Bất Tử Vespa!

0 593

Nếu không kể môtô Harley-Davidson, không xe gắn máy nào trở thành biểu tượng văn hóa như Vespa. Trong khi “cá tính” Harley-Davidson nghiêng về nét dũng mãnh đầy chất phong trần cao bồi Mỹ, Vespa trông như một thanh niên lịch lãm đầy vẻ quí phái truyền thống châu Âu. Vespa do đó lúc nào cũng trẻ, cũng thời thượng và cũng đầy sức hấp dẫn. Tương tự Harley-Davidson, Vespa cũng có tiếng máy bìch bịch đặc thù mà không loại xe gắn máy nào sánh bằng. Vespa là niềm kiêu hãnh của nhà sản xuất Piaggio, biểu tượng phổ quát của văn hóa Ý và là phương tiện để thể hiện phong cách của nhiều thế hệ giới trẻ khắp thế giới.

Huyền thoại “con ong”

Piaggio đã tạo ra một thiết kế bất tử cho Vespa với cái thân bụng duyên dáng có một không hai không thể chê vào đâu được. Xe gắn máy Honda, Suzuki, Yamaha hoặc thậm chí Harley-Davidson đều thay đổi hình dáng theo thời gian nhưng Vespa lúc nào cũng vẫn vậy (ngoại trừ vài thay đổi đường nét nhỏ mang tính tiểu tiết không đáng kể). Có thể nói không ngoa rằng thiết kế Vespa là một trong những thiết kế công nghiệp xuất sắc nhất lịch sử design sản phẩm tiêu dùng.

Cũng cần nhắc lại về Piaggio và con đường lịch sử của Vespa. Thành lập năm 1884 tại Genoa (Ý) bởi Rinaldo Piaggio (lúc đó mới 20 tuổi), hãng Piaggio thoạt đầu kinh doanh thiết bị vật dụng cho tàu du lịch cao cấp. Đến cuối thế kỷ 19, Piaggio sản xuất thêm một số mặt hàng liên quan ngành đường sắt và xe tải. Trước Thế chiến thứ nhất, Piaggio còn nhảy vào lĩnh vực máy bay. Năm 1917, Piaggio mua một nhà máy mới ở Pisa và bốn năm sau mua thêm một nhà máy tại Pontedera thuộc vùng Tuscany. Trong Thế chiến thứ hai, nhà máy Pontedera chuyên chế tạo động cơ P-108 cho máy bay. Vào giai đoạn đỉnh điểm của Thế chiến thứ hai, nhà máy Pontedera bị bom Đồng minh dội nát. Sau chiến tranh, Piaggio gần như xây dựng lại doanh nghiệp từ đầu. Enrico Piaggio tiếp nhận vị trí điều hành từ cha mình (Rinaldo). Trước bức xúc về phương tiện giao thông thời hậu chiến, khi mà đường sá khắp nước Ý bắt đầu xuống cấp nặng, Enrico quyết định tập trung nghiên cứu xe gắn máy, chủ yếu từ nhà máy Pontedera…

Vespa tại Sài Gòn thập niên 1960 (Pinterest)

Đó là lúc xuất hiện Corradino D’Ascanio (1891-1981), tay kỹ sư hàng không thiên tài của Piaggio, người từng thiết kế và bay thử một trong những chiếc trực thăng hiện đại đầu tiên. D’Ascanio tạo ra một thiết kế xe đơn giản nhưng trông chắc chắn, thỏa mãn yêu cầu tiết kiệm nhiên liệu cao cũng như nâng độ bền động cơ, cho một nước Ý còn sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng thời hậu chiến. Chiếc xe sẽ không giống bất kỳ xe gắn máy nào ở thời điểm đó. Từ kỹ thuật cơ khí hàng không, D’Ascanio hình dung một chiếc xe có thân thép liền lạc, với tấm chắn phía trước (cũng từ thiết kế cải biên từ kỹ thuật hàng không) để che bùn đất vốn luôn là nỗi khổ của các tài xế xe hai bánh trên đường phố Ý thời điểm đó.

