Trong khi đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, phải chăng nhân loại sắp phải đối đầu với một đại dịch mới, đại dịch đậu mùa khỉ? Tính đến ngày 25/05/2022, tổng số ca đậu mùa khỉ trên thế giới, ngoài những nước vẫn có dịch bệnh này, đã lên tới 219, theo các số liệu của Trung tâm châu Âu ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Lây lan bất thường
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh truyền nhiễm do virus vẫn rất phổ biến ở 11 quốc gia khu vực trung và tây Phi, nhưng sự lây lan bất thường của căn bệnh đến các nước khác đang gây lo ngại cho toàn thế giới và các cơ quan y tế ở một số nước đang đưa ra các khuyến cáo để phòng chống virus gây đậu mùa khỉ.
Hiện giờ, ngoài 11 nước châu Phi nói trên, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan đến hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Úc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và khoảng một chục nước châu Âu, trong đó có Pháp ( nay đã có 17 ca bệnh tính đến ngày 30/05 ). Ngày 27/05, Achentina cũng vừa thông báo có hai ca đậu mùa khỉ, hai ca đầu tiên chính thức được ghi nhận ở khu vực châu Mỹ La Tinh.
Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các triệu chứng và cách lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, mức độ nguy hiểm đối với con người, tỷ lệ tử vong của bệnh này và các phương pháp phòng chống.
Các triệu chứng
Triệu chứng đầu tiên của một người bị nhiễm virus đậu mùa khỉ là sốt cao, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, rồi nổi những vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ từ rát đến nổi mẩn, rồi mụn nước và mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khi khỏi bệnh thì chúng để lại các vết sẹo.
Thời gian ủ bệnh thường là từ 6 đến 16 ngày, đôi khi có thể là từ 5 đến 21 ngày.
Các con đường lây lan
Hiện giờ không có gì xác định là bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua đường tình dục, mà dường như virus lây lan khi có sự tiếp xúc sát và lâu với một người bệnh đã nổi những mụn nước và mụn mủ trên người.
Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, khả năng bệnh đậu mùa khỉ lan rộng trong cộng đồng là rất thấp, nhưng ngược lại tốc độ lây lan là “rất cao” nơi những người có nhiều bạn tình. Tuy nhiên, không chỉ có những người đồng tính nam là dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ, mà bệnh này có thể lây lan trong các cộng đồng khác, nhất là trẻ em và những cặp không phải là đồng tính.
Mức độ nguy hiểm
Có thể nói đậu mùa khỉ là “anh em bà con” với bệnh đậu mùa vốn đã bị nhổ tận gốc từ 40 năm nay, nhưng không nguy hiểm bằng đậu mùa. Cho đến khi bị tận diệt vào năm 1980, bệnh đậu mùa mỗi năm vẫn là hàng triệu người thiệt mạng. Còn đậu mùa khỉ ít nghiêm trọng hơn rất nhiều, với tỷ lệ tử vong chỉ là từ 3 đến 6%. Đa số người bị đậu mùa khỉ tự khỏi bệnh sau 3 hoặc 4 tuần.
Cách phòng chống
Hiện giờ thế giới chưa có thuốc điều trị đậu mùa khỉ, cho nên chỉ có thể cách ly người bệnh để khỏi lây lan sang người khác. Còn về phòng ngừa thì vac-xin ngừa đậu mùa được biết là cũng có hiệu quả 85% đối với đậu mùa khỉ. Nhưng vấn đề là do bệnh đậu mùa đã bị nhổ tận gốc từ năm 1980, cho nên đa số những người dưới 45 tuổi đã không được chích ngừa bệnh này và kho dự trữ vac-xin ngừa đậu mùa trên thế giới nay có rất ít.
