Bhutan giảm phí du lịch từ 200 xuống còn 100 đô la/ ngày

TVN

0 210

Tuy là một vương quốc Phật giáo nhỏ bé nằm trên dãy núi Himalaya, Bhutan lại áp dụng mức thuế du lịch thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Thuế này có tên là ”Phí phát triển bền vững” (Sustainable Development Fee /SDF), lên tới 200 đô la mỗi ngày. Theo báo Nikkei Asia, từ hôm 01/09 vừa qua, chính quyền Bhutan buộc phải giảm một nửa phí du lịch hầu thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.

Việc giảm phí du lịch từ 200 xuống còn 100 đô la có hiệu lực trong vòng 4 năm, kể từ đầu tháng 09/2023 đến cuối tháng 08/2027. Theo báo Nikkei Asia, ngoại trừ các nước láng giềng như Ấn Độ hay Nepal, du khách phương xa kể từ nay nộp 100 đô la mỗi ngày, dưới dạng phí phát triển bền vững (SDF). Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi được giảm thêm 50% mức thuế, tức 50 đô la /ngày. Về điểm này, có thể nói, chính quyền Bhutan đã nhượng bộ khi giảm nhẹ mức thuế. Cũng cần biết rằng trước năm 2019, phí du lịch là 65 đô la một ngày.

Trong thời đại dịch Covid-19, Bhutan đã đóng cửa biên giới trong gần hai năm rưỡi. Đến khi mở cửa trở lại, Bhutan đã gây ngạc nhiên khi đột ngột tăng gấp ba lần phí du lịch, từ 65 lên tới 200 đô la/ ngày, theo chiến lược ”chất lượng nhiều”, tuy khách chẳng bao nhiêu. Với dân số quốc gia chỉ khoảng 800.000 người, Bhutan từ trước tới nay không muốn chọn con đường phát triển du lịch đại trà, mà luôn cố gắng gìn giữ bản sắc, di sản và các truyền thống văn hóa Phật Giáo.

Dung hòa phát triển kinh tế và du lịch bền vững

Thế nhưng, theo báo Nikkei Asia, sau gần một năm áp dụng, rõ ràng là chiến lược này đã không đem lại kết quả mong đợi. Đà phục hồi ngành du lịch tại Bhutan hậu Covid vốn đã chậm chạp, phí quá cao nhắm vào du khách nước ngoài càng gây thêm khó khăn.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Bhutan chỉ thu hút được khoảng 56.000 lượt du khách. Trong đó có đến hai phần ba đến từ nước Ấn Độ láng giềng. Vấn đề là thành phần du khách Ấn Độ chỉ nộp 1.200 rupee (khoảng 15 đô la Mỹ), khoản phí này đối với khách tham quan Ấn Độ vẫn không thay đổi trong thời gian tới. Ngược lại, tính từ đầu năm 2023, chỉ có khoảng 19.000 lượt khách ngoại quốc mới thực sự nộp phí 200 đô la/ ngày, một con số quá ít để giúp cho ngành du lịch Bhutan khởi sắc.

Theo các số liệu chính thức, vào năm 2019 (trước dịch Covid-19) ngành du lịch đã thu về được khoảng 80 triệu đô la, tuyển dụng gần 50.000 nhân viên trong các ngành khách sạn, nhà hàng, chuyên chở hay hướng dẫn… Vào năm 2019, Bhutan đã thu hút được hơn 300.000 du khách, khoảng hai phần ba đến từ các nước láng giềng, nhưng lượng khách nước ngoài đến từ xa cao hơn nhiều so với bây giờ.

Bhutan Believe : Nâng cấp các dịch vụ du lịch

Khi mở cửa đón khách trở lại sau đại dịch, theo báo Nikkei Asia, Bhutan đã có tham vọng nâng cấp ngành du lịch với chiến dịch xây dựng thương hiệu mới ”Bhutan Believe”: Cải thiện các dịch vụ khách sạn, áp dụng chặt chẽ hơn các quy định về nghề chở khách, hoặc làm hướng dẫn viên du lịch. Về mặt lưu trú, du khách trước đây buộc phải thông qua một công ty lữ hành, nay họ có thể đặt phòng trực tiếp với khách sạn. Xin thị thực cũng dễ dàng hơn qua dịch vụ trực tuyến e-visa.

Tuy vậy, theo ông Jigme Tshering, chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Bhutan (HRAB), do phí du lịch quá cao, các ngành phục vụ du khách hiện chỉ hoạt động ở mức 25%, so với cùng kỳ năm 2019. Điều đó buộc chính quyền phải can thiệp, hoãn lại cho đến tháng 06/2024 việc thanh toán nợ ngân hàng đối với các ngành khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, cũng như hãng hàng không, với lý do đơn giản là không có tiền trả nợ khi vắng khách du lịch.

Theo ông Garab Dorji, chủ tịch Liên đoàn ngành Hướng dẫn du lịch Bhutan (GAB), số hướng dẫn viên du lịch đã giảm đi hơn một nửa, hiện chưa đến 2.000 người (so với hơn 4.000 nhân viên trước đại dịch). Do vậy, các ngành dịch vụ đều hy vọng việc giảm phí SDF sẽ giúp hồi sinh các hoạt động du lịch, tạo thêm điều kiện cho các công ty lữ hành cung cấp các tour tham quan với giá hấp dẫn hơn, đủ sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong vùng như Nepal hay Ấn Độ.

Không phải ngẫu nhiên Bhutan quyết định giảm một nửa phí SDF vào đầu tháng 09/2023, vài tuần trước khi bắt đầu các chuyến du lịch mùa thu, với nhiều liên hoan và lễ hội tôn giáo trên khắp đất nước. Mùa thu cũng là mùa lý tưởng về mặt khí hậu thời tiết cho các chuyến đi bộ leo núi, xuyên rừng. Liệu việc giảm giá sẽ có hiệu quả hay chăng ? Phải chờ đến mùa xuân năm tới mới có thể thẩm định rõ ràng về số khách nước ngoài tăng nhiều hay ít. Bộ Du lịch Bhutan thì lại lạc quan hơn khi cho rằng quy định giảm giá sẽ giúp vương quốc này đạt được mục tiêu 98.000 lượt du khách nước ngoài vào cuối năm nay và như vậy dần tìm lại mức bình thường (trước đại dịch) trong hai năm tới.

Bhutan tự hào có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, di sản văn hóa tuyệt đẹp, nhiều đền đài linh thiêng. Khác với hai nước láng giềng là Nepal và Ấn Độ, Bhutan luôn tìm cách hạn chế các tác động của hiện tượng du lịch quá tải. Ngoại trừ New Zealand (35 đô la phí du lịch) và gần đây hơn nữa là quần đảo Faroe, thuộc Đan Mạch (nằm gần Iceland), có rất ít điểm đến làm giống như Bhutan khi đánh thuế cao ngay từ đầu để hạn chế lượng du khách, rồi dùng thuế du lịch ấy để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, hay bảo tồn môi trường, di sản văn hóa. Phí phát triển bền vững SDF là một trong những công cụ giúp cho điểm đến bớt bị xuống cấp trước lượng khách tham quan quá đông.

Mặc dù chưa có biện pháp nào thực sự lý tưởng, trường hợp của Bhutan cho thấy là quốc gia này khá tiên phong trong việc đi tìm các phương án tiếp đón lượng du khách nước ngoài, đủ để tạo nguồn doanh thu phát triển mà vẫn không lâm vào tình trạng quá tải triền miên, gây thêm tác hại cho môi trường thiên nhiên.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.