Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch

TVN

0 363

Theo nhiều nguồn tin từ hải ngoại và trong nước, sau thời gian bệnh duyên Trưởng lão hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch tại chùa Phật Ân (tỉnh Đồng Nai) vào 16 giờ chiều nay, ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão), trụ thế 81 năm.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, pháp húy Nguyên Chứng, sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, năm 12 tuổi, Hòa thượng từ Paksé về Sài Gòn, sau đó trở lại Huế, tu học tại chùa Từ Đàm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, rồi vào học tại Phật học viện Trung phần Hải Đức (Nha Trang), Quảng Hương Già Lam (Sài Gòn).

Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964) do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh sáng lập; sau đó, tốt nghiệp phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh khi chỉ mới 22 tuổi.

Năm 1970, với những công trình nghiên cứu, khảo luận có giá trị về Thiền học và Triết học Phật giáo, trong đó có tác phẩm đầu tay Đại cương về thiền quán và nổi bật hơn hết là Triết học về tánh Không, Hòa thượng được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng; là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.

Năm 1971, ngài được Hòa thượng Thích Minh Châu bổ nhiệm làm Tổng Thư ký tạp chí Tư Tưởng – cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh. Bên cạnh đó, ngài cũng làm Thư ký tòa soạn, chủ bút, tham gia cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí nghiên cứu đương thời như: Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Khởi Hành, Thời Tập,…

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho việc phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc biệt là tạng kinh A-hàm. Các dịch phẩm nổi bật của Hòa thượng đã được xuất bản chính thức, đến với độc giả trong và ngoài nước.

Sau biến cố năm 1975 ông về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào lại Sài Gòn sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam.

Đầu năm 1978, ông bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1981 thì được trả tự do.

Ngày 1 tháng 4 năm 1984 ông bị bắt cùng với ông Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu là do 2 ông là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và các lưu tâm cũng như kính trọng các công trình nghiên cứu về Phật giáo và tác phẩm của họ đã phát sinh vào thời điểm chính quyền Việt Nam đang cố gắng kiểm soát hội Phật giáo.

Tháng 9 năm 1988, ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng 11 năm 1988, sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998, ông được thả tự do từ trại Ba Sao–Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Trước khi thả, nhà cầm quyền yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”. Công an nói không viết đơn thì không thả, thầy không viết và tuyệt thực. Chính quyền đã phải phóng thích ông sau 10 ngày tuyệt thực. Một năm sau đấy, do vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

Năm 1998, tổ chức Human Rights Watch đã tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards cho ông và 7 người Việt khác. Tháng 4 năm 2000, công an đã đến khám xét chùa nơi cư ngụ của Thích Quảng Độ và Thích Tuệ Sỹ. Năm 2004, đài RFA loan tin rằng ông Thích Tuệ Sỹ vẫn còn đang bị quản thúc tại gia.

Năm 2003, Giáo hội Phật giáo Viêt Nam Thống nhất tổ chức Đại hội bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được cung thỉnh làm Phó Viện Trưởng Viện Hóa đạo.

Ngày 12/05/2019, Đệ ngũ Tăng thống, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã ban hành Giáo chỉ số 19-VTT/TT/GC cung thỉnh hòa thượng đăng lâm pháp tịch vào hàng Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Viện Tăng thống.

Ngày 24/05/2019, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã ban hành Quyết định số 14-VTT/TT/QĐ thỉnh cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay thế Đức Tăng thống vì trọng bệnh để lãnh đạo GHPGVNTN ở vị trí Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.

Ngày 20/04/2020, nhân lễ chung thất của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ phụng thừa Quyết định Ủy thác Quyền Điều hành Viện Tăng thống trở thành Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống GHPGVNTN.

Ngày 10/05/2021, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ ra Thông bạch cung thỉnh thành lập Hội đồng Hoằng pháp do Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Cố vấn Chỉ đạo, Hòa thượng Thích Như Điển làm Chánh Thư ký và Hòa thượng Thích Nguyên Siêu làm Phó Thư ký.

10:00 sáng ngày 27/11/2021 (giờ Việt Nam), Hội đồng Hoằng pháp tổ chức Đại hội lần I. Đại hội đã hoan hỷ đồng thuận đề nghị của Cố vấn Hội đồng Hoằng pháp, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời gồm có:

Chủ tịch: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Cố vấn: Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát

Chánh Thư Ký: Hòa Thượng Thích Như Điển

Phó Thư Ký hải ngoại: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu

Phó Thư Ký quốc nội: Hòa Thượng Thích Thái Hòa.[12]

Ngày 21/08/2022, tại buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương cử hành tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, Đồng Nai, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được suy cử làm Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống GHPGVNTN.

Trước khi viên tịch, Hòa thượng Tuệ Sỹ đang tập trung điều hành công việc của Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh vừa được ông làm mới để tiếp nối công việc của các vị tiền bối. Hội đồng trước đây được Viện Tăng thống thành lập vào năm 1973 gồm có 18 vị tôn túc, trưởng lão.

Tuy nhiên sau 50 năm, 16 trong tổng số 18 vị đã viên tịch, chỉ còn Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm hiện đã 100 tuổi và Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Cho nên Hòa thượng Tuệ Sỹ đã tìm và mời thêm những vị đủ năng lực để bổ sung vào hội đồng, Hòa thượng Minh Tâm cho biết.

Hiện Hội đồng đã dịch và in xong 29 tập của bộ Thanh Văn Kinh, tức là một phần của Tam Tạng Kinh, và đã cho công bố hồi đầu năm nay trong sự hoan hỉ của giới tăng ni và tín đồ Phật giáo. Hội đồng Phiên dịch sẽ tiếp tục dịch các phần còn lại của Đại Tạng Kinh ra Tiếng Việt, cũng theo lời viện chủ chùa Phật Ấn.

Về sinh hoạt của Giáo hội Thống nhất dưới sự điều hành của Hòa thượng Tuệ Sỹ, Hòa thượng Minh Tâm cho biết là ‘vẫn thông suốt’ nhưng ‘không có gì nổi bật’ do ‘Ngài chỉ im lặng xử lý công việc trong nội bộ, chỉ có tiếp các phái đoàn ngoại giao của Pháp, Mỹ thôi’.

“Ngài mong tương lai của Giáo hội vẫn sinh hoạt để tiếp nối sự nghiệp của chư Tổ,” Hòa thượng Minh Tâm thuật lại những lời trao đổi của Hòa thượng Tuệ Sỹ với các phái đoàn ngoại giao nước ngoài.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi chủ trương không làm chính trị, không tham gia Giáo hội của Nhà nước vì Giáo hội của Nhà nước (tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam) họ đang làm chính trị – họ nằm trong Mặt trận Tổ quốc,” ông thuật lại lời Hòa thượng Tuệ Sỹ.

Khi được hỏi Hòa thượng Tuệ Sỹ có sắp xếp công việc của Giáo hội hay có viết di chúc như thế nào hay chưa, Hòa thượng Minh Tâm nói ‘có lẽ là đã có vì Ngài cũng đã dự liệu sức khỏe của mình yếu, vô thường chưa biết đến lúc nào, nhưng chỉ là chưa công bố thôi’.

Leave A Reply

Your email address will not be published.