Anh Bảnh, Anh Chơi Chảnh!

0 569

Khi tiền của rủng rỉnh, dân nhà giàu chẳng ngại gì mà không chơi lấy tiếng. Sắm thuyền buồm và máy bay chỉ là chuyện nhỏ!

Từ xe hơi đến du thuyền

Cố tỉ phú Steve Fossett có một bộ sưu tập xe hơi rất đáng nể. Tại ngôi biệt thự hướng mặt tiền ra biển ở Nam California của ông, có một chiếc Ferrari 465 GT giá 205.000 USD và một chiếc Aston Martin Vanquish giá 234.000 USD. Ngoài ra, Fossett còn có chiếc Citation X giá 17 triệu USD – chuyên cơ cá nhân bay nhanh nhất hiện nay. Với ông trùm Fossett, việc sở hữu Citation X dường như chưa đủ. Ông còn có chiếc khinh khí cầu 500.000 USD và một du thuyền trị giá 5,5 triệu USD! Say mê tốc độ, Steve Fossett từng giữ 69 kỷ lục tốc độ thế giới hoặc kỷ lục quãng đường dài. Năm 2002, ông từng thực hiện chuyến bay thế giới đầu tiên không nghỉ trên chiếc khinh khí cầu, vòng quanh thế giới trong 13 ngày. Năm 2004, ông cũng thực hiện chuyến bay solo vòng quanh thế giới trong 67 giờ…

Trở lại với mốt sưu tập xe hơi. “Sở hữu chiếc xe càng lạ mắt, bạn càng có cảm giác mình giống ông hoàng” – nhận xét của Michael Silverstein, tác giả quyển Trading Up: Why Consumers Want New Luxury Goods (Mại dô – Tại sao người tiêu dùng muốn hàng cao cấp mới). Nhóm người này (gần như luôn là nam giới) lúc nào cũng mê kỹ thuật tiên tiến còn hơn mê gái. Vài năm gần đây, người ta đã tung ra nhiều thiết kế mới theo mô hình kỹ thuật quân sự – chẳng hạn trực thăng, máy bay, xe lội nước – và bán đắt như tôm tươi. Với Dario Franchitti (chồng cũ của diễn viên điện ảnh Ashley Judd), không gì có thể so sánh với trực thăng. Dario Franchitti đã tậu chiếc trực thăng EC120 giá 1 triệu USD. Tiếp đó, Franchitti bắt đầu chết mê chết mệt trước chiếc trực thăng EuroCopter’s B-3 và quyết định mua. Tất nhiên EuroCopter’s B-3 không chỉ “bảnh” mà còn mạnh hơn EC120 (một phi công lái thử từng đỗ EuroCopter’s B-3 lên đỉnh Everest, trở thành chiếc trực thăng đầu tiên thế giới đáp lên đỉnh núi này).

Một số tỉ phú thậm chí “độ” lại máy bay thường để làm chuyên cơ riêng để tuyệt đối không “đụng hàng”. Trên Der Spiegel, tác giả Gerald Traufetter cho biết triệu phú-luật sư Willie Gary thậm chí mua hẳn một chiếc Boeing 737 (đổi tên thành “Những đôi cánh  công lý”) và đại tu toàn bộ nội thất với chi phí ít nhất 11 triệu USD. Như đương sự viết trên website riêng, “Những đôi cánh công lý” có hẳn một bồn rửa dát vàng 18 karat và hệ thống âm thanh siêu hạng trị giá 1,2 triệu USD! Willie Gary không là người duy nhất chơi “máy bay độ”. Tỉ phú Nga Roman Abramovich cũng từng nâng cấp một chiếc Boeing thành một văn phòng di động siêu hiện đại. Nhu cầu chơi máy bay sang bùng nổ mạnh đến mức Airbus đang hợp tác với Lufthansa Technik để sản xuất dòng máy bay cá nhân cực sang A318 Elite với giá khoảng 75,1 triệu USD! Để thỏa mãn nhu cầu khách hàng, chuyên gia nội thất máy bay của Lufthansa Technik thậm chí phải sang tận Canada để tự tay chọn mẫu gỗ!

Chơi cả tiềm thủy đỉnh!

