Gạo Cần Đước nước Đồng Nai

Sơn Nam

0 194

Thời xưa đất rộng, người thưa nên đồng bào ăn ngon, lựa giống gạo thơm, nay còn gọi “gạo thơm Chợ Đào”. Chợ Đào là chợ ở Rạch Đào, vùng đất ruộng nói trên nay thuộc ranh giới tỉnh Long An, giáp ranh với Sài Gòn.

Đại Nam nhất thống chí ghi (về tỉnh Định Tường) rằng sau năm 1679, dân cư đông đúc thêm, (sau Nguyễn Hữu Cảnh) đặt 9 trường biệt nạp: Qui An, Qui Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ… Về sau Nguyễn Ánh chấn chỉnh lại rồi bãi bỏ. Trường biệt nạp sinh hoạt ra sao? Tôi nghĩ đó là dạng nông trường do dân khẩn hoang đứng ra tổ chức, người cầm đầu chịu trách nhiệm về thuế khóa với Nhà nước, kiểu “khoán sản phẩm”.

Xem Địa bạ Minh Mạng (Nguyễn Đình Đầu chủ biên), ta thấy ghi nhiều xã gốc là trường biệt nạp Thiên Mụ (xã Tân Kim) nhiều nhất là xã Phước Lý, xã Vạn Phước ở Rạch Đào. Xã Tân Điền, xã Phú Nhiêu nằm ở địa phận trường Cảnh Dương. Thiên Mụ phải chăng là ở xứ Huế, Cảnh Dương là tên một xã ở Quảng Bình, người khẩn hoang đi xa vẫn đặt tên quê xứ mình cho vùng đất mới để gây lòng tự tin. Đây là bằng cớ chứng minh tỉnh Cần Giuộc – Cần Đước đã có dân đến khẩn hoang từ hơn 300 năm. Nhiều dòng họ ở đây tự hào đã bám gốc rễ từ hơn 10 đời như gia đình ông Phạm Hữu Ninh ở ấp Nhà Dài, xã Tân Lân. Nhà Dài gợi hình ảnh một lán trại để làm kho lúa gạo, hoặc làm nơi thao tác võ nghệ “tịnh vi dân, động vi binh”.

Ông Phạm Như Niên ở xã Mỹ Lệ, năm nay 91 tuổi nhớ mình là thuộc thế hệ thứ 8. Ông bảo rằng, tổ tiên hồi vào Nam đi ghe bầu, từ Tân Bình, hiểu Tân Bình là một huyện xưa của Quảng Bình, Quảng Trị. Tên đất ngoài ấy sau này đặt cho phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Lại còn ông Nguyễn Văn Minh, tự Ninh ở ấp Vạn Phước cũng xã Mỹ Lệ còn giữ một bản sao khá xưa của địa bộ đời Minh Mạng, nay ông phụ trách ban Nghi Lễ đình Vạn Phước. Thời mới khẩn hoang, xã gồm mười gia đình rồi phát triển thêm vì vậy ngày nay xã Mỹ Lệ của Chợ Đào bao gồm 3 đình làng, dấu ấn của những làng Vạn Phước, Long Mỹ, Mỹ Lệ thời trước.

Những gia đình vào Nam thời xưa tuy không xây nhà thờ Họ nhưng mỗi gia đình có thể tùy hoàn cảnh mà cúng Họ vào ngày mà dòng họ qui định, như một mật hiệu để nhận ra, lắm khi vì tình hình, gia đình phải ly tán (thí dụ như cuộc biến loạn Lê Văn Khôi) phải thay tên đổi họ. Cụ thể như ở quận Gò Vấp gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên đến cư ngụ từ quá lâu đời, vẫn cúng họ ở nhà riêng, vào ngày 20 tháng 2 Âm lịch. Lễ cúng Họ diễn ra âm thầm, không mời người hàng xóm đến, chỉ là nội bộ. Cúng 7 đời trước, lắm khi không biết tên những vị quá xưa, vì theo lệ, mỗi gia đình, nếu tồn cổ thì chỉ cúng tới đời ông cố là hết. Khởi đầu là cúng vong, với cá nướng trui, ly rượu trắng, thêm chén mắm nêm, đọt rau lang luộc, hoặc rau ghém, tùy dòng họ, rồi thả bè dưới sông những món ấy; nếu ở nơi không sông rạch thì treo cái bè chuối với món ấy cúng lên ngọn tre. Tôi hiểu đây là cúng tiền nhân, những người bản địa từ xưa, mắm nêm còn nguyên xác con cá (mắm cái) là món ăn người Chăm mà xưa kia khi chung sống trong xóm, ông cha ta đã tiếp thu vì bổ dưỡng, rẻ tiền mà ngon. Sau đó là cúng đất, kiểu lễ tá thổ (vào Nam chỉ còn là tượng trưng).

Nghi thức trên đây lắm khi lẫn lộn, ở Nam bộ gọi cúng “việc lề”, việc là nghi thức, lề là thói xưa.

Ở Sài Gòn và phía đồng bằng sông Cửu Long, tận vùng Bảy Núi (An Giang), thấy gia đình nào cúng “việc lề”, ta hiểu là tổ tiên xưa kia từ Quảng Bình, Quảng Nam vào định cư lâu đời.

Vùng Cần Đước vì có dẫn lâu đời, sung túc sớm nhờ lúa gạo nên ống Nguyễn Quang Đại, vị quan chuyên lễ nhạc đời vua Hàm Nghi đã đến cử ngụ khá lâu, chấn chỉnh lại môn nhạc lễ, dịp cúng tết, đồng thời triển khai những bản nhạc tài tử, làm cơ bản cho những bản chủ yếu của tuồng cải lương sau này.

Nay đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ có linh vị của ông Nguyễn Quang Đại; hàng năm ngày giỗ của ông được các giới yêu cổ nhạc qui tụ đông đảo, tổ chức hội diễn nhạc tài tử. Từ tỉnh Bình Dương, Bến Tre, Long An các nghệ nhân trẻ kéo đến, kế thừa công nghiệp của đức Hậu tổ nhạc miền Nam.

Nước sông Đồng Nai được Trịnh Hoài Đức, từ đời Gia Long ca ngợi là mát, sạch, ngon ngọt, nếu dùng nấu nước pha trà thì ở Nam bộ không nơi nào sánh kịp. Sông Đồng Nai là nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh sau khi xử lý, và nơi đầu nguồn là đập thủy điện Trị An.

Hai trăm năm trôi qua, “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” vẫn là lời ca ngợi hiện thực, chứng tỏ ông cha ta đã đánh giá tiềm năng và thế mạnh của vùng Sài Gòn khá đúng đắn.

Sơn Nam – Trích từ Nam Bộ Xưa & Nay

Leave A Reply

Your email address will not be published.