Nam Lộc và “Sài gòn ơi! Vĩnh biệt”

Huỳnh Duy Lộc

0 400

Nam Lộc tên thật là Nguyễn Nam Lộc, sinh năm 1944 ở Bắc Ninh khi thân phụ anh – một thiếu úy trong Quân đội Quốc gia Việt Nam – thuyên chuyển về đây. Khi anh lên 2 tuổi, gia đình anh chuyển về Hà Nội rồi khi lên 10 tuổi, anh theo cha mẹ di cư vào Nam.

Anh theo học các trường trung học ở Sài gòn – trong đó trường cuối cùng là trường trung học Chu Văn An – và hăng say hoạt động văn nghệ, tham gia tổ chức những đại nhạc hội liên trường. Anh bỏ ngang việc học đại học sau khi lần lượt theo học các trường Đại học Văn khoa Sài gòn và Trường Chính trị Kinh Doanh của Viện Đại học Đà Lạt, mở quán cà phê Gió (về sau đổi tên thành Hầm Gió) trên đường Võ Tánh (Sài gòn), nơi “Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly đến hát những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau khi quán Văn đóng cửa.

Vốn yêu thích những sáng tác âm nhạc của Trịnh Công Sơn, anh đứng ra thực hiện băng nhạc Trịnh Công Sơn đầu tiên mang tên “Tình ca Trịnh Công Sơn” với giọng ca Khánh Ly và tiếng đàn của Trịnh Công Sơn. Băng nhạc “Tình ca Trịnh Công Sơn” rất thành công và được tiếp nối bằng những băng nhạc khác như “Ca Khúc Da Vàng”, “Kinh Việt Nam”…

Tuy gặp gỡ nhiều nghệ sĩ có tên tuổi vào thời kỳ này như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Miên Đức Thắng, Nam Lộc chỉ thật sự trở thành một trong những khuôn mặt nổi bật của phong trào nhạc trẻ Sài gòn sau cuộc gặp gỡ với nhà báo Trường Kỳ vào năm 1968.

Nhà báo Trường Kỳ kể: “Chúng tôi quen nhau vào năm 1968, trong thời gian Lộc đang điều hành một tiệm cà phê tên Quán Gió trên đường Võ Tánh (đường Nguyễn Trãi hiện nay). Phần tôi, đang thực hiện những chương trình nhạc trẻ “Hippies À GoGo” hàng tuần tại vũ trường Chez Jo Marcel trên đường Nguyễn Huệ. Từ khi quen biết, Lộc thường xuyên tham dự những chương trình nhạc trẻ do tôi tổ chức ở vũ trường Chez Jo Marcel (sau đó đổi tên thành Đêm Màu Hồng) rồi tới Queen Bee. Một lần bận việc bất ngờ trong lúc chương trình “Hippies À Gogo” đang diễn ra, tôi đã dúi micro vào tay Lộc để nhờ anh thay thế công việc giới thiệu chương trình. Dù không sửa soạn trước, nhưng Lộc đã ứng biến rất nhanh để hoàn thành một việc đầu tiên trong đời rất suôn sẻ. Sự kiện này khởi đầu cho nghề MC của anh tại hải ngoại sau này. Thời gian sau đó, thỉnh thoảng Lộc vẫn lên sân khấu giới thiệu những ban nhạc trình diễn tại “Hippies À Gogo” với nhiều thích thú. Không đầy một năm sau, Khánh Ly đứng ra khai thác chương trình ca nhạc tại vũ trường Queen Bee và mời Lộc ở lại thực hiện một chương trình nhạc trẻ hàng tuần. Từ đó có thể coi Nam Lộc chính thức đến với phong trào nhạc trẻ và luôn sát cánh với Jo Marcel, Tùng Giang và tôi trong mọi tổ chức với nhạc trẻ giữ vai trò nòng cốt. Đối với giới nhạc trẻ, tên tuổi Nam Lộc đã trở nên quen thuộc. Đến năm 1972, Nam Lộc cũng là một trong những người tích cực nhất đối với phong trào Việt hóa nhạc trẻ do tôi đề xướng bằng cách viết lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc. Đầu tiên, Lộc góp ý về giai điệu và viết lời cho nhạc phẩm “Anh đã quên mùa thu” cùng với Tùng Giang. Sau đó là nhiều nhạc phẩm ngoại quốc được anh chuyển sang lời Việt bằng cách dựa trên giai điệu của nhạc phẩm chính, hoàn toàn không quan tâm đến nội dung như “Mây lang thang” (A Cowboy’s Work Is Never Done), “Một thời để yêu” (Les Amoureux Qui Passent), “Dĩ vãng buồn” (I’ll Never Fall In Love Again), “Phút bên em” (L’Amour Avec Toi), “Tình ca cho em” (Goodbye To Love), “Như mùa thu lá bay” (Ben), “Chỉ là giấc mơ qua” (Yellow Bird)…”

Rời Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 1975, Nam Lộc định cư tại Mỹ và tiếp tục hoạt động văn nghệ. Anh đặt lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc (trong đó có ca khúc “My way” của Paul Anka được đặt lời Việt dưới cái tên “Dòng đời”) và làm MC trong những chương trình ca nhạc.

MC Jimmy Nhựt Hà – người thực hiện các Jimmy Show – kể: “Trên đoạn đường từ Burbank về lại Westminster nghe chú Nam Lộc kể lại giờ này 44 năm trước chú rời Sài gòn, bước vào cuộc sống lưu vong như hàng hàng lớp lớp thân phận Việt Nam vào cuối tháng 4 năm 1975. Ca khúc ”Sài gòn ơi! Vĩnh biệt” ra đời vào những giờ phút kinh hoàng đó… Khi đặt chân đến bến bờ tự do, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã giúp chú Nam Lộc kẻ và viết nốt nhạc ca khúc này. Cô Khánh Ly đã hát bài hát này đầu tiên”.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Sài gòn ơi! Vĩnh biệt” với giọng ca Khánh Ly: https://youtu.be/yBuGVfSAf8g
Ca khúc “Sài gòn ơi! Vĩnh biệt” với giọng ca Hồ Hoàng Yến: https://youtu.be/LHGCm0LxHYI
Ảnh: Nhạc sĩ Nam Lộc (năm 1975)

Leave A Reply

Your email address will not be published.