Dân số toàn cầu dự kiến ​​đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022, Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

TVN

0 170

Dân số toàn cầu dự kiến ​​đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022 và Ấn Độ dự kiến ​​vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

Thông tin trên được trích từ Dự báo dân số thế giới năm 2022 do Ban Kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc thực hiện.

Tính đến 10h ngày 14/11, theo trang Worldometers, đồng hồ dân số vẫn đang hiển thị thay đổi theo từng giây và hiện vượt mức 7,999 tỷ dân.

Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Các dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy dân số thế giới có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9,7 tỷ người vào năm 2050, dự báo đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó vào năm 2100.

Dự báo dân số thế giới năm 2022 cũng cho biết mức sinh đã giảm rõ rệt trong những thập kỷ gần đây đối với nhiều quốc gia. Ngày nay, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh cả đời dưới 2,1 lần sinh trên một phụ nữ. Dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực được dự báo giảm từ 1% trở lên trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050, do mức sinh thấp được duy trì và tỷ lệ di cư tăng cao.

Hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến ​​đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania. Các nước châu Phi cận Sahara dự kiến đóng góp hơn một nửa mức tăng vào năm 2050.

Ông Liu Zhenmin, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ, cho biết: “Mối quan hệ giữa gia tăng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều. Dân số tăng nhanh khiến cho việc xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng cũng như mở rộng hệ thống y tế và giáo dục trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là các Mục tiêu liên quan đến y tế, giáo dục và bình đẳng giới, sẽ góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu”.

Ở hầu hết các quốc gia thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, cũng như ở các khu vực châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động từ 25 đến 64 tuổi đang tăng lên nhờ mức sinh giảm gần đây. Sự thay đổi trong phân bổ độ tuổi này mang lại cho các nước cơ hội có thời hạn để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trên đầu người.

Tỷ lệ dân số toàn cầu ở độ tuổi 65 trở lên dự kiến ​​tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Tại thời điểm đó, ​​số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới sẽ gấp hơn hai lần số trẻ em dưới 5 tuổi và bằng số trẻ em dưới 12 tuổi.

Năm 2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990. Tỷ lệ tử vong giảm được dự báo sẽ dẫn đến tuổi thọ trung bình toàn cầu khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050. Tuy nhiên, vào năm 2021, tuổi thọ người dân tại những nước kém phát triển nhất tụt lại so với mức trung bình toàn cầu 7 năm.

Đại dịch COVID-19 trong 3 năm trở lại đây cũng đã ảnh hưởng đến một số yếu tố trong dân số. Tuổi thọ trung bình trên toàn cầu giảm xuống còn 71,0 tuổi vào năm 2021. Ở một số quốc gia, các đợt bùng phát dịch liên tiếp khiến số ca mang thai và tỷ lệ sinh giảm trong thời gian ngắn.

Theo UN

Leave A Reply

Your email address will not be published.