Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ra sao hơn 100 năm trước?

TVN

0 161

Từ lâu, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng – những người có công dựng nước – được các thế hệ người Việt thường xuyên duy trì và được các triều đại quân chủ chăm lo, hương khói. Tuy nhiên, cũng phải đến năm Khải Định thứ 2 (1917) thì ngày giỗ Tổ Hùng Vương – mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm – mới được chính thức hóa bằng luật pháp.

Theo bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”.

Do nguồn tư liệu khá ít ỏi, hầu như chúng ta không có mấy thông tin về việc tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương trong những năm đầu được hoàng triều Khải Định ấn định là ngày Quốc tế (Quốc lễ).

Lần giở những trang báo cũ, trên tờ Thực nghiệp dân báo (do ông Bùi Huy Tín làm chủ bút), số ra ngày 18/4/1921 có bài Hội kỷ niệm đền Hùng Vương của tác giả T.T. Đây có lẽ là một trong những bài báo sớm nhất và cũng là tư liệu rất hiếm hoi viết ngày lễ giỗ Tổ trong thời kỳ đầu được chính thức hóa bằng luật pháp.

Bài viết này cung cấp nhiều thông tin quý về ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra cách đây tròn 102 năm, từ không khí nô nức của hàng vạn người dân ở khắp nơi về đất Tổ dự lễ quốc tế, đến việc tổ chức lễ hội, sắp xếp nơi ăn nghỉ cho quan khách cũng như du khách thập phương của tỉnh Phú Thọ.

Theo bài viết, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch năm 1921 rơi đúng vào ngày chủ nhật, bởi vậy thu hút rất đông “con Hồng cháu Lạc” lên lễ Tổ. Ước chừng có vài vạn người về Đền Hùng dịp này. Các chuyến xe lửa đi Phú Thọ và Việt Trì được tăng thêm bốn, năm chuyến cũng không đủ chỗ cho người trẩy hội.

Bài viết cũng liệt kê các đối tượng về ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương, quan triều đình thì có Thượng thư Phạm Văn Thụ, quan tỉnh thì có Tử Đạm tỉnh Ninh Bình, Vi Văn Định tỉnh Cao Bằng, Bùi Bành tỉnh Bắc Giang. Các nhà buôn bán thì có ông Nguyễn Hữu Cự, ông Nguyễn Hữu Tiệp, ông Hưng Ký, ông Nguyễn Xuân Thanh. Báo chí thì có ông Nguyễn Văn Vĩnh quản lý báo Trung Bắc Tân văn, ông Bùi Huy Tín quản lý Thực nghiệp dân báo, ông Phạm Huy Lục, ông Nguyễn Văn Luận, trợ bút báo Trung Bắc Tân văn. Ngoài ra còn có các nhà tòng sự, đại diện các sở nhà nước, phần thì do tỉnh Phú Thọ mời, phần thì tự đến lễ…

Về công việc tổ chức lễ hội, bài viết cho biết tỉnh Phú Thọ đã đảm nhận hết các việc, từ việc sửa lễ, đến việc đón tiếp quan khách. Tại đền Hạ, họ cho dựng một khách xá, có đủ cả chè, rượu, bánh ngọt để tiếp các quan triều đình cùng các quan tỉnh dưới lên dự lễ. Trong đền thì sắp đặt nơi ăn chỗ ngồi riêng cho những người các tỉnh đến dự lễ mà có thiếp mời của tỉnh Phú Thọ.

Bài viết cho biết vào lúc chín giờ thì diễn ra lễ rước đèn đền, đó cũng là lúc các quý quan cũng vừa tới. Quan Tuần phủ Phú Thọ Đặng Trần Vỹ và quan Án Phạm Đình Hòe nghinh tiếp các quý quan ở đền Hạ, rồi đưa lên đền Thượng để xem tế. Tại đền Thượng có dựng riêng một khu để các quan dự tế thay đổi y phục.

Về lễ quốc tế, bài viết cho biết quan Tuần phủ Đặng Trần Vỹ có tang cho nên quan Phạm Đình Hòe đứng bái thay ngài, quan Trần Nhật Tinh tri phủ Đoan Hùng thì đọc chúc văn tế lễ.

Các quý quan thì có quan Công sứ Léveque tỉnh Phú Thọ, quan Nguyên soái Jacquet các quan và phu nhân Phú Thọ, khi tế thì đừng riêng một bên, tế xong thì các quan ở các tỉnh khác vào lễ, rồi đến các nhà buôn bán. Đến khoảng 11 thì mới tế xong, quan Tuần phủ Đặng Trần Vỹ mời các quý quan đến khách xá ở đền Hạ để thết đãi.

Cũng theo bài viết, ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày hội cho muôn đời cõi Nam Việt, là một ngày giỗ Tổ lớn nhất, vì vậy mong rằng sau này mỗi năm con cháu nhà Hồng ta họp mặt trong ngày giỗ tổ lại càng đông thêm.

Có mấy nhà dự lễ nói rằng sau này ước mơ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương này nên sửa đổi thế nào cho toàn dân đến dự lễ, dù theo đạo Thiên Chúa, dù theo đạo Nho, dù theo đạo Phật cũng không có điều gì e lệ cả. Vậy tại đền Thượng thì cứ để thờ đức Hùng Vương là tổ quân. Còn tại đền Trung thì nên chia ra ba đền: một đền để kính đức Gia tô cơ đốc, một đền thờ đức Khổng Tử, một đền thờ Đức Thích Ca. Tại đền Hạ thì sưu tập gia phả tất các họ trong nước mà thờ, tức là thờ bách tính vậy. Như vậy ắt hẳn toàn dân đều nức lòng mà dự lễ, lại hợp với luân lý dân Việt Nam ta mà trong sách đã gom lại gồm ba chữ “Quân, Sư, Phụ”.

Ngoài ra bài viết cũng nhắc tới bài ca viết về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do nguyên tri phủ Lâm Thao Hoàng Văn Chính đặt ra mà dân vùng này đều thuộc lòng:

Lên này lên, lên này lên.

Lên non Cổ tích, lên đền Hùng vương.

Đền này thờ tổ Nam phương.

Quy mô trước đã mở mang rõ ràng.

Ai ơi nhận lấy cho tường.

Kia bà Nghĩa Lợi xây đường xi măng.

Leo cao chẳng khác đất bằng.

Đưa nhau lũ lượt lên lăng vua Hùng.

Cụ là một cụ tổ chung.

Trăm con ở khắp đường trong đường ngoài.

Núi cao sông lại càng dài.

Con con cháu cháu hăm hai triệu người.

Đến đây sum họp vui cười.

Trước là lễ tổ viếng nơi mộ phần.

Sau là tài tử giai nhân.

Hàn huyên kể nỗi kẻ gần người xa.

Tóm lại, với dung lượng chỉ khoảng trên 1.500 từ, nhưng bài Hội kỷ niệm đền Hùng Vương của tác giả T.T trên tờ Thực nghiệp dân báo đã cho chúng ta hình dung phần nào đó về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong những năm đầu được triều đình vua Khải Định chính thức hóa bằng luật pháp.

Nguồn ZING

Leave A Reply

Your email address will not be published.