly” và kết thúc với ca khúc “Chán nản” sáng tác vào năm 1972. “Chán nản” được coi là nhạc phẩm cuối cùng của ông, được sáng tác khi ông lâm vào một tình trạng ông cho là rất chán nản trong cuộc đời mình, nhưng hoàn toàn không phải do tình yêu.

Nhưng trên tất cả, ông là một người lạc quan, yêu đời và nét vui tươi trong tâm hồn ông đã thể hiện qua những ca khúc bất hủ của ông như ca sĩ Quỳnh Giao ghi nhận: “Từ Văn Phụng vui tươi và trong sáng như Phạm Đình Chương thời trẻ, chúng ta có “Vó câu muôn dặm”, “Ta vui ca vang” hay “Bức họa đồng quê”, “Mộng hải hồ”, những sáng tác đã được “Ô mê ly” (1948) báo hiệu từ lâu”.

Với những nhạc sĩ khác, mưa có thể đem lại cảm xúc buồn bã, hiu quạnh, nhưng với ông:

“Mưa rơi trên sông dài, mưa qua khắp non đoài
Mưa cho thắm hoa đời, mưa cho hết u hoài
Mưa cho đám lúa non mỉm cười
Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu
Mưa cho nương dâu và khoai sắn lên mau
Mưa như trút sầu
Mưa tươi lúa đầu…” (Mưa)

Và nỗi buồn với ông cũng không quá thê thiết:

“Nỗi buồn ai hay cùng tôi
Nỗi buồn xé nát tim côi
Một mình một bóng trong đêm
Tìm về đường phố không tên
Bước chân nào còn lưu luyến?
Nỗi buồn ai hay cùng tôi
Nỗi buồn xé nát tim côi
Một mình thổn thức bao đêm
Một mình tìm cánh sao rơi
Biết ai xẻ mối u sầu…” (Nỗi buồn)

Có một chút buồn và một chút nhớ nhung khi ngày tháng dần trôi vương nhẹ trong những giai điệu của “Tôi đi giữa hoàng hôn”. Ca sĩ Quỳnh Giao đã nói về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng: “Khi Sài gòn say mê nhịp điệu slow rock và các ca khúc của Paul Anka, chúng ta có Văn Phụng viết “Tôi đi giữa hoàng hôn”.

Ca khúc theo điệu slow rock này thể hiện nỗi u hoài của một người bước đi một mình khi hoàng hôn dần buông, thấy thương nhớ vô vàn hình bóng của người yêu trong một buổi chiều chia tay trên bến sông và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ để cho tình yêu nhạt phai dù cảnh đời có bao đổi thay như mưa gió tơi bời hay nắng cháy và sương khói mịt mù .

TÔI ĐI GIỮA HOÀNG HÔN

Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài
Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến hoàng hoa*
Hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời.
Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau.
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Lòng thương nhớ…

*Bến hoàng hoa: Theo “Thành ngữ điển tích – Danh nhân từ điển” quyển 1 của tác giả Trịnh Văn Thanh, “Hoàng hoa: Địa danh. Đời Chiến Quốc và đời Đường, quân Trung Nguyên thường giao chiến với rợ Đột Quyết và Nhu Nhiên ở đất Hoàng Hoa. Lại cũng có nghĩa là hoa cúc vàng. Thường năm cứ đến tháng 9 thì hoa cúc vàng nở rộ, đó là lúc người trai đúng tuổi phải đi lính thú, và đến tháng 9 năm sau lại về. Cho nên người ta gọi thời kỳ đi lính thú là “hoàng hoa”. Trong Kinh Thi, chương “Hoàng hoàng giả hoa” có chép: “Người đi lính thú hay đi sứ phương xa nhớ nhà làm thơ “hoàng hoa”. Nghĩa bóng, nơi xa xôi hiu quạnh. Trong “Chinh phụ ngâm” có câu:
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài…”.
Như vậy, “bến hoàng hoa” có thể hiểu là bến chia tay xa xôi, hiu quạnh.

HUỲNH DUY LỘC

Ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” với giọng ca Hà Thanh: https://youtu.be/s5mWiSOEWAo
Ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” với giọng ca Tuấn Ngọc: https://youtu.be/vBgCQ3kcF1c
Ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” với giọng ca Ý Lan: https://youtu.be/X6719qRXkOw?si=pt0cHihMWArlY9j4
Ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” với giọng ca Châu Hà: https://youtu.be/WTMYwU2QhvU?si=3JWfyUVOAc-VmLYy
Ảnh: Nhạc sĩ Văn Phụng và nhạc phẩm “Tôi đi giữa hoàng hôn”

Leave A Reply

Your email address will not be published.