Nàng Tô Thị ở thị trấn Đồng Đăng- Lạng Sơn

TVN

0 154

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Phần lớn người Việt đều đã từng nghe câu ca dao này.

Vậy Đồng Đăng là ở đâu? Nàng Tô Thị là ai, và phố Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh là những địa danh như thế nào? Chúng tôi xin được làm rõ trong bài viết lần này.

Thực tế, những chi tiết được đề cập tại đây đều xoay quanh tỉnh Lạng Sơn. ĐỒNG ĐĂNG là một thị trấn thuộc huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 14km về phía Đông Bắc. Đây là một cứ điểm trọng yếu tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nổi tiếng với di tích Pháo đài Đồng Đăng. “Đồng Đăng” trong tiếng Hán được viết bởi hai chữ 同登,trong đó “Đồng” (同) có nghĩa là “cùng nhau” như trong “đồng lòng”, “đồng ý”… còn “đăng” (登) có nghĩa là “leo lên”, “trình lên”, cũng là gốc của “đăng” trong “đăng bài”. Vậy Đồng Đăng có thể hiểu là “cùng leo lên”, “cùng vượt lên”. Tên này có lẽ dựa trên địa đồi núi khúc khuỷu tại đây.

PHỐ KỲ LỪA, hay phố chợ Kỳ Lừa là một trung tâm giao thương tấp nập tại Lạng Sơn, được manh nha hình thành từ rất sớm, khoảng thế kỷ XI – XII.

Phố Kỳ Lừa thời xưa

Một điều ngẫu nhiên thú vị là thành phố Lạng Sơn có đến ba địa danh bắt đầu bằng chữ “Kỳ”: núi Kỳ Cấp, sông Kỳ Cùng và chợ Kỳ Lừa. Giải thích hai chữ Kỳ Lừa cũng là một việc khá khó khăn. “Theo ngôn ngữ Tày, Nùng, thì Kỳ Lừa được phát âm là Khau Lư (Khau Lừ). Chữ Nôm Tày viết ghép hai chữ Hán là Mã và Khâu, do đó đọc là Kỳ. Chữ Lư thì đúng nghĩa là con Lừa. Nhưng đó là theo âm và nghĩa chữ Hán” (Vũ Ngọc Khánh – Giai thoại xứ Lạng).

Còn truyền thuyết dân gian thì kể rằng khi Thân Công Tài làm Đốc trấn Lạng Sơn có nuôi một đôi lừa rất khôn. Chúng được thả rông, ngày ngày sang núi Kỳ Cấp ăn cỏ, chiều lại bơi qua sông Kỳ Cùng về với chủ ở Đèo Giang (phía nam thành phố ngày nay). Song từ ngày phát rừng mở chợ thì đôi lừa đi đâu mất không về. Tìm không thấy mà cũng không có dấu hiệu là đã chết. Người ta lấy làm ngạc nhiên gọi là đôi lừa kỳ lạ. Vì thế lấy ngay mấy chữ Kỳ Lừa đặt tên cho chợ luôn!

Còn một cách giải thích nữa, Ts Hoàng Lương cho rằng: xưa mực nước sông Kỳ Cùng chưa thấp như bây giờ. Khi đường bộ chưa phát triển thì sông Kỳ Cùng và các chi lưu của nó chính là con đường chủ yếu để đi lại, vận chuyển hàng hoá giữa các vùng. Phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng bè mảng (tre, mai, vầu ghép lại) và một ít thuyền tam bản. Bè mảng tiếng Nùng gọi là Lừ, tiếng Tày gọi là Lừa. Sông có nhiều bè mảng gọi là Từ Lừa, hội đua bè mảng gọi là Bưa Lừa. Một bến sông san sát thuyền bè, từ bến sông lên không xa, trên quả đồi là nơi bày bán hàng hoá của khách buôn Tàu, ta, nhân dân địa phương bán lâm thổ sản. Như vậy Kỳ Lừa, Khau Lừa chính là chỉ một khu chợ trên bến dưới thuyền.