Vậy là bản vẽ đầu tiên của chiếc xe gắn máy mà sau này trở thành biểu tượng của Piaggio đã ra đời. Khi thấy chiếc xe, Enrico thốt lên: “Sembra una vespa!” (Sao nó giống con ong thế!). Thế là người ta dùng luôn từ “vespa” để chỉ dòng xe này. Ngày 23-4-1946, Piaggio đăng ký bản quyền Vespa. Enrico không ngần ngại sản xuất một lúc 2.000 chiếc Vespa 98cc, đưa đến Câu lạc bộ golf, nơi có mặt viên tướng Mỹ đại diện lực lượng Đồng minh giám sát Chính phủ Ý giai đoạn hậu chiến. Người dân Ý lần đầu tiên thấy Vespa trên tờ Motor (24-3-1946) và trên tờ La Moto (15-4-1946). Đến cuối năm 1949, Piaggio đã sản xuất 35.000 chiếc. Sau 10 năm, chiếc thứ một triệu ra đời. Đến giữa thập niên 1950, Vespa bắt đầu được sản xuất tại Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Ấn Độ… Thiết kế từ kỹ thuật cơ khí hàng không của D’Ascanio đã giúp Vespa có độ bền đáng kinh ngạc và ngay ở thời điểm đó, Vespa đã trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của nước Ý. Báo chí Mỹ từng viết rằng Vespa là “sản phẩm thuần chất Ý chưa từng thấy kể từ thời xuất hiện những cổ xe ngựa La Mã”!

Mãi mãi Vespa!

Related Posts


GÃ…


CHUYỆN NHẬT

Đích thân Enrico Piaggio thành lập câu lạc bộ Vespa với dụng ý ban đầu nhằm khuyết trương thanh thế và chống lại đối thủ Lambretta nhưng dần dà các câu lạc bộ trở nên mang đậm tính văn hóa cộng đồng. Khắp thế giới, từ Âu sang Á, nơi nào cũng có câu lạc bộ Vespa. Năm 1951, khoảng 20.000 người đã tham dự “Ngày Vespa” tổ chức tại Ý. Cưỡi Vespa trở thành hình ảnh của tự do, phóng khoáng và thân thiện. Khi Vespa du nhập vào Mỹ với sức hút chưa từng có đối với xe gắn máy nước ngoài, nguyệt san Reader’s Digest đã tán dương trong một bài dài về “con ong” độc đáo của Piaggio. Từ thập niên 1960, Vespa được sản xuất (qua chuyển nhượng bản quyền) tại khoảng 15 nước và được tiếp thị-quảng cáo ở 115 quốc gia.

Minh tinh Nicole Kidman với Vespa (Pinterest)

Một số nước còn tung ra phiên bản lai Vespa. Tờ Izvestia (Liên Xô) trong số phát hành ngày 9-6-1957 cho biết Liên Xô bắt đầu sản xuất dòng xe Viatka 150cc (tại thành phố Kirov) trông y chang Vespa Piaggio. Thật ra không chỉ Liên Xô, nhiều nơi cũng thiết kế phiên bản lai lấy cảm hứng từ nét duyên dáng Vespa, chẳng hạn Lambretta ngay tại thị trường Ý. Tuy nhiên, “Vespa gốc” vẫn là số một. Từ 1946-1965 (năm Enrico từ trần), Piaggio đã sản xuất 3.350.000 chiếc Vespa riêng tại thị trường nội địa (tương đương 1/50 tỉ lệ dân số). Tính đến đầu thế kỷ 21, Piaggio đã bán được hơn 16 triệu Vespa, gấp bốn doanh số Harley-Davidson trong 100 năm lịch sử hãng xe môtô Mỹ này.

