Tháp Bà Po Nagar, Nha Trang

TVN

0 616

Tháp Bà bên bờ sông Cái ở Nha Trang, theo lời nhà thơ Quách Tấn, “là một nơi tiêu biểu nhất cho thắng cảnh, cổ tích của miền cát trắng thùy dương. Tháp Bà, tức là tháp thờ bà Thiên Y A Na, tiếng Pháp gọi là Poh Nagar. Tháp xây trên một ngọn đồi trong vùng núi Cù Lao. Núi cao chừng vài ba chục thước, hình như một chiếc nón lá úp sấp, cây cối tươi xanh. Phía Nam giáp sông Nha Trang, phía Tây và phía Bắc giáp núi và đồng bằng, trước mặt thì làng Cù Lao (Xóm Bóng) và biển Nha Trang”.

Vì sao Tháp Bà được xây trên một ngọn núi cao? Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương giải thích: “Theo truyền thuyết, Vương quốc Chămpa được cai trị bởi hai dòng tộc là Cau, tiếng Chăm gọi là Pinang, và Dừa, tiếng Chăm gọi là Li-u. Dòng Cau/Trống cai trị miền Bắc, dòng Dừa/Mái cai trị miền Nam. Như các tín ngưỡng phổ biến ở Đông Nam Á, tín ngưỡng cổ truyền của người Chămpa theo thuyết vũ trụ lưỡng nghi: mái-trống/mẹ-cha/biển-núi/dừa-cau. Hai thành đô chính của các vương triều Chămpa là Mỹ Sơn và Po Nagar Nha Trang đã phản ảnh rõ nét về tín ngưỡng này. Vì dựa theo thuyết lưỡng hợp-lưỡng phân nên Mỹ Sơn, thánh đô của miền Bắc vương quốc, được tạo dựng để thờ đấng thần-vua (devaraja) Bhadreavara/Cha/Núi/Cau, và Po Nagar Nha Trang, thánh đô của miền Nam vương quốc, thờ nữ thần. Bhavagati/Po Yang Ina Nagar/Thiên Y Ana/Mẹ/Biển/Dừa. Vì thế, Mỹ Sơn được chọn nằm sâu trong một thung lũng kín đáo có núi cao bao bọc; ngược lại, Po Nagar Nha Trang được xây trên một ngọn đồi đơn độc ven sông sát cửa biển…” (Khái niệm cơ bản về văn minh Chămpa qua những nhận thức mới).

“Tháp Po Nagar gồm có 4 ngọn. 3 ngọn nhỏ, một ngọn lớn. Ngọn lớn ở phía Bắc, cao đến 23 thước. Theo nhà khảo cổ Henri Parmentier thì tháp nầy do vua Chiêm Thành là Harivarma Đệ nhất xây vào đầu thế kỷ IX. Còn các ngọn khác thì xây vào khoảng thế kỷ VII, thế kỷ VIII. Trong ngọn tháp lớn nhất, nữ thần xứ Kauthara (Cù Huân) là Poh Nagar (hay Pô Ino Nogar) mà người Việt gọi là Thiên Y A Na.

Tượng nữ thần bằng đá xanh, cao lớn, ngồi xếp bằng trên một bệ cao rộng, cũng bằng đá xanh nguyên khối. Thần có 10 cánh tay. Hai tay đặt lên đầu gối, lòng bàn tay để ngửa. Còn 8 tay khác thì giơ lên hình rẻ quạt và mỗi tay cầm một món binh khí, như đoản đao, giáo, ná, tên v.v… Y phục khắc theo kiểu chúng ta thường thấy ở các tượng đá của Chiêm Thành, nghĩa là rất đơn giản: đầu đội mão triều thiên, nhọn như mũ vũ nữ Thái Lan thân chỉ che đôi mảnh xiêm y ở hạ thân và ở ngực. Nét chạm trổ cực kỳ tinh vi vừa sắc sảo vừa dịu dàng, trông như người sống.

Sự tích của người Chiêm Thành (người Chăm) về Nữ thần xứ sở Poh Nagar: Poh Nagar là một nữ thần do áng mây và bọt nước biển biến sinh ra. Bà sinh ra với một tấm thân cân đối, một khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời và chói rọi hào quang. Bà sinh ra tận ngoài biển khơi. Nước biển dâng cao đưa bà vào bến Yjatran. Sấm trời và gió hương nổi dậy báo cho muôn loài biêt tin bà giáng thế. Liền đó những khe suối trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống mừng Bà, và núi hạ mình thấp xuống để đón rước Bà. Bà bước lên bờ. Cây cong cành xuống sát đất để tỏ lòng thần phục. Chim muông kéo nhau đến chầu hai bên đàng cái. Và hoa cỏ vươn lên để điểm hương vào bước chân bà đi.

Đến Yjatran, Bà dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương, kỳ nam, các giống gỗ quý và lúa bắp. Để cúng Trời, Bà tung lên mây một hột lúa. Lúa mọc hai cánh trắng như hai mảnh bạch vân, bay ở giữa không trung. Bà lại đốt một phiến trầm hương, khói thơm tỏa lên cao vút, đỡ hột lúa có cánh về dâng cúng trời. Nơi hậu cung Bà có 97 ông chồng. Nhưng chỉ có ông Pô Yan Amo là có uy quyền và được trọng vọng hơn cả. Bà sanh được 38 nữ thần, người nào cũng xinh đẹp. Song chỉ có 3 người được Bà ban cho nhiều quyền phép là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih, nữ thần vùng Phan Rang, và Pô Bia Tikuk, nữ thần vùng Phan Thiết… (Xứ trầm hương, Quách Tấn, phần 3: Thắng cảnh, cổ tích)

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.