Cũng giống như đối với vac-xin ngừa Covid-19, ngày 26/05/2022, Ủy Ban Châu Âu thông báo Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị đặt mua chung vac-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ và thuốc trị bệnh này. Riêng nước Pháp, theo lời tân bộ trưởng Y Tế Brigitte Bourguignon, hiện có đủ vac-xin để tiêm cho những ca tiếp xúc gần với người bệnh đậu mùa khỉ, theo khuyến cáo của Cơ quan Y tế Cao cấp. Hôm 27/05/2022, hai người đầu tiên, được xem là các ca tiếp xúc có nguy cơ cao với một người bệnh đậu mùa khỉ, đã được chích ngừa tại một bệnh viện ở Paris, theo thông báo của Tổng cục Y tế Pháp.
Cơ quan Y tế cao cấp của Pháp khuyên là tốt nhất nên chích ngừa trong khoảng thời gian 4 ngày sau khi tiếp xúc có nguy cơ cao và nên chích hai mũi cách nhau 28 ngày.
Và cũng giống như đối với Covid-19, rồi đây chắc là chúng ta sẽ phải làm xét nghiệm đậu mùa khỉ. Hôm 25/05, tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Roche thông báo đã phát triển các bộ xét nghiệm PCR để phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
Phần nổi của tảng băng chìm?
Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) ngày 27/05 đã cảnh báo là con số khoảng hơn 200 ca đậu mùa khỉ được phát hiện ở những nước nói trên có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bà Sylvie Briand, đặc trách việc chuẩn bị thế giới cho các nguy cơ lây nhiễm của WHO, đã tuyên bố như trên khi trình bày với các nước thành viên về sự lây lan “bất thường” của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Bà Briand cho biết các chuyên gia đang tìm cách xác định yếu tố nào đã gây ra sự lây lan bất thường này. Trước mắt, các kết quả nghiên cứu sơ bộ không cho thấy có một sự biến thể hoặc thay đổi nào của virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng ưu tiên trong việc phòng chống đậu mùa khỉ là kềm chế sự lây lan tại những quốc gia mà bệnh này chưa phải là dịch và theo WHO, hoàn toàn có thể làm được điều này với các biện pháp nhanh chóng. WHO cũng cho rằng tình hình hiện nay chưa đến mức gây lo ngại quá đáng, bởi vì virus đậu mùa khỉ lây lan chậm hơn so với các virus khác, chẳng hạn như so với virus corona gây bệnh Covid-19. Cũng theo WHO, hiện giờ chưa cần phải mở các chiến dịch chích ngừa hàng loạt, mà chỉ cần tập trung việc phòng chống vào những ca tiếp xúc gần với người bệnh đậu mùa khỉ.
Nguy cơ đại dịch?
Trả lời AFP ngày 25/05/2022, nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Viện trưởng Viện Y tế Toàn cầu, Đại học Y khoa Genève, cũng cho rằng hiện còn quá sớm để nói đến một đại dịch đậu mùa khỉ. Nhưng theo ông, hiện tượng bất thường này buộc chúng ta phải rất thận trọng. Theo nhà dịch tễ học này, hiện giờ chỉ có một ít ca bệnh, cho nên chúng ta có thể cách ly các ca bệnh đó trong ba tuần và yêu cầu những ca tiếp xúc có nguy cơ cao tự cách ly, mục đích là phá vỡ ngay các dây chuyền lây lan của virus.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Antoine Flahault lưu ý hiện giờ không thể loại trừ bất cứ kịch bản nào, kể cả kịch bản một đại dịch toàn cầu giống như Covid-19. Những gì đang xảy ra hiện nay khiến người ta nhớ đến sự lây lan của SIDA. Ban đầu dịch bệnh này chỉ lây lan trong một số cộng đồng, nhất là những người đồng tính nam và những người nghiện ma túy dùng chung kim tiêm. Nhưng dần dần SIDA đã lây lan qua những bệnh nhân được truyền máu, những người hành nghề mại dâm, rồi các cặp bình thường và cả những trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV.
Theo RFI