Biển cả cũng là “sân chơi” của dân nhà giàu, từ khi J. P. Morgan ngắm đại dương mênh mông trên chiếc du thuyền Corsair II dài 98m vào đầu thế kỷ 20. Bây giờ, biển cả không bao giờ vắng bóng dân thượng lưu. Newsweek cho biết nhà đồng sáng lập hãng Microsoft, Paul Allen, có chiếc Octopus dài 126m giá hơn 250 triệu USD với thủy thủ đoàn thường trực gồm 60 người, hai trực thăng, một tàu ngầm 10 người và bảy thuyền nhỏ! Thế mà Paul Allen vẫn thòm thèm đoàn du thuyền Wally trên đó có phòng tập thể dục, rạp chiếu bóng và một số tàu nhỏ. Giá tổng cộng đoàn du thuyền Wally khoảng 80 triệu USD. Trong khi đó, Larry Ellison (tổng giám đốc điều hành hãng phần mềm Oracle) đã đại tu và kéo dài chiếc Rising Sun từ 120m lên 138m.

Theo L. Bruce Jones – ông chủ hãng U.S. Submarines tại Ft. Lauderdale (Florida) – thuyền buồm là thứ đồ chơi “rẻ tiền” mà chỉ bọn “sến” mới mê. Chơi tàu ngầm mới là dân chơi thứ thiệt. Chuyên cung cấp tàu ngầm “du lịch sinh thái biển” cho một số ông hoàng dầu mỏ Arab, L. Bruce Jones cho biết tàu ngầm du lịch của mình có giá từ 1-6 triệu USD, có thể lặn xuống 305m, đủ sâu để chiêm ngưỡng thế giới kỳ ảo của rừng san hô Úc hoặc ngắm các con tàu đắm ở đáy Caribê. L. Bruce Jones hiện cũng thiết kế một tàu ngầm cực sang trị giá 78 triệu USD. Và dân chơi vừa thích xe hơi vừa thích tàu thì đã có xe lội nước. Chiếc Terra Wind 1,2 triệu USD là một trong mặt hàng nóng nhất hiện thời. Ngoài ra, còn có chiếc Terra Spider – một phiên bản lai giữa chiếc xe hơi Ford Mustang và canô. Terra Spider có thể phóng 240km/giờ trên đường bộ và 100km/giờ trên mặt nước.

Related Posts


GÃ…


CHUYỆN NHẬT

Về tư dinh, Larry Ellison sống trong khu dinh thự trị giá 100 triệu USD với thiết kế thời phong kiến Nhật, chưa kể cái hồ nhân tạo và bảy ngôi nhà “nhỏ” xung quanh. Trong khi đó, Bill Gates sống trong khu nhà hơn 6.100m2 xây trên sườn đồi gần hồ Washington (Seattle); trong đó có cái hồ bơi 18,2m với hệ thống âm nhạc dưới nước và một phòng ăn hơn 92m2. Phần mình, tỉ phú Warren Buffett sống một cách khiêm tốn gần 50 năm qua trong căn nhà mà thời giá hiện nay chỉ độ 500.000-700.000 USD nhưng ông sở hữu chiếc máy bay cá nhân Gulfstream IV trị giá khoảng… 16 triệu USD. Trong khi đó, trùm thép Ấn Độ Lakshmi Mittal sống trong ngôi nhà 128 triệu USD tại Luân Đôn được thiết kế với đá cẩm thạch khai thác từ mỏ đá từng cung cấp cho công trình xây đền Taj Mahal!

Với Richard Branson, tấc đất là tấc vàng. Tay tỉ phú Anh này đã mua hòn đảo Necker 300.000m2 (thuộc quần đảo British Virgin Islands) vào năm 1982 và biến nó thành khu nghỉ mát riêng. Sắm đảo để dưỡng già không là chuyện lạ trong giới tỉ phú. Ted Turner là chủ nhân đảo St. Phyllis (Nam Carolina) trong khi David Murdock làm “Robinson Crusoe” với quyền sở hữu đảo Lanai tại Hawaii. Ted Turner còn có miếng đất ở Patagonia (Argentina). Mốt tậu đảo nay vẫn là thời thượng. Tạp chí Forbes cho biết hòn đảo Sandy 81.000 m2 ngoài khơi Grenada hiện được rao bán với giá 20 triệu USD. Nó là một trong bốn hòn đảo xinh xắn thuộc quần đảo Windward đang chờ người mua. Dĩ nhiên tất cả đều như thiên đường, với rặng dừa thơ mộng, đồi non xanh thẳm và hàng trăm mét bờ biển cực sạch.

