Đạo diễn Jean- Luc Godard từ trần

Huỳnh Duy Lộc

0 653

Jean- Luc Godard sinh năm 1930 tại thủ đô Paris của Pháp. Thuở 20 tuổi, ông làm nhà phê bình phim và được sự khuyến khích của François Truffaut, một nhà phê bình phim trở thành đạo diễn, ông bắt đầu thực hiện bộ phim đầu tay. Bộ phim ““À bout de souffe” (Hụt hơi, 1960) của ông đã gây chấn động vì phong cách làm phim rất mới mẻ. Về sau, ông càng cấp tiến hơn với những bộ phim như “Contempt, Band of Outsiders” (1964) và “Alphaville” (1965).

Các bộ phim chính của ông:
“À bout de souffle” (1960)
“Contempt” (1963)
“A married woaman” (1964)

Giới truyền thông cho hay ông vừa từ trần ở tuổi 92 vào ngày 13 tháng 9 năm 2022.

Bộ phim “À bout de souffe” (Hụt hơi, 1960) đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử điện ảnh. Không phải ai cũng thích câu chuyện lỏng lẻo và sự bất chấp tiêu chuẩn đạo đức của Jean- Luc Godard, nhưng ngay cả những người chỉ trích ông cũng công nhận những đổi mới ông đã mang lại và các đạo diễn như Martin Scorsese và Quentin Tarantino cũng thừa nhận họ đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của ông. “À bout de souffle” kể câu chuyện chàng thanh niên tên Michel (Jean-Paul Belmondo đóng) bắn một viên cảnh sát rồi ẩn náu trong căn hộ của một nữ sinh viên Mỹ tên Patricia (Jean Seberg đóng). Patricia chẳng hề biết Michel đã làm gì, nhưng sau đó hiểu ra, giao anh cho cảnh sát và họ đã bắn anh ngay trên đường phố.

Trước khi làm đạo diễn, Jean- Luc Godard làm nhà phê bình cho tạp chí điện ảnh cấp tiến Cahiers du Cinéma, ca ngợi những bộ phim trước đó của các đạo diễn khác. Tương truyền, Jean- Luc Godard coi Humphrey Bogarth như thần tượng, treo một bức ảnh lớn của nam diễn viên này trên tường căn phòng của ông. Jean- Luc Godard và các nhà làm phim trẻ của Pháp như François Truffaut, Claude Chabrol đã tạo nên trào lưu làm phim mới gọi là “Làn Sóng Mới (Nouvelle Vague), chối bỏ thứ điện ảnh mà họ gọi là “phim của cha” (cinéma de papa) với những bộ phim chẳng nói lên được điểu gì về cuộc sống đương đại. Họ không chỉ tự coi mình như những đạo diễn mà là những tác giả sáng tạo một phong cách điện ảnh mới có bản sắc riêng, với những bộ phim quay tại chỗ và không đặt nặng những vấn đề đạo đức.

Jean- Luc Godard luôn chủ trương một bộ phim không cần có một kịch bản chặt chẽ. Ông thường nói: “Tất cả những gì bạn cần cho một bộ phim là một khẩu súng và một cô gái”. Câu chuyện được kể trong bộ phim “À bout de souffle” là câu chuyện có thật của Michel Portail đã bắn chết một cảnh sát giao thông đi môtô vào năm 1952, và cũng có một cô bạn gái người Mỹ giống như nhân vật Michel trong phim. Tuy nhiên Jean- Luc Godard đã viết kịch bản dần dần khi quay “À bout de souffe”. \

Ông có chủ ý quay phim không theo định hướng từ trước, quay nhiều cảnh trên những đường phố Paris nhộn nhịp và ứng tác những lời thoại. Để thực hiện bộ phim theo kiểu như vậy, ông phải một tay cầm máy quay và quay nhiều cảnh ở những nơi không có đủ ánh sáng, và chính điều này đã tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa những cảnh đen, trắng và đưa tới sự hình thành của một kỹ thuật điện ảnh mới gọi là “jump cut” (dựng nhảy).

Trước kia, một bộ phim thực hiện kỹ phải đảm bảo tính liên tục trọn vẹn của những cảnh quay từ những những vị trí đặt máy quay khác nhau hay những cảnh quay trong những ngày khác nhau. Trái lại, Jean- Luc Godard không muốn chuyển nhẹ nhàng từ cảnh này sang cảnh khác, mà ghép những cảnh quay thành một đoạn có diễn biến thật nhanh. Chẳng hạn trong “À bout de souffle”, ngay khi khán giả vừa thấy cảnh Patricia lái một chiếc xe thể thao, phim chuyển ngay sang một cảnh khác quay ở một nơi khác.

Kỹ thuật jump cut giờ đây đã trở thành kỹ thuật chủ yếu của điện ảnh, nhưng vào thời Jean- Luc Godard, nhà phê bình điện ảnh Bosley Crowther đã gọi nó là một “kỹ thuật quay phim quái gỡ”. Không chỉ có kỹ thuật jump cut làm cho bộ phim “À bout de souffle” gây tranh cãi, mà còn vì sự lạnh lùng của các nhân vật. Sự thờ ơ của nhân vật chính Michel trước mọi chuyện và sự khinh thường quyền lực đã trở thành dấu ấn của bộ phim đối với cả một thế hệ thanh niên. Khi thập niên 1960 bắt đầu, các nhà làm phim và khán giả đã chối bỏ chủ nghĩa anh hùng của những kẻ hy sinh bản thân trong những bộ phim trước đó.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.