Đến thập niên 1950, Vespa đã nổi như cồn. Có vô số câu chuyện liên quan văn hóa và tính phổ quát của Vespa. Năm 1952, một người Pháp tên Georges Monneret chế tạo một chiếc Vespa lội nước để tham gia cuộc thi đường trường Paris-Luân Đôn và băng qua eo biển Manche. Một năm trước, Piaggio đã thành công khi tung chiếc Vespa 125cc giành kỷ lục thế giới với vận tốc 171,102 km/g. Và không chỉ trên đường đua. Sinh viên Ý Giancarlo Tironi từng phóng Vespa đến gần Bắc cực. Một người Argentina tên Carlos Velez cưỡi Vespa vượt rặng Andes, từ Buenos Aires đến Santiago (Chile).

Năm này qua năm kia, ngày càng có nhiều chuyện kỳ thú tô đậm thêm “giai thoại Vespa”: Roberto Patrignani phóng Vespa từ Milan đến Tokyo; James P. Owen phóng Vespa từ Mỹ đến Tierra del Fuego (cực Nam châu Mỹ); Santiago Guillen và Antonio Veciana đèo nhau từ Madrid đến Athens; Geoff Dean thực hiện chuyến du hành vòng quanh thế giới trên lưng Vespa; sĩ quan không quân Pháp Pierre Delliere phóng Vespa từ Afghanistan đến Sài Gòn trong 51 ngày… Và năm 1992, nhà báo Giorgio Bettinelli rời Rome trên chiếc Vespa rồi đến Sài Gòn tháng 3-1993; năm 1994-1995, anh phóng Vespa từ Alaska đến Tierra del Fuego; năm 1995-1996, anh đi Vespa từ Melbourne đến Cape Town; năm 1997, anh cưỡi Vespa từ Chile đến Tasmania… (tổng cộng, Giorgio Bettinelli chu du khắp thế giới với khoảng 254.000km trên lưng Vespa).

Lambretta là mẫu xe duy nhất có thể cạnh tranh với Vespa khi xét đến văn hóa và thời trang (Pinterest)

Từ đường trường, Vespa phóng lên màn bạc. Audrey Hepburn và Gregory Peck trong Roman Holiday là cặp diễn viên đầu tiên được thấy lả lướt trên màn bạc với chiếc Vespa. Từ đó, không biết bao nhiêu lần Vespa được kết bạn với nghệ thuật thứ bảy, từ La Dolce Vita, Quadrophenia, American Graffiti, The Talented Mr. Ripley, 102 Dalmatians, đến Dear Diary. Người ta thấy Vespa có mặt bên cạnh những Raquel Welch, Geraldine Chaplin, Joan Collins, Jayne Mansfield, Milla Jovovich, Marcello Mastroianni, Henry Fonda, Gary Cooper, Jean-Paul Belmondo, Sting, Antonio Banderas, Matt Damon, Gérard Depardieu, Steven Spielberg…

Năm 1956, John Wayne từ bỏ thú cỡi ngựa để chơi Vespa. Và năm 1959, khi đang quay Ben Hur, đạo diễn William Wyler đã phải chấp nhận cho diễn viên chính Charlton Heston nghỉ giải lao bằng “những phút thư giãn” bên chiếc Vespa… Các hãng Microsoft, Keds, Dockers, Target, Victoria’s Secret đều từng quảng cáo sản phẩm họ với hình ảnh Vespa. Chiếc xe con ong đít bầu của Piaggio còn là hình ảnh của “thời trang hoài niệm”, với vô số câu lạc bộ “Vespa cổ” được thành lập khắp thế giới, từ Los Angeles, Paris, Tokyo, đến Hong Kong (thiết tưởng không cần nhắc lại cơn sốt “Vespa cổ” đang bùng nổ ở Việt Nam vì báo chí từng nhắc nhiều). Tại Sài Gòn trước năm 1975, Vespa là xe gắn máy “chảnh” nhất và Sài Gòn dường như cũng có tỉ lệ người trung thành nhiều nhất. Nhiều vị trung niên, chẳng phải nghèo túng đến mức không tậu nổi xe mới, bây giờ vẫn tiếp tục bình bịch với chiếc Vespa thâm niên từng là nhân chứng của bao dòng chảy lịch sử…

Leave A Reply

Your email address will not be published.