Randy Mattison, tổng quản lý nhà phân phối Motorcars International (chuyên bán dòng xe cao cấp Lamborghini, Ferrari, Porsche và Bentley…) cho biết Ferrari và một số xe thể thao cực mạnh đang đứng đầu bảng ngắm nghía của giới tỉ phú. Những chiếc xe này chỉ sản xuất giới hạn; và xuất phát từ tâm lý không thích “đụng hàng” nên giá cỡ nào cũng không thành vấn đề đối với dân tiền muôn bạc vạn, chẳng hạn mẫu McLaren F1 với thiết kế “cánh cụp cánh xòe” (thuộc hãng xe Anh McLaren; sản xuất vỏn vẹn 106 chiếc) có giá từ 1,3-1,7 triệu USD! Hiện tại Mỹ có chín chiếc McLaren F1 và tỉ phú Ralph Lauren (nhà thiết kế thời trang) sở hữu hai trong số đó.

Bùng nổ dịch vụ cao cấp

Khi khách sạn Grand Hotel Quisisana tại đảo Capri (Ý) nhận được cuộc gọi đặt trước 50 phòng cho một tiệc sinh nhật, họ nghĩ rằng số khách trên hẳn sẽ ngủ lại sau khi ăn uống nhảy nhót chán chê, như nhiều nhóm khách thượng lưu từng tổ chức tiệc trước đó. Hóa ra cậu nhóc đặt phòng (với 830.000 USD) cùng nhóm khách chỉ tạt qua Grand Hotel Quisisana để… thay đồ và tắm qua quít rồi phóng lên du thuyền ra biển!

Dịch vụ hạng “suites” của Singapore Airlines (Business Insider)

Với dân giàu thời thượng, chuyện đặt chỗ một góc kín đáo trong nhà hàng không còn là cách chứng tỏ đẳng cấp. Họ sẵn sàng thuê cả một khách sạn hoặc “mua đứt” khu nghỉ mát chỉ để hưởng không khí riêng tư trong vài ngày. Họ cũng sẵn sàng mua tất cả vé một tàu du lịch để đãi bạn bè sau khi bao trọn gói một chuyên cơ để chở cả đoàn đến địa điểm nghỉ mát. Tại khách sạn Cavalieri (Rome, Ý), một cặp người Mỹ mới đây đã đặt 48 trong 370 phòng để tổ chức một bữa tiệc hoành tráng. Với giá 140.000 USD, khách sạn Ritz-Carlton New York có thể sắp xếp một dịch vụ trọn gói với 15 phòng hạng sang có tầm nhìn tuyệt đẹp ngắm toàn cảnh New York City với tượng Nữ thần Tự do, kèm thêm “chương trình khuyến mại” bằng màn bắn pháo hoa.

Cách đây không lâu, một tỉ phú dầu Nga đã thuê trọn 25 phòng trên du thuyền Bora Bora để đưa đám bạn đến Tahiti. Và việc tỉ phú nào đó chơi sang “bao” luôn tất cả phòng khách sạn dù chỉ ở vài phòng bây giờ chẳng hiếm, như trường hợp một chủ nhà băng nghỉ hưu đã thuê toàn bộ phòng khách sạn Rosa Alpina tại khu vực Dolomites (thuộc rặng Alps) cho 18 người bạn được mời dự sinh nhật lần thứ 50 của “bà nhà”. Khách mời được chở đến bằng trực thăng từ Venice; được đãi “món” massage trong lều và được thưởng thức tài nấu ăn của một đầu bếp thuê từ tập đoàn nhà hàng Michelin lừng danh…

Cùng lúc việc phát triển sản phẩm cao cấp, dịch vụ cao cấp cũng bùng nổ. Mới đây, Singapore Airlines đã tung ra dịch vụ cao cấp Suites với mức giá cao gấp 25% so với giá vé hạng nhất. Áp dụng cho máy bay A380 Airbus, dịch vụ Suites của Singapore Airlines cung cấp cho hành khách khoang riêng, với ghế được phủ bằng vải hàng hiệu Givenchy, cùng đồ ngủ và thậm chí “dép lê”… Khách được giải trí với màn hình 58cm cùng menu hơn 1.000 mục chọn trong đó có 100 phim và 700 CD nhạc. Suites còn có cả phòng tắm vòi sen… Sự thỏa mãn cho khách giàu quả là vô tận. Tại nhà hàng thuộc tập đoàn Michelin, khách thậm chí có thể được chở đến tận lò nấu để chọn rượu…

Leave A Reply

Your email address will not be published.