NÀNG TÔ THỊ là nhân vật trong câu chuyện sự tích Hòn Vọng Phu. Ngày ấy có hai anh em, người anh tên Tô Văn và người emtên Tô Thị. Khi còn nhỏ, có lần Tô Văn nghịch ngợm ném đá trúng Tô Thị, để lại một vết sẹo trên đầu em gái. Sau do biến cố gia đình nên hai anh em lưu lạc mỗi người một phương. Khi họ lớn lên, do nhân duyên đưa đẩy mà gặp lại nhau, nhưng cả hai đều thay đổi quá nhiều nên chẳng ai nhận được kia là anh/ em của mình cả. Dần dần, Tô Văn, Tô Thị nảy sinh tình cảm rồi kết nghĩa vợ chồng và có với nhau một người con. Ngày nọ, Tô Văn phát hiện ra vết sẹo trên đầu vợ, đâm nghi ngờ liền hỏi, Tô Thị không hiểu nên hồn nhiên kể lại chuyện xưa. Nghe xong, biết mình đã lấy nhầm em gái, quá đau đớn, Tô Văn quyết định bỏ đi. Từ đó ngày ngày Tô Thị bồng con ra đứng trông chồng, đến nỗi hoá đá thành Hòn Vọng Phu. Về sau, người ta dùng danh từ Hòn Vọng Phu để chỉ những tảng đá có dạng mẹ bồng con, và Lạng Sơn cũng có một khối đá như vậy.

Còn CHÙA TAM THANH là một ngôi chùa nằm trong động Tam Thanh có từ thời Lê, là một điểm tham quan nổi tiếng của xứ Lạng. Các nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ gọi là Tam Thanh vì nơi đây trưa kia vốn thờ đạo giáo, và Tam Thanh chính là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh, tức ba cõi tiên. Về sau Đạo giáo phai mờ dần, người ta mới đưa Phật giáo vào để thờ cúng.

LẠNG SƠN là vùng đất có số đông người Tày – Nùng sinh sống từ lâu đời. Về những địa danh người Tày – Nùng thường đặt, trong cuốn “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn – khu vực người Tày – Nùng đông đảo nhất, ta thường thấy những địa danh có từ “Khuổi” và “Lũng” (Lủng), như: Khuổi Bốc, Khuổi Cống, Khuổi Slao, Khuổi Nọi… hay Lũng Môn, Lũng Phi, Lũng Vài, Lủng Pa… Đó là những địa danh của người Tày – Nùng, do người Tày Nùng định danh. Ngày nay, “Khuổi” chỉ con suối, “Lũng” chỉ thung lũng.

Về mặt ngữ âm học và ngữ âm học lịch sử, từ “Lạng” chúng ta đang nghiên cứu được viết bằng một chữ Hán. Chữ Hán này có âm là “Lượng”, trong tiếng Trung Quốc hiện đại đọc Liang. Căn cứ vào Từ điển Khang Hy và Từ Hải, với dẫn chứng khoa học về mặt ngữ âm học và ngữ âm học lịch sử, tác giả Nguyễn Duy Hinh đã chứng minh rằng từ “Lũng” trong ngôn ngữ Tày – Nùng từ xưa đã được phiên âm thành từ Hán – Việt là “Lạng”.

Từ những căn cứ trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đưa ra giả thuyết: Từ “Lạng” là một từ Hán – Việt cổ, bắt nguồn từ “Lũng” trong ngôn ngữ Tày – Nùng theo ngữ nghĩa cổ. Xứ Lạng là xứ sở gồm nhiều “Lũng” và như vậy, Xứ Lạng, Lạng Sơn có nghĩa là xứ sở của những thung lũng có núi cao đẹp – là xứ núi non hùng tráng mang nặng nghĩa tình gắn bó Việt – Tày – Nùng trong lịch sử.

Câu ca dao ở đầu bài thực tế vẫn còn rất dài, với nhiều dị bản khác nhau. Một trong những bản phổ biến nhất:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Em lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Khi vui quên hết lời em dặn dò”.

Leave A Reply

Your email address